Gần đây, nhiều tờ báo và trang mạng xã hội đưa tin “Quảng Nam: Huyện nghèo dựng tượng đài 14 tỷ đồng”. Trước hết, phải nói báo giật tít làm cho tôi chú ý và “phẫn nộ” ngay từ đầu, vì báo đánh trúng tâm lý “tại sao huyện nghèo mà đi đầu tư xây dựng khi không có vốn”, “chính quyền không lo cho đời sống nhân dân”, “đầu tư xây dựng để chia %”... , vì huyện Phước Sơn là một trong những huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 25,61%. Tôi đọc kỹ hết các bài và thấy có gì đó nghèn nghẹn.
Điều đáng buồn là tôi thấy sự “câu view” trong cách đưa tin và các bài báo không đá động gì, ít ra thông tin một ít về Chiến thắng Khâm Đức mà quân và dân Phước Sơn, Quảng Nam đã phối hợp cùng Sư đoàn 2, Quân khu 5 lúc đó, đã làm nên chiến thắng. Buồn hơn là các bài lại đăng đúng vào dịp trước thềm kỷ niệm 52 năm ngày chiến thắng lịch sử Khâm Đức (12.5.1968 - 12.5.2020).
Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak là thắng lợi lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ. Là trận đòn chí mạng vào quân Mỹ, ngụy, xóa sổ trại lực lượng đặc biệt của Mỹ nằm sâu trong vùng giải phóng, đánh tan kế hoạch “tìm và diệt” trên chiến trường Khu 5, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở Việt Nam.
Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak không những làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc huyện Phước Sơn mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của toàn tỉnh Quảng Nam và Khu 5; tạo thế và lực mới, động viên cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân Khu 5 quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng tự do, góp phần cùng cả nước đánh bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sau đó và làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước...
Hàng trăm năm trước, dân ta đã xây dựng các công trình văn hóa nhằm tôn vinh những người có công với làng, với nước và đã để lại cho đến ngày nay. Việc xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử với mục đích tôn vinh, tưởng nhớ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, kết nối giao lưu văn hóa cộng đồng… đều đáng trân trọng. Điều đáng quan tâm ở đây là việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với việc xây dựng các công trình lịch sử văn hóa.
Theo đó, phải phòng ngừa tiêu cực như: thành lập “công ty sân sau” để trục lợi; giao thầu và nâng giá lên gấp nhiều lần; không phê duyệt thiết kế, dự toán chi tiết và bố trí nguồn kinh phí, để thi công kéo dài, phát sinh làm đội giá dự toán; xây dựng mà không phát huy tác dụng như ý tưởng đề ra; xây dựng mang tính hình thức; xây xong, không quản lý, để xuống cấp…
Qua vấn đề mà các báo đã đề cập liên quan đến xây dựng tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, tôi thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam và các huyện, thành phố, thị xã cũng phải rút ra bài học là đối với xây dựng các công trình lịch sử văn hóa, nhất là các công trình mang ý nghĩa lịch sử to lớn của tỉnh, thậm chí của toàn Khu 5 lúc bấy giờ như Chiến thắng Khâm Đức, thì không thể huyện làm mà tỉnh không biết, thậm chí phải nằm trong quy hoạch của tỉnh về xây dựng các công trình lịch sử văn hóa, tỉnh phải tổ chức xét duyệt các phương án thiết kế, mỹ thuật mới có thể quản lý được tốt (có thể là nguồn vốn của huyện).
Các công trình mang ý nghĩa lớn và rộng khắp vùng như Chiến thắng Khâm Đức thì huyện báo cáo tỉnh để tỉnh báo cáo và đề xuất với Quân khu 5, Sư đoàn 2, để được phối hợp, hỗ trợ, kể cả kinh phí cho huyện nghèo Phước Sơn.