Hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè các em thiếu nhi lại có dịp tham gia hội thi vẽ tranh ở cấp huyện, thành phố, từ đồng bằng đến trung du và miền núi với chủ đề, đề tài mà cấp tỉnh sẽ vẽ, để cho các em làm quen và đi vẽ thực tế. Những năm vừa qua từ chủ đề các di sản văn hóa ở Quảng Nam như phố cổ Hội An đến khu tháp Chăm cổ Mỹ Sơn và di tích danh thắng hồ Phú Ninh đều được các em đến vẽ.
Năm nay, vào cuối tháng Bảy vừa qua, các em có dịp thi thố tài vẽ với chủ đề Biển đảo quê hương. Các em đến từ 17 huyện, thành phố của tỉnh tụ hội đông vui bên bờ biển đẹp Hà My - Điện Bàn. Các em thì quá hồn nhiên và phấn chấn nhất là đầy cảm xúc ở các bé đến từ miền núi Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Trà My… Lâu lắm rồi, người viết bài này có thể ngồi thư giản bên chiếc thúng chai để nhìn ngắm các em vẽ. Vài người lớn là phụ huynh hay cô giáo… đang muốn vẽ giúp các em và có ai đó hơi giận khi các em không nghe lời mách bảo…
Khung cảnh cuộc thi vẽ “Biển đảo quê em”. Ảnh: N.T.HỶ |
Quan sát tranh vẽ của các em, có thể thấy có em đã vẽ thuộc lòng nên cảm xúc về khái niệm “trực họa” đã biến mất, do đó các bức vẽ thiếu thực tế. Có bức vẽ với bố cục đẹp, màu sắc và nét vẽ rất thiếu nhi nhưng khung cảnh biển thì quá xa lạ: biển như ao nhà, cây cối, con người xuất hiện khá gượng ép. Nếu vẽ như thế, chỉ tổ chức tại nhà thiếu nhi hoặc nhà văn hóa là được cần gì phải đi xa để trực họa. Cần tạo cho các em một cái thú đi vẽ thực tế. Việc quan sát thiên nhiên, nhìn ngắm sự thay đổi của mặt trời, sự chiếu sáng của trưa, sáng, chiều rồi mùa hạ, đông, xuân... thật là cần thiết và đầy thú vị cho các em. Những quan niệm về hội họa về thiếu nhi là cố gắng vẽ như người lớn có bố cục, góc nhìn trong đó luật xa gần/phối cảnh hay vẽ đúng đã làm mất đi cái chất, cái hồn cốt của hội họa thiếu nhi.
Có một lần làm giám khảo, người viết bài này đã giật mình về một bức tranh của một họa sĩ nhí người Cơ Tu vẽ cánh tay ôm những người bạn bằng cách đâm luôn cả cánh tay qua thân cây lớn hay một bức vẽ của em mới bốn tuổi vẽ cái bếp nơi có đủ mẹ em cùng cả lũ kiến, gián to bự ở trên vách tường. Có thể ai đó sẽ cười vì sự ngộ nghĩnh. Hãy lưu ý rằng những phép nhìn như “Đơn tuyến, Bình đồ” nghĩa là người vẽ như ở trên cao, trên máy bay nhìn xuống: có đủ tất cả và cùng “đồng hiện” là cách nhìn của các em .Chúng ta còn lâu mà hiểu được, muốn bắt chước cũng không phải dễ. Bởi thiếu nhi mãi là thiếu nhi, bạn không bao giờ có vé để trở về lại thời ấu thơ.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ