Vai trò của già làng, trưởng bản

THÁI BÌNH 04/05/2017 09:00

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động tại các huyện miền núi.

Cầu nối

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 380 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ chính là cầu nối giữa đảng bộ, chính quyền và người dân trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại mỗi làng của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, chính các già làng là cầu nối giữa chính quyền với người dân và ngược lại. Già làng Clâu Nhấp ở thôn Pơr’ning, xã Lăng là một tấm gương như vậy. Để có diện mạo nông thôn mới như hiện giờ, ông trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con hiến đất để xây dựng thôn theo chủ trương của huyện. Lời nói của ông vừa có tình, vừa có lý, người trong thôn lại thấy gia đình ông luôn gương mẫu làm trước nên tin tưởng và làm theo. Đến nay, làng Pơr’ning với hơn gần 200 hộ dân sinh sống đã đổi thay nhiều, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ. Già làng Clâu Nhấp tâm sự: “Nhà nước đã đầu tư 80% rồi nên còn lại 20% thì người dân phải chung sức xây dựng nông thôn mới. Vừa rồi chúng tôi tuyên truyền, vận đồng bà con phải hy sinh về đất đai, vườn tược để Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cho thôn bản. Có như vậy bản làng mới phát triển đi lên được”.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.B
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.B

Sau 14 năm tái lập huyện, Tây Giang là huyện miền núi đầu tiên trong tỉnh có hai xã về đích nông thôn mới, đời sống của hàng ngàn đồng bào Cơ Tu đã ổn định tại 70 làng định cư bền vững. Từ thực tế này, việc tranh thủ uy tín, phát huy vai trò của già làng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa... luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay: “Vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng đối với các hoạt động cần sự đồng thuận của cộng đồng. Đơn cử, người có uy tín tích cực tham gia vận động gia đình, tộc họ, người thân hiến đất, vật kiến trúc để giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới… góp phần chung trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”. Tại Bắc Trà My, vai trò của người có uy tín được phát huy hiệu quả trong việc vận động hiến đất, thực hiện tuyến đường Chu Huy Mân, thị trấn Bắc Trà My. Với chiều dài 1,3km chạy qua trung tâm huyện, nếu giải phóng mặt bằng sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người có uy tín, chưa đầy một tháng, 107 gia đình sống dọc tuyến đường này đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng tuyến đường thông thoáng. Ông Trần Văn Tửu, đồng bào dân tộc Co, thị trấn Trà My chia sẻ: “Theo chủ trương của huyện là mở rộng đường sá khang trang, đồng bào dân tộc ở đây hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất”.

Hiệu quả thiết thực

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT-TT vừa có Công văn số 1086/BTTTT-TTCS gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí tuyên truyền thực hiện đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo đó, đề nghị các cơ quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, ưu tiên dành thời lượng mở các chuyên trang, chuyên mục, thực hiện các tin bài, phóng sự tuyên truyền đề án này. Nội dung: phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín; các chính sách dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, toàn huyện có 50 người có uy tín, già làng, trưởng bản. Đây là lực lượng quan trọng để công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng công trình hạ tầng cơ sở gặp nhiều thuận lợi. “Đôi khi việc chuyển tải của họ ở một số lĩnh vực lại có hiệu quả hơn các vị cán bộ ở thôn nếu như các vị này không sâu sát với đồng bào. Chính vì thế đảng bộ, chính quyền luôn kết nối, lắng nghe và quan tâm đến từng vị già làng, người có uy tín” - ông Trần Anh Tuấn nói. Rõ ràng, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã có tác động rất lớn đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Họ cũng là nhân tố rất quan trọng cổ vũ, động viên cộng đồng các dân tộc anh em cùng nhau thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Ông Bh’lúp Nghết, thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang cho rằng: “Trước tiên người có uy tín phải có phẩm chất, đạo đức và nắm được những chủ trương của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Trên cơ sở đó mới thu hút, vận động nhân dân cùng làm theo”.

Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhìn nhận, trong quá trình xây dựng quê hương, dựa vào nòng cốt các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực vận động đồng bào thực hiện tốt các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Nhất là trong xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Họ luôn đi đầu trong việc tuyên truyền bà con xây dựng nếp sống mới, là điển hình để cố kết cộng đồng, tuyên truyền bà con trong thôn, xã vươn lên xóa đói giảm nghèo. Có thể nói, với mỗi bản làng của các dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín thể hiện rõ nét ở mọi mặt đời sống của đồng bào. Họ chính là “cánh tay nối dài” giúp chính quyền địa phương hoàn thành các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội; đồng thời giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào vùng cao.

THÁI BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vai trò của già làng, trưởng bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO