Văn bia ở lỵ sở huyện Hà Đông xưa

PHÚ BÌNH 18/12/2019 14:14

Huyện Hà Đông trước năm 1906 gồm 6 tổng, lỵ sở huyện ở làng/xã Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam Đàn huyện Phú Ninh). Thông qua các văn bia ở đây, có thể biết được nhiều thông tin về làng xã, việc học, thờ cúng của người xưa vào giữa thế kỷ 19.

Bia Vọng bái Tiên thánh tự vũ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Bia Vọng bái Tiên thánh tự vũ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Bia gỗ ở Miếu Trắng

Miếu nằm ven đường nối từ ngã ba Chiên Đàn (nay là ngã ba Kỳ Lý) chạy lên vùng Sơn Cẩm Hà, huyện Tiên Phước. Vị trí được ghi trên bia là “Hà Đông huyện, Chiên Đàn trung tổng, Chiên Đàn xã” (nay thuộc phạm vi hai xã Tam Đàn và Tam An, huyện Phú Ninh).

Thời điểm khắc tấm bia được ghi là “ngày mùng một tháng bảy nhuận năm 1853”. Thời gian xây dựng ngôi miếu được ghi là “khởi công vào 17 tháng 6; khai móng ngày 25 tháng 6; gác đòn đông vào giờ mùi ngày 27 tháng 7; hoàn thành và cung nghinh bài vị thờ tự thần miếu trở về chỗ cũ vào ngày mùng 7 tháng 7 nhuận cùng năm”. Các thời điểm này cũng được tóm tắt trên câu đối ở trụ hiên: “Nhâm Tý quảng khai sơn thủy tú/ Mạnh thu hiệp tạo đống lương tân” (Khai mở cảnh đẹp vào năm Nhâm Tý (1852)/ Cùng tạo dựng mới cơ sở thờ tự này trong tháng bảy  - Mạnh thu của năm ấy).

Ngoài các chi tiết trên, tấm bia gỗ này ghi danh những người đứng ra huy động và chủ trì việc xây dựng gồm: tú tài Trương Công Nghị, viên tử Nguyễn Văn Trúc, các (nguyên) lý trưởng Ung Nho Lệ và Trương Công Trinh, ấp trưởng Trương Viết Cổ, hương mục Hoàng Đức Lộc, sĩ nhân Đống Công Lệ, chuyên biện Kiều Văn Tường. Họ đã hiệp cùng các gia cư trong ấp Chiên Đàn (thuộc xã Chiên Đàn) thực hiện việc “sùng tu” (chữ ghi trong bia - có nghĩa: tu bổ đầy đủ và trang nghiêm) ngôi miếu này.

Qua đó, có thể thấy vùng ấp Chiên Đàn vào giữa thế kỷ 19 là nơi định cư của nhiều họ tộc như Ung, Đống, Kiều, Trương, Bùi, Huỳnh, Lê, Trần, Phạm, Hồ…

Bia Vọng bái Tiên Thánh tự vũ

Đây là tấm bia đá lập năm Minh Mạng thứ 21 (1840) kể về việc lập nhà thờ bái vọng các bậc tiên thánh Nho học. Tấm bia này đặt tại Văn thánh Chiên Đàn cũng là trụ sở của Văn hội Nho học huyện Hà Đông.

Nội dung dịch ra như sau: “Vào năm Canh Tý (1840) đầu mùa xuân, quan viên, sĩ nhân, hương hào huyện Hà Đông cùng góp sức xây nhà thờ (các bậc tiên thánh Nho học) tại phía đông Nhà học của huyện. Kính cẩn chọn ngày mười một tháng sáu năm nay khởi công; (chọn) ngày hai mươi chín gác đòn đông. (Đến ngày) Hai mươi bốn tháng tám thì xong để đến năm mới tháng giêng ngày hai mươi cung kính hành lễ bái vọng. (kế đó là một số chữ bị mờ không dịch được). (Bia này được khắc) vào năm Minh Mạng thứ 21 (Canh Tý 1840) vào tháng tám, ngày hai mươi bốn”.

Bia công đức lập năm Minh Mạng thứ 21 - 1840

Bia này ghi danh sách đóng góp xây dựng gồm 11 văn thân có khoa bảng và 15 chức dịch quan trọng trong huyện, có thể kể tên một số người có tiếng như: Phó bảng Nguyễn Dục ở xã Chiên Đàn, Ngự sử Phan Văn Xưởng ở “giáp Khánh Thọ đông”… Tấm bia còn ghi danh thêm 99 người (cùng nơi ở của họ) có đóng góp tiền và vật liệu gỗ vào việc xây dựng Văn thánh huyện Hà Đông vào năm 1840. Qua đó có thể giúp người dân ở vùng Tam Kỳ thời sau biết được ít nhiều chi tiết về làng xã và biết được người lớp trước đã từng làm việc gì, sống ở đâu vào khoảng giữa thế kỷ 19.

Bia lập sau năm Tự Đức thứ ba - 1850

Bia này được lập vào thời điểm làm nhà Hội đường tại phía tả nhà Tự vũ của Văn thánh Chiên Đàn. Nội dung gồm hai phần: Phần đầu kể lại việc buổi đầu xây nhà Tự vũ (sau gọi là Chính điện của Văn thánh Chiên Đàn); tóm tắt  như sau: Vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Tri huyện Hà Đông Trần Văn Tín, Huấn đạo Vũ Thế Vị, Phó bảng Nguyễn Dục cùng 11 cử nhân, tú tài và các phó tổng, thư lại, thông lại, sĩ nhân, hương hào (của huyện) phân chia việc đóng góp các loại gỗ, tiền bạc và các loại vật liệu khác để xây dựng ngôi Tự vũ ở xã Chiên Đàn (lỵ sở của huyện). Ủy cho tú tài Nguyễn Quang Huy và tư lễ Nguyễn Văn Đạt đảm đương công việc. Khởi công vào ngày sáu tháng sáu năm đó. Kế sau, cử nhân Cao Vận đóng góp một bộ cửa, tú tài Bùi Quang Chính đóng góp một bộ bia đá cùng tiền bạc.

Phần kế tiếp kể về việc xây nhà Hội đường (chỗ hội họp, bình văn), trích dịch như sau: “Vào ngày mùng năm tháng năm năm Tự Đức thứ 3 (1850) trứ tác Nguyễn Dục và các cử nhân tú tài trong huyện gồm 31 người (trong đó có một số người có tiếng như Nguyễn Phan Vinh, Cao Văn Nhạ, Lê Vĩnh Trinh) cùng các sĩ nhân (có thi Hương nhưng chưa đỗ tú tài) phân công đóng góp tiền bạc, cây gỗ cùng các vật liệu khác… để xây dựng cho đầy đủ một ngôi Hội đường tại phía tả của ngôi Tự vũ đang có. Vào ngày tốt tháng 6 thì khởi công, đến ngày tốt tháng 8 cùng năm thì hoàn thành; để có chỗ hội họp tế lễ hoàn chỉnh vào đầu năm sau. Bèn ghi lại rõ ràng việc này để khắc vào bia đá. Văn hội Nho học của huyện cùng ghi lại”.

Bia công đức năm Thành Thái thứ 7 - 1895

Được khắc trên hai tấm bảng gỗ hiện được đặt hai bên vách chính điện của Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ. Phần mở đầu của tấm bia này viết: “Chỗ dạy học, bình văn, hội họp Văn hội của huyện (Hà Đông) ta có lập nơi thờ tự các bậc thánh hiền Nho học vốn đã có từ xưa rồi! Vào khoảng các năm Canh Tý (1840) thời vua Minh Mạng và Canh Tuất thời vua Tự Đức (1850) dựng xong nơi thờ các bậc tiên chính và có dựng bia ở đó. Đến các đời vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh là thời gian có nhiều biến cố. Theo cớ sự ấy, nơi thờ tự này đã bị tàn phá rất nhiều; cỏ dại lâu ngày mọc cao khiến tầm nhìn bị che khuất chẳng thấy rõ hai cây cột còn lại bên trong”. Qua đó, có thể biết một chi tiết quan trọng về phong trào Nghĩa hội Cần Vương ở Nam Quảng Nam lúc ấy. “Thời gian có nhiều biến cố” ghi trong tấm bia này chỉ việc Nghĩa hội Cần Vương ở vùng huyện Hà Đông đương thời (1885 - 1887) đã cho di dời một số bài vị tiên Nho ở các nơi thờ tự Nho học dưới miền xuôi lên vùng kháng chiến Tân Tỉnh (Quế Sơn) vì không muốn cho bọn quan lại, nho sĩ không xứng đáng - tức bọn đầu hàng Tây được thờ tự các bậc thánh hiền.

Phần kế của văn bia này kể lại quá trình trùng tu Văn thánh Chiên Đàn như sau: “Mùa đông năm rồi (1894), vị Cử nhân giữ chức Huấn đạo là ông Ngô Quang Khuê hiệp cùng Tri huyện huyện nhà là ông Nguyễn Hiển Dĩnh và các ông Tú tài Trần Trọng Đạt (chức giám trưởng), Tú tài Nguyễn Thông (chức tư sự) cùng cung kính bàn bạc về việc làm mới lại nơi này để tăng phần thuận tiện và nghiêm trang cho việc thờ tự. Các vị ấy bèn cùng hội ý với các cử nhân, tú tài trong huyện đem việc này bẩm lên huyện rồi lên tỉnh và đều được chấp thuận”.

Hiện nay, trừ tấm bia gỗ ở Miếu Trắng còn đặt nguyên chỗ cũ, từ năm 1961, các bia đá và bia gỗ trước đặt tại Văn thánh Chiên Đàn đã được Hội Cổ học tỉnh Quảng Tín đương thời cung nghinh về trụ sở Khổng miếu mới lập ở Tam Kỳ. Nơi ấy nay được gọi tên là “Văn thánh - Khổng miếu” tọa lạc ở đường Phan Bội Châu, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn bia ở lỵ sở huyện Hà Đông xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO