Vai trò của dòng tộc

05/12/2012 22:30

Phong trào xây dựng tộc họ văn hóa đang có những bước phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

alt
Các tộc họ ở Điện Quang (Điện Bàn) rước bài vị tổ tiên trong ngày hội làng.Ảnh: L.QUÂN

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 896 tộc họ đăng ký xây dựng tộc họ văn hóa, trong đó có 287 tộc họ đạt chuẩn được công nhận. Không chỉ coi trọng việc nghiên cứu, biên soạn gia phả lịch sử dòng họ, các họ tộc văn hóa còn đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Đây được xem là hoạt động phát triển mạnh nhất hiện nay của hầu hết họ tộc trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Học vì ngày mai lập nghiệp”, các họ tộc đã vận động 100% con cháu đến trường. Bằng nhiều cách thức khác nhau, nhiều họ tộc huy động con cháu trong gia tộc thành đạt đang làm ăn sinh sống ở mọi miền đất nước đóng góp để giúp đỡ con cháu trong tộc gặp khó khăn, hộ nghèo có con học giỏi, thi đỗ đại học. Ông Nguyễn Phi Cửu (Điện Phong, Điện Bàn) cho biết: “Hằng năm tộc Nguyễn Phi đều tổ chức lễ phát thưởng, biểu dương những em có thành tích học tập xuất sắc. Nguồn kinh phí chủ yếu vận động từ con cháu trong tộc làm ăn thành đạt”. Điện Bàn là địa phương có phong trào “tộc văn hóa” phát triển khá mạnh như tộc Lê Viết ở Bằng An, tộc Thân làng Câu Nhí (Điện An), tộc Huỳnh (Điện Quang)… Ngoài việc vận động con cháu đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, tộc Phan (làng Bảo An, Điện Quang) đến nay đã xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo trong tộc.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới và “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, tộc họ văn hóa là một mô hình quan trọng. Đây được coi là “kênh” tuyên truyền xã hội hóa tốt nhất hiện nay ở nông thôn, từ việc vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, dựng nhà thờ, tôn tạo đình làng, di tích lịch sử. Trong những năm qua, các tộc họ tại Điện Bàn đã phối hợp với chính quyền vận động được hơn 20 tỷ đồng nâng cấp tôn tạo các di tích như đình Thanh Quýt (Điện Thắng Trung), lăng mộ Lê Đình Dương, lăng mộ Hoàng Diệu, bia chứng tích Chương Dương… Ngoài ra, dòng tộc còn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp nhau sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện hiệu quả chức năng hòa giải, tăng cường mối gắn kết trong gia tộc với cộng đồng thôn xóm. Bà Trương Thị Lộc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhận xét: “Phong trào tộc họ văn hóa là một trong những mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia các hoạt động trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ phối hợp với Ban Vận động xây dựng đời sống văn hóa tổ chức đợt khảo sát nhằm xác định chức năng, vai trò của họ tộc. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng các điển hình để đưa vào chương trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo đòn bẩy để phát triển các hoạt động khác”.

Cũng theo bà Lộc, tộc họ văn hóa là một mô hình hay, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc, bảo tồn được những nếp sinh hoạt truyền thống của người dân. Bộ mặt nông thôn sẽ toàn diện nếu chúng ta biết gìn giữ và phát huy vai trò của dòng tộc.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vai trò của dòng tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO