Vai trò của y tế cơ sở ở vùng cao

TẤN SỸ 25/11/2021 05:43

Những năm gần đây, tại vùng đồng bào miền núi trong nước, việc tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền tại nhà văn hóa, đến từng nhà để tuyên truyền, thậm chí dùng các luật tục, văn hóa của làng để sớm đẩy lùi khói thuốc ra khỏi cộng đồng.

Tuyên truyền đến người dân tác hại của thuốc lá. Ảnh: T.S
Tuyên truyền đến người dân tác hại của thuốc lá. Ảnh: T.S

Đều đặn hàng tháng, anh Hồ Văn Mui đến Trạm y tế xã Trà Tập (Nam Trà My) để thăm khám sức khỏe. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng người đàn ông này đã có tiền sử 10 năm hút thuốc lá. Ban đầu do đặc thù công việc, thường xuyên đi núi, đi rừng, nên anh Mui hút thuốc lá khá nhiều.

Thêm vào đó, trước đây ở làng anh Mui sinh sống, việc thanh niên hút thuốc lá trở thành chuyện bình thường. Thế nhưng sau khi được đội ngũ y bác sĩ ở Trạm y tế Trà Tập tuyên truyền, giải thích những tác hại của thuốc lá, anh Mui đã dần thay đổi suy nghĩ và tiến tới bỏ thuốc lá.

Từ năm 2014, sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, ngành y tế huyện Nam Trà My và các huyện miền núi Quảng Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, dùng tiếng đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Cơ Tu, Co, Giẻ Triêng... để tuyên truyền những tác hại của thuốc lá đến với người dân ở các bản làng xa xôi.

Phối hợp chặt chẽ giữa y tế, các ban ngành đoàn thể, hệ thống chính trị ở xã trong công tác họp dân, phát tờ rơi tuyên truyền… Bằng những cách làm đó, giờ đây ý thức từ bỏ khói thuốc lá đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thanh niên vùng dân tộc thiểu số Quảng Nam.

Ông Zơ Râm Nhon (cán bộ Trạm y tế xã Trà Tập) cho biết, địa phương dùng tiếng Ca Dong, tiếng phổ thông để tuyên truyền. “Ngoài ra, chúng tôi vô từng nóc, từng nhà trong địa bàn thôn tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đến nay trên địa bàn xã Trà Tập nhiều thanh niên, ông già bà già cũng hạn chế và tự bỏ thuốc lá” - ông Zơ râm Nhon nói.

Việc triển khai sâu rộng chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đến tận cơ sở là giải pháp quan trọng được Quảng Nam triển khai trong nhiều năm qua. Chính đội ngũ y tế cơ sở sát dân, nên hiệu quả vận động, tuyên truyền mang lại cao hơn.

Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết: “Ngành y tế phối hợp với trung tâm văn hóa truyền thanh có những bài tuyên truyền về tác hại thuốc lá, chỉ đạo trạm y tế xã thường xuyên truyền thông đến người dân; thông qua các hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày để tư vấn cho họ, giúp việc triển khai phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng hiệu quả hơn”.

Tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đẩy mạnh công tác cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế và phổ biến thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha).

Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới này rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế, bệnh viện phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống, cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lồng ghép hoạt động tư vấn gắn với cai nghiện thuốc lá trong hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt tại các khoa, phòng khám và điều trị các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá...(X.H)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vai trò của y tế cơ sở ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO