Vai trò của nhà thiết kế trong bảo tồn di sản

THƯ QUÂN 13/11/2022 07:56

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022 khép lại (ngày 11/11) nhưng mở ra khá nhiều cơ hội, thúc đẩy phát triển sáng tạo cho công nghiệp văn hóa bởi chính những nhà thiết kế ở mọi lĩnh vực.

Tại Hội An, vùng đất thế mạnh về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ vẫn cần những thay đổi về mẫu mã sản phẩm truyền thống. Ảnh: L.T.K
Tại Hội An, vùng đất thế mạnh về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ vẫn cần những thay đổi về mẫu mã sản phẩm truyền thống. Ảnh: L.T.K

Những kỳ vọng mới

Năm 2022, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam lựa chọn chủ đề “Những kỳ vọng mới” để xuyên suốt cho các hoạt động được tổ chức từ Bắc đến Nam.

Ba thành phố chính là Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh trở thành không gian hội ngộ của những nhà thiết kế trên các lĩnh vực khác nhau, từ thiết kế truyền thông (Communication design), thiết kế đồ nội thất (Living design), thiết kế vật dụng trang trí (Decor & Object design), thiết kế trang phục (Clothing design) và thiết kế công cộng (Public design).

Sự kiện thường niên này bắt đầu khai mở từ năm 2020 để gần như trở thành một sân chơi lẫn bệ phóng, thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung. Đồng thời từ đây góp phần gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chương trình vẫn chủ yếu thu hút và dành thời lượng tối đa cho các hoạt động của những nhà thiết kế, nhà sản xuất, thợ thủ công, làng nghề thủ công, sinh viên ngành thiết kế trên khắp cả nước.

Trong số các hoạt động xuyên suốt của Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022, các cuộc triển lãm sản phẩm trên tinh thần tiếp nối giá trị truyền thống vẫn thu hút nhiều nhất sự quan tâm của công chúng. Triển lãm “Áo dài xưa thời Nguyễn” của nhà sưu tập Thái Kim Lan cùng talk show “Thời trang và sân khấu” tạo được hiệu ứng đặc biệt.

“Ấn tượng buổi triển lãm trang phục cung đình của cô Kim Lan chính là niềm khâm phục tâm huyết của chủ nhân khi lưu giữ những di sản y phục cả trăm năm. Ấn tượng nhất là mẫu triều phục được thêu tay chỉ vàng tinh xảo - mẫu thêu tràn áo đầy tính mỹ học và dấu ấn cung đình đậm nét. Mẫu áo qua trăm năm vẫn còn nguyên vẹn chính là di sản minh chứng cho bàn tay tài hoa của thế hệ nghệ nhân ngày trước. Đây sẽ là tài liệu “sống” để thế hệ trẻ tìm hiểu, ứng dụng vào cuộc sống đương đại” - nhà thiết kế - nghệ nhân áo dài Đặng Viết Bảo nói.

Nhìn từ xứ Quảng

Năm 2022, TP.Hội An liên tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo lẫn những triển lãm, sân khấu... nhằm hiện thực mục tiêu trở thành một trong những “Thành phố sáng tạo” của thế giới. Hai lĩnh vực thế mạnh và được lựa chọn của đô thị này là “thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian”.

Riêng lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, với vị thế của đô thị du lịch, Hội An hiện là nơi chứng kiến các cuộc kết giao giữa nghệ sĩ, người dân từ các nơi kết hợp với cư dân bản địa để tìm tòi, thực hành nhiều ý tưởng rất độc đáo.

Sản phẩm thủ công truyền thống kỳ vọng được thay đổi từ các nhà thiết kế. Ảnh: X.H - B.N
Sản phẩm thủ công truyền thống kỳ vọng được thay đổi từ các nhà thiết kế. Ảnh: X.H - B.N

Trên bình diện cả tỉnh, Quảng Nam tính đến hết năm 2021 có tổng cộng 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.

Trong đó, thống kê từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh, có 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (chiếm 50%), có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (chiếm 36,67%); 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (chiếm 13,33%).

Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, riêng tại các làng nghề truyền thống ở Hội An, hiện vẫn có tình trạng một số mẫu truyền thống bị thất truyền.

“Điều đó có thể nhận thấy qua sự thay đổi về kỹ thuật truyền thống trong các khâu chế biến do việc sử dụng công cụ, phương tiện mới. Các sản phẩm thủ công truyền thống do tính độc đáo và độ tinh xảo đến kỳ lạ của nó, vẫn rất cần cho con người, nếu không nói là ngày càng cần nhiều hơn. Các làng nghề với những “bàn tay vàng” của người thợ thủ công cần được coi trọng bảo tồn và phát triển. Những công nghệ truyền thống quan trọng và quý giá của dân tộc cần được bảo lưu, sử dụng và phát triển theo hướng hiện đại hóa” - ông Quý nói.

Thực tế, sản phẩm truyền thống, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ tại Quảng Nam, nhiều mẫu mã đã không thay đổi trong suốt thời gian dài. Chính điều này đặt ra vấn đề về câu chuyện thiết kế mẫu mã của các sản phẩm truyền thống.

Bởi, nếu chỉ đề cao tính nghệ thuật, tính độc bản của sản phẩm thì đó chỉ là những mặt hàng lưu niệm đơn thuần, đối tượng mua hàng phần lớn chỉ là khách du lịch. Và thường, những loại hàng này hầu như không có cơ hội nhận được những đơn hàng lớn, bởi thiếu tính ứng dụng.

“Cần có cơ chế động viên khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi trong việc đào tạo, truyền nghề, thực hành di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Tạo sân chơi thông qua các hội thi, hội nghề, trại sáng tác, triển lãm... nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi. Đồng thời không ngừng cải tiến các mẫu mã sản phẩm của các nghề thủ công để tạo ra những sản phẩm có giá trị văn hóa và thương phẩm cao, gắn với phục vụ du lịch, xuất khẩu tại chỗ” - ông Quảng Văn Quý nói thêm.

Có lẽ, đây là mong muốn của rất nhiều người làm nghề truyền thống. Họ cần một đội ngũ thiết kế biết nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của thị trường để có những sản phẩm bán được. Và đó, cũng chính là điều mà những người làm nghề truyền thống, nghệ nhân xứ Quảng đang đặt hàng từ đội ngũ thiết kế khắp nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vai trò của nhà thiết kế trong bảo tồn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO