Vai trò lãnh đạo của Đảng là duy nhất

HÀN GIANG - VINH ANH 11/03/2013 07:58

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, góp ý Hiến pháp cần khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong duy nhất của giai cấp công - nông - trí thức.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Người cao tuổi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: VINH ANH
Người cao tuổi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: VINH ANH

Sự lãnh đạo của Đảng là duy nhất

Đại biểu Nguyễn Văn Ngọc - Phó ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Duy Xuyên nói: “Hơn 80 năm qua, kể từ khi được Bác Hồ sáng lập, Đảng ta đã khẳng định vai trò là đội tiên phong lãnh đạo nhân dân đứng lên xóa bỏ ách áp bức đô hộ, giành độc lập tự do. Hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định”. Ông Ngọc nhìn nhận, trong quá trình lãnh đạo, bản thân Đảng cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, nhưng không phải vì thế mà phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Những mặt hạn chế, khuyết điểm luôn được Đảng kịp thời nhìn nhận, không ngừng đấu tranh để khắc phục, hoàn thiện. “Chúng tôi phản đối trước những luận điệu xuyên tạc làm mất uy tín của Đảng, những quan điểm lệch lạc muốn phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. NCT một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam là toàn diện, tuyệt đối và duy nhất. Thay mặt NCT Duy Xuyên, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “duy nhất” vào Điều 4 để nhấn mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” - ông Ngọc nói.

Thống nhất với ý kiến của ông Ngọc, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Đại Lộc - Vũ Thanh Mận cho hay, tại Đại Lộc có hơn 15.500 cụ tham gia sinh hoạt góp ý Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp của các cụ đều thống nhất với Điều 4. Theo các cụ, việc bổ sung thêm hai khoản vào Điều 4 của dự thảo đáp ứng rất kịp thời đòi hỏi của tình hình thực tế; thể hiện tư duy đổi mới của Đảng ta đối với sứ mệnh lịch sử mình trong thời đại cách mạng mới. “Ðảng là quần chúng ưu tú của nhân dân, thay mặt nhân dân lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên vai trò lãnh đạo của Đảng gắn bó mật thiết với với nhân dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ. Như vậy Đảng phải chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình là thể hiện mối quan hệ biện chứng khắng khít: Đảng trong dân. Giữ vai trò lãnh đạo cao nhất nhưng Đảng cũng hoạt động theo nguyên tắc, điều lệ riêng; vì vậy cũng như các thành phần xã hội khác, các tổ chức đảng và đảng viên cũng phải hoạt động tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” - ông Mận phát biểu.

Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Ông A Râl Típ - Trưởng Ban Đại diện Hội NCT huyện Đông Giang góp ý: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần chú trọng hơn đến việc tinh gọn về bố cục, minh định về từng nội dung cho mọi người dân đều dễ nắm bắt, ghi nhớ. Đơn cử, tại Điều 4, ở Khoản 1 chỉ cần viết ngắn gọn cụm từ “Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công - nông - trí thức” là đủ, nhưng cần thêm thành cụm từ “là lực lượng duy nhất” để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Nên có điều riêng về hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức, nhiều hội viên phụ nữ bày tỏ quan điểm nên có quy định riêng dành cho tổ chức Hội LHPN. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc - Phạm Thị Kim Hoa cho rằng, Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức của nữ giới chiếm đến 50% dân số nhưng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lại không dành riêng quy định nào. Vì vậy theo bà Hoa nên bổ sung một điều riêng cho Hội LHPN Việt Nam, trong đó nêu rõ: Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất phản biện, giám sát chính sách pháp luật và đoàn kết vận động phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác quan tâm đến Điều 38, liên quan đến vấn đề việc làm. Chủ tịch Hội LHPN Điện Bàn - Đinh Thị Lệ nói: “Trong Khoản 2, Điều 38 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ nêu “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật” là chưa đầy đủ. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, công ty là chủ thể sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Nhưng thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp, công ty không chú trọng đến quyền lợi của người lao động. Do đó theo tôi tại Khoản 2, Điều 38 nên bổ sung thêm nội dung “nghiêm cấm việc không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định cho người lao động”.

HÀN GIANG - VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vai trò lãnh đạo của Đảng là duy nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO