UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc đặt tên một số tuyến đường tại TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn và thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh) và quyết định bổ sung quỹ tên đường của tỉnh.
Tôn vinh văn học nghệ thuật
Trong danh mục tên được đặt và bổ sung vào quỹ tên đường tại các quyết định lần này có khá nhiều danh nhân của địa phương và đặc biệt là văn nghệ sĩ. Cụ thể, tại TP.Tam Kỳ, lần này có thêm 31 tuyến đường được đặt tên, gồm 29 tuyến được đặt tên các danh nhân văn hóa, lịch sử; trong đó có tên của một số nhà văn hóa, văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Bổng, Hoàng Châu Ký... Tại thị xã Điện Bàn, có 98 tuyến đường được đặt tên, trong đó có một số văn nhân thi sĩ như Phan Khôi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Tú Xương, Đặng Thai Mai, Nguyễn Gia Thiều, Huy Cận, Hoàng Châu Ký, Nam Trân, Tô Ngọc Vân, Nam Cao, Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Thạch Lam, Lưu Quang Vũ, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận... Tại thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh), có 21 tuyến đường, gồm 16 danh nhân văn hóa, lịch sử và 5 địa danh, sự kiện, mỹ từ. Riêng phần bổ sung quỹ tên đường đợt này, có 77 tên các danh nhân, sự kiện, địa danh được đưa vào; trong đó có một số văn nghệ sĩ như Thuận Yến, Bùi Giáng...
Biển gắn tên đường với chú thích ngắn gọn ở Hà Nội. (ảnh minh họa) |
Ở nước ta, việc sử dụng tên các văn nghệ sĩ để đặt tên đường hiện vẫn còn khá hiếm hoi. Do vậy, quyết định trên của UBND tỉnh có thể xem là “có tính đột phá”, một lần nữa khẳng định truyền thống yêu chuộng và trân quý văn chương, nghệ thuật của quê hương xứ Quảng. Các văn nghệ sĩ được tỉnh chọn đặt tên đường lần này đều rất xứng đáng, đều là những người nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật của quê hương, đất nước; gắn với lịch sử văn chương, nghệ thuật, lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc và đều là những cái tên đã “sống” từ lâu trong lòng công chúng... Việc đưa tên một số văn nghệ sĩ vào đặt tên đường cũng là một cách để tôn vinh, khẳng định công lao, vai trò của văn học nghệ thuật trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; mang lại niềm tự hào cho giới văn nghệ sĩ hôm nay... Với sự bổ sung khá lớn lần này, Quảng Nam trở thành một trong số không nhiều các địa phương có nhiều tuyến đường mang tên văn nghệ sĩ nhất nước. Đây là một nét độc đáo của riêng Quảng Nam trong nỗ lực xây dựng, phát triển đô thị văn minh và nhân văn.
Mỗi tên đường là một bài học lịch sử
Với tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh như hiện nay, việc chọn đặt, bổ sung quỹ tên đường đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên. Ngoài các danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, địa danh... nổi tiếng và quen thuộc trên phạm vi cả nước, cần phải bổ sung thêm những cái tên mới, tiêu biểu nhưng chưa được biết đến rộng rãi hoặc những cái tên là “vốn riêng” của địa phương. Tuy nhiên, nếu không được giới thiệu cụ thể và đầy đủ, người dân không thể biết những ông X., bà Y. nào đó là ai, có công trạng gì. Khi đó, tên các nhân vật, địa danh được dùng để đặt tên đường sẽ chỉ còn mỗi một công dụng là định danh, phân biệt đường này với đường kia, còn mục đích sâu xa hơn là giáo dục truyền thống thì bị chìm mờ.
Để tránh tình trạng đó, mấy năm gần đây, một số đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ Tho (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), Bắc Ninh (Bắc Ninh), Sóc Trăng (Sóc Trăng)... đã cho gắn kèm bên dưới bảng tên đường phần tiểu sử vắn tắt của danh nhân hoặc trích yếu diễn biến của các sự kiện được dùng để đặt tên đường. Phần “chú thích” này rất ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ, giúp người dân hiểu và yêu hơn các nhân vật, sự kiện cũng như con đường nơi gia đình họ đang sinh sống hay có dịp đi qua. Đây chính là một cách để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Thiển nghĩ, Quảng Nam cũng nên học tập việc “chú thích” tên đường như các địa phương nêu trên để những tên đường như Ao Lầy sẽ không chỉ có người dân Phú Ninh hiểu, Phan Thanh Thủ không chỉ người Đại Lộc mới biết là ai mà ngay cả ngưởi dân ở các địa phương khác, kể cả khách vãng lai cũng được tỏ tường.
BẢO ANH