Hầu hết những người tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh năm nào, nay đã ngấp nghé cái tuổi xế chiều. Mặc dù nhiều khi nhớ nhớ quên quên nhưng nếu có ai đó hỏi về kỷ niệm của những năm tháng trên công trường thì họ đều kể một cách hồ hởi.
1.Chúng tôi tìm đến thăm bà Nguyễn Thị Hà (59 tuổi, thôn Lộc Thọ, xã Tam Thái, Phú Ninh) vào một buổi chiều tháng Ba. Gương mặt cương nghị, hiện rõ nếp hằn thời gian bỗng tươi rỡ khi bắt đầu câu chuyện về những ngày xây dựng đại thủy nông Phú Ninh cách đây 40 năm.
Giọng bà hồ hởi: “Tôi đăng ký tham gia xây dựng công trình thủy nông Phú Ninh khi mới 19 tuổi. Tôi còn nhớ đó là ngày 29.3.1977, ngày mà cấp trên đã cho nổ 29 phát mìn báo hiệu khởi công xây dựng công trình. Tôi được phân công ở đơn vị C2 Tam Thái, B Tam Kỳ. Ngày đó, anh em thanh niên xung kích làm việc hăng hái, năng nổ và đông vui lắm”.
Bà Nguyễn Thị Hà chăm cháu. |
Rồi bà kể, với sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ thời ấy, bà Hà cùng hàng nghìn, hàng chục nghìn thanh niên các địa phương đã nô nức lên đường hướng về công trường Phú Ninh. Họ ngày đêm miệt mài cuốc đất, đẩy xe cải tiến, bạt núi, ngăn hồ đắp đập bằng khí thế hừng hực, khao khát cống hiến tuổi thanh xuân cho tương lai biết bao cánh đồng đang khát dòng nước mát lành… Mặc dầu cuộc sống trên công trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng ai nấy hăng hái tham gia lao động, đóng góp công sức với niềm tin mãnh liệt về tương lai. Bà Hà bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, tụi tôi cực lắm; làm quần quật không ngơi tay, bữa nào cũng ăn cơm xáo khoai, toàn khoai cõng cơm, rồi có bữa là bo bo; lương bấy chừ là vài đồng bạc lẻ, đủ mua bánh xà phòng, hộp kem đánh răng thôi. Khổ cực, vất vả vậy, nhưng mà ai cũng quyết tâm: đã xác định ra đi thì phải cố gắng, góp sức hoàn thành cho được đại công trình này…”.
Ba năm liền được vinh danh “Kiện tướng”, được đứng vào hàng ngũ của Đảng hồi đó với bà Hà là niềm tự hào. Xung phong đi từ những ngày đầu khởi công, 5 năm lăn lộn trên công trường, ngày trở về, bà Hà lại tất bật với cuộc sống thường nhật, với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Giờ bà sống một mình, ban ngày luẩn quẩn với đứa cháu ngoại không may mắc hội chứng đao; đêm về thui thủi, khổ sở vì căn bệnh thoái hóa cột sống do làm việc quá sức lúc trẻ. Và thường trực trong bà là nỗi niềm mong mỏi sự quan tâm từ chính quyền để những thanh niên xung phong như bà được hưởng chế độ ưu đãi nào đó, không mong gì nhiều, chỉ như sự ghi nhận cho những đóng góp của hàng ngàn người thời ấy đã vì một đại công trình…
2.Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, đã có khoảng 4 vạn người ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được huy động đi đào đất, đắp đập, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. Riêng huyện Tam Kỳ (cũ), gọi tắt là B Tam Kỳ có hơn 5.000 người thường xuyên có mặt trên công trường, trong đó có hơn 2.000 quân chủ lực (tham gia liên tục 4 năm/người), 1.800 quân nghĩa vụ 202 (tham gia 6 tháng/người) và hơn 1.000 quân nghĩa vụ (tham gia 15 ngày/người).
Ông Trương Công Tấn lần tìm những kỷ niệm đã gắn bó với ông trong những năm tháng tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. |
Ông Trương Công Tấn - nguyên ủy viên Ban chỉ huy B Tam Kỳ thuộc Tổng B Phú Ninh, hiện ở khối phố Phú Ân (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, trong thời gian hơn 8 năm, B Tam Kỳ có nhiệm vụ đào, đắp và xây lắp tuyến kênh chính phía bắc và phía nam từ đầu mối đến giáp huyện Thăng Bình và từ đầu mối đến xã Tam Hòa (Núi Thành) cùng hàng chục ki lô mét của 11 tuyến kênh nhánh từ kênh N2 đến kênh N12. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng vẫn không hoàn thành được tiến độ đề ra do yêu cầu nhiệm vụ nhiều và khối lượng công việc quá lớn. Trước tình hình đó vào cuối năm 1978, với cương vị Đội trưởng đội xây lắp, ông Trương Công Tấn đã phát động phong trào “Ba rèn” (rèn sức, rèn đức, rèn tài) rộng khắp và liên tục, dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn đội. Với phong trào đó đội của ông luôn hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian được cấp trên tuyên dương khen thưởng, riêng bản thân ông Tấn 3 năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tặng bằng khen.
3.Chị Huỳnh Thị Kim, nguyên là nhân viên y tế, đại đội Tam Thạnh, hiện ở tại khối phố Mỹ Thạch Bắc (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) kể: hồi đó thiếu thốn, những người tham gia lao động trên công trình đại thủy nông Phú Ninh phải “thắt lưng buộc bụng”. Họ nhịn đói, nhịn khát, đồng thời vượt qua dịch bệnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao với mong muốn sớm hoàn thành công trình đưa nước về tưới cho những cánh đồng, nâng cao năng suất, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân ở các địa phương. Không chỉ “đói cơm lạt muối” mà anh chị em còn phải đối mặt với biết bao dịch bệnh và thương tích do tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã khó lại càng khó khăn hơn khi thuốc men cũng như các trang thiết bị y tế thiếu thốn, người bệnh chỉ được cấp một số loại thuốc thông thường và vết thương cũng chỉ được băng bó qua loa, thế mà các anh, các chị nén cơn đau, vượt qua bệnh tật để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Mai Tấn Tiểu - nguyên Đại đội trưởng, đại đội Tam Thạnh, B Tam Kỳ đến thăm và trò chuyện với “Kiện tướng lao động” Nguyễn Thị Hộ. |
Khẩu hiệu “Tất cả cho Phú Ninh” đã thôi thúc người dân Tam Kỳ nói riêng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung hồ hởi đi xây hồ. Theo quy định thì mỗi người chỉ gánh 2 trạc đất/chuyến nhưng để hoàn thành kế hoạch trước thời gian đã có không ít người gánh mỗi chuyến tương đương 12 trạc đất, nặng hơn 1,5 tạ. Hay như quy định mỗi người chỉ vác 1 bao xi măng/chuyến, nhưng có người vác cùng một lúc 3 bao (2 tay kẹp 2 bao và 1 bao để vắt ngang qua 2 vai. Đặc biệt, cái đầm đất có trọng lượng 50kg, loại đầm này dùng cho 2 người cầm 2 đầu để đầm nhưng có người chỉ một mình sử dụng và đầm liên tục 200 cái mới nghỉ tay góp phần tích cực vào việc rút ngắn thời gian thi công. Chị Nguyễn Thị Hộ - Kiện tướng lao động hiện ở tại khối phố Phương Hòa Đông, (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho biết, lệnh khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh được phát đi, cũng là ngày chị Hộ có mặt tại công trình. Được Ban chỉ huy giao cho một chiếc xe cải tiến và một cái xẻng làm nhiệm vụ vận chuyển đất đá đến nơi quy định. Định mức mỗi ngày vận chuyển 3 - 4m3 đất đá nhưng chị Hộ nghĩ rằng mình còn trẻ, khỏe phải làm cái gì đó có hiệu quả nhằm góp phần cho công trình sớm hoàn thành. Với sức trẻ và nhiệt huyết đó, nhiều năm liền chị duy trì tốc độ vận chuyển được từ 10 - 11m3 đất đá/ngày. Với năng suất này chị được cấp trên tặng danh hiệu “Kiện tướng lao động” vào năm 1978, lúc đó chị mới 22 tuổi.
ĐIỆN NGỌC - THANH THÚY - NHẤT LINH