Văn bia của Phạm Như Xương ở Nghệ An

HƯƠNG THU 10/06/2018 12:59

Hoàng giáp Phạm Như Xương (sinh năm 1844 - mất năm 1917 hoặc 1919?), người đỗ cao nhất của đất Quảng, nhưng trước tác của ông còn lại không nhiều. Điều này có thể là do ông liên can đến phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, bị giặc Pháp bắt, tên ông bị đục bỏ khỏi văn miếu. Quảng Nam cuối tuần số 4438 (7660) ngày 12&13.3.2016 đã giới thiệu “Văn bia của Phạm Như Xương trên đất Nghệ An”, nay lại tiếp tục tìm thấy một văn bia của ông cũng trên đất Nghệ An.

Nhà thờ Tộc Phạm ở Điện Bàn, nơi thờ Phạm Như Xương.
Nhà thờ Tộc Phạm ở Điện Bàn, nơi thờ Phạm Như Xương.

Bài văn bia công bố trước đây là văn bia liên quan đến Phật giáo, còn bài văn bia của Phạm Như Xương mới tìm thấy liên quan đến Nho học, cụ thể là văn bia khuyến học, cũng ở huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Theo TS. Nguyễn Hữu Mùi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bia khuyến học là một trong những thể tài của văn bia Việt Nam, bao hàm nội dung đề cao Nho giáo, biểu dương nhân tài, nêu gương người tốt việc tốt trong lĩnh vực học tập cũng như khoa cử.

Văn bia khuyến học mà Phạm Như Xương soạn cho người dân sở tại Nghệ An khi ông làm quan ở đây không còn trên thực địa. Nhưng may mắn là nội dung văn bia này được sao chép lại trong tác phẩm Hoan Châu bi ký (Văn bia Nghệ An). Tác phẩm này có ký hiệu VHv.277, bản gốc đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu do GS. Trần Nghĩa và GS. Francois Gros đồng chủ biên, Hoan Châu bi ký là bản chữ Hán viết tay, gồm 42 bài văn bia ở Hoan Châu (Nghệ An), phần nhiều là những bài ghi được từ các văn chỉ, đền, miếu, đình chùa, cầu cống…

Như: bia trùng tu từ vũ ở Quỳnh Lưu do Văn Đức Giai soạn năm Thiệu Trị 5 (1845); bia của Phạm Đình Toái soạn năm Tự Đức 34 (1881); bia của Dương Thúc Hợp soạn năm Thành Thái thứ nhất (1889); bia ở Thánh vũ của huyện Đông An, do Phạm Thanh Nho soạn năm Cảnh Hưng 15 (1754); bia Văn từ ở huyện Nghi Lộc, do Nguyễn Thúc Bảo soạn năm Thiệu Trị 2 (1842); bia ở các đền An Dương Vương, Bùi Tướng Công, Trần Công; bia ở các đình Quỳnh Đôi, Thượng An, Bảo Lâm; bia ở các chùa Vạn Lộc, Phúc Long, Viên Quang; bia ở các cầu Anh Liệt Nhân Thị, Cương Giang... Bộ Thư mục này được xuất bản từ năm 1993, nhưng vì mục từ Hoan Châu bi ký chỉ ghi nội dung ngắn gọn như vậy, không có thông tin Phạm Như Xương, nên tác phẩm văn bia khuyến học của Phạm Như Xương không được biết đến sớm hơn mà chỉ được biết đến trong thời gian gần đây.

Một trang nội dung bài văn bia của Phạm Như Xương trong Hoan Châu bi ký
Một trang nội dung bài văn bia của Phạm Như Xương trong Hoan Châu bi ký

Bài văn bia của Phạm Như Xương có tiêu đề Đông Thành huyện Vạn Phần xã hiền chỉ bi ký. Nội dung văn bia được Trần Mạnh Cường (Thư viện Nghệ An) và Nguyễn Phạm Bằng (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh) chuyển dịch như sau: “Muốn biết vương đạo như thế nào thì xem ở thôn cùng ngõ vắng và xem đức ở nơi ấy. Lập đức, lập công ấy là bất hủ. Đức cũ của kẻ hám danh há có thể làm huyên náo lên chăng? Xã Vạn Phần ta là một ấp đẹp của Diễn Thành. Biển bờ rộng rãi xanh trong, người vật tốt tươi giàu mạnh. Từ xưa đã sớm xưng là nơi văn hiến, nhân kiệt địa linh, người tài nhiều đời xuất hiện. Tuy mỗi đời dấu tích thịnh suy khác nhau nhưng cũng đủ để vỗ về mọi người trồng trọt trên ruộng đồng, dạy dỗ con em nên nghiệp và cần cù lao động. Vậy nên dân trong ấp ta cày đạo, săn đức, câu trăng, bừa mây mà cùng vui vẻ nơi xóm làng. Ấy là cái nếp từ đời cha ông vậy. Cái ơn huệ ấy ban cho ta thật là to lớn. Kinh Lễ có nói rằng: “Người có công đức với dân ắt sẽ được dân thờ phụng”.

Trước kia (người có công đức) thường được ghi tại Văn chỉ, sau này xây dựng và nêu ở một nơi riêng gọi là “Hiền chỉ”. Đấy là điều cốt yếu của cương thường được dựng lên, cửa đạo nghĩa được mở rộng sáng tươi rực rỡ. Khi hoàn thành, già trẻ đều tập trung để cùng bàn bạc sắp xếp vị thứ, khắc vào đá đẹp để ai ai cũng đều được trông thấy rõ ràng, ghi lại để lưu truyền mà lưu tiếng thơm muôn thuở. Ôi! Triều đình thì ở trên, thiên hạ thì rộng lớn nhưng đều biết đến đạo của xã ta mà hiền tài ở xã ta đều thành đạo ở trong thiên hạ. Vậy thì như bậc quân tử coi trọng hiền tài, thân với người thân hay như kẻ tiểu nhân yêu thích điều vui, hưởng nhờ điều lợi, cũng như đạo trị bình đều có thể nắm lấy như trong bàn tay vậy. Há lại nói rằng nó chỉ có chút bổ ích thôi sao? Bậc hiền tài sau này không bỏ nó thì sẽ khiến cho tấm bia này cùng núi Di Lặc, biển Vạn Tân với vạc đồng sừng sững muôn đời vậy. Hoàng triều Thành Thái năm thứ 4 (1892), ngày tốt 20 tháng 4. Hoàng giáp khoa Đinh Hợi, người Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam Phạm Như Xương soạn”.

Điều đặc biệt, theo khảo sát của nhà nghiên cứu Lê Thị Thu Hương (Phó trưởng phòng Nghiên cứu văn bản luật - tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Nghệ An có khoảng 40 văn bia có nội dung khuyến học, cụ thể có 21/40 văn bia có ghi rõ tên người soạn văn bia, trong đó Phạm Như Xương là tác giả văn bia có học vị đỗ đạt cao nhất (Hoàng giáp) so với những tác giả văn bia khác cũng nổi tiếng như tiến sĩ Nguyễn Đức Đạt, tiến sĩ Trần Đình Phong, tiến sĩ Bùi Dương Lịch… Đây cũng chính là một trong những điều đáng tự hào của vùng đất học Ngũ phụng tề phi, đủ tài năng sở học để lưu lại tác phẩm văn bia trên đất học xứ Nghệ, nơi có số người đỗ đại khoa đứng đầu cả nước.

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn bia của Phạm Như Xương ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO