Cục Hải quan Quảng Nam thừa nhận dù đã mở nhiều cuộc đối thoại hay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhưng văn bản, thủ tục hải quan luôn luôn bị thay đổi, thiếu sự cập nhật và giải quyết kịp thời nên các cơ quan quản lý và DN đều có thể bị gặp khó.
Hàng qua cửa khẩu
Xuất nhập khẩu qua các cảng Quảng Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Hải quan Quảng Nam đã giải quyết thủ tục hải quan cho 153 DN (tăng 0,6% so cùng kỳ). Dẫn đầu là DN TNHH (101 DN) và DN cổ phần (43 DN). Số còn lại là 5 DN nhà nước và 4 DN FDI. Ngoài ra, Hải quan Quảng Nam cũng đã giải quyết thông quan 12.125 tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, bao gồm 7.277 tờ khai nhập khẩu và 4.848 tờ khai xuất khẩu (tăng 26,2% so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 834,2 triệu USD (tăng 56,4% so với cùng kỳ). Lượng hàng hóa xuất khẩu (315,8 triệu USD, tăng 46,8%) qua các cảng nhiều nhất vẫn là sản phẩm gỗ, hải sản, may mặc, hàng điện tử, giày dép. Còn kim ngạch nhập tăng 48,7% so với cùng kỳ, chủ yếu là các mặt hàng bộ linh kiện ô tô, nguyên liệu may mặc, giày dép, gạch men, thức ăn chăn nuôi để gia công, sản xuất xuất khẩu, máy móc thiết bị tạo tài sản cố định…
Hải quan kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu. Ảnh: N.Phong |
Một thống kê khác cho thấy, DN có số kim ngạch lớn là Công ty CP Ô tô Trường Hải (198,7 triệu USD, xuất nhập khẩu bộ linh kiện ô tô, linh kiện rời), Công ty giày Rieker 287,18 triệu USD, xuất nhập khẩu các mặt hàng giày da), Công ty Xuân Thành (40,4 triệu USD, nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định) và Công ty TNHH CCI Việt Nam xuất nhập khẩu mặt hàng điện tử. Tổng số thuế nộp ngân sách 1.113 tỷ đồng, tăng 28,28% so với cùng kỳ và bằng 71,39% dự toán giao năm 2013, chiếm 43,6% số thu nộp ngân sách nhà nước của Quảng Nam. Nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu (698 tỷ đồng, tăng 59,9% so với cùng kỳ và đạt 79,8% chỉ tiêu giao), còn lại thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu chiếm 414 tỷ đồng, chỉ tăng 7,87% so với cùng kỳ, đạt 60,4% chỉ tiêu giao. Đứng đầu danh sách DN xuất nhập khẩu nộp thuế vào ngân sách lớn thuộc về Công ty CP Ô tô Trường Hải (820,1 tỷ đồng), Công ty Xuân Thành (85,8 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (25,6 tỷ đồng), Công ty TNHH thiết bị sen vòi (23,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH Groz – Beckert Việt Nam (17,5 tỷ đồng).
Theo nhận định của Hải quan Quảng Nam, trước yêu cầu đổi mới, tiếp tục tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, Cục Hải quan Quảng Nam cũng đã đổi mới, nâng cao các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ. Hải quan Quảng Nam đã hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình thủ tục hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thường xuyên phổ biến kịp thời các văn bản, hướng dẫn các chính sách pháp luật đến DN, người nộp thuế để họ cùng thực hiện. Không chỉ dừng lại ở những cuộc đối thoại thường niên, Hải quan Quảng Nam đã giải đáp vướng mắc trực tiếp tại cơ quan hải quan cho hơn 52 DN, trả lời bằng văn bản hơn 11 trường hợp và rất nhiều trường hợp qua điện thoại, email… Kết quả là số vi phạm hành chính về thủ tục hải quan phát hiện từ đầu năm đến nay đã giảm đến 61,7% so với cùng kỳ với 31 vụ được xử lý nhưng số tiền phạt lại tăng đến 81,1% so với cùng kỳ (806,5 triệu đồng).
Cùng “nghiên cứu” văn bản
Theo Cục Hải quan Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 3 cửa khẩu (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, cảng Kỳ Hà và Nam Giang) đã chính thức hoạt động, tiến hành các thủ tục thông quan. Hải quan Quảng Nam đã chính thức triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử (V4) cho 2 chi cục Điện Nam – Điện Ngọc và Kỳ Hà. Hiện đã có 114 DN tham gia thủ tục hải quan điện tử với 10.715 tờ khai, 88% tổng số tờ khai và kim ngạch đạt 755,88 triệu USD, đạt tổng số kim ngạch thông quan qua hệ thống hải quan điện tử. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại và giới thiệu các chính sách mới về thủ tục hải quan, thuế, kiểm tra sau thông quan và thanh tra thuế… cho các DN xuất nhập khẩu Quảng Nam mới đây, nhiều DN cho biết là họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi đứng trước một rừng văn bản, thủ tục hải quan. Chưa kịp hiểu thông tư này thì đã lại phải tiếp xúc các thông tư khác. Cho dù Hải quan Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng không phải lúc nào cũng giải quyết hết được những vướng mắc.
Những vướng mắc của DN xoay quanh các vấn đề về mã số, ân hạn thuế, phân tích, phân loại và kê khai thủ tục hải quan điện tử. Một DN tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc yêu cầu giải đáp về việc khi DN này nhập hạt nhựa để cho DN khác sản xuất làm hộp đựng kim thì phải dùng loại hình gì và kê khai như thế nào và làm sao quyết toán cho hợp lý? Ngay cả việc khi những vấn đề liên quan tới chế xuất thì DN được thông quan tại các cửa khẩu Quảng Nam nhưng tại Hải quan TP.Hồ Chí Minh thì không được? Đại diện các công ty may tại Quảng Nam cho rằng thanh khoản, kiểm tra sau thông quan với các DN sản xuất gia công nước ngoài thì văn bản thường xuyên thay đổi. Đa số đều trái với các văn bản hiện hành. Trước hợp lý, sau bất cập thì sẽ giải quyết như thế nào? Nhiều chủ DN cho rằng sẽ có rất nhiều DN bị vướng vào các giải quyết nguyên phụ liệu sau các hợp đồng gia công. Hoặc các quy định mới này sẽ khiến DN bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất.
Theo ông Lê Thành Khang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam, các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan luôn thay đổi. Ngay cả cơ quan quản lý cũng đã gặp khó khăn khi giải quyết các vướng mắc của DN trên thực tế. Vì vậy, hải quan cũng cần DN cùng nghiên cứu cập nhật các văn bản để thực hiện tốt các quy định. Các cuộc đối thoại giữa hải quan và DN không chỉ thực hiện tại các hội nghị định kỳ mà sẽ diễn ra thường xuyên, thông qua các cuộc trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, email… “Những vướng mắc của DN sẽ được cơ quan hải quan giải đáp cụ thể, rõ ràng, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế, giảm thiểu về thời gian, tiết kiệm các chi phí cho DN” - ông Khang nói
NHẬT PHONG