Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ hiện còn lưu 2 tấm bia đá và 3 tấm bia gỗ của Văn hội Nho học huyện Hà Đông, trước dựng tại ngôi Văn thánh ở làng Chiên Đàn. Khảo sát nội dung các tấm bia này có thể biết một số nét văn hóa và kinh tế của vùng nam Quảng Nam xưa.
Bia gỗ năm Minh Mạng thứ 21 (1840). |
Tấm bia đá xưa nhất là bia “Vọng bái Tiên thánh tự vũ” được khắc vào ngày 24 tháng 8 âm lịch năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Nội dung chính được ghi như sau: “Vào năm Canh Tý (1840), đầu mùa xuân, quan viên, sĩ nhân, hương hào huyện Hà Đông cùng góp sức xây nhà thờ (các bậc tiên thánh Nho học) tại phía đông Nhà học của huyện. Kính cẩn chọn ngày mười một tháng sáu năm nay khởi công; (chọn) ngày hai mươi chín gác đòn đông; (đến ngày) hai mươi bốn tháng tám thì xong, để đến năm mới tháng giêng ngày hai mươi cung kính hành lễ bái vọng”. Qua nội dung này, biết được thời điểm thành lập cùng vị trí của Văn thánh huyện Hà Đông xưa.
Cùng được khắc và dựng vào năm 1840 có tấm bia công đức (bằng gỗ) ghi danh 12 văn thân có khoa bảng, trong đó có phó bảng Nguyễn Dục, ngự sử Phan Văn Xưởng (đỗ cử nhân - NV chú thích) và 10 vị trong huyện đỗ tú tài. Cùng trong danh sách này có tên các chánh, phó tổng các tổng Chiên Đàn, Vinh Hoa, Tiên Giang, Phú Quý, An Hòa và 11 thông lại, thư lại, chức dịch làm việc tại huyện đường lúc đương thời. Qua các chi tiết trên, có thể biết, Hà Đông vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 là một huyện chỉ có 5 tổng, ít người đỗ đạt cao và số viên chức phục vụ hành chính cũng không nhiều. Tuy nhiên, danh sách cá nhân đóng góp vào việc xây dựng Văn thánh lại khá đông (72 người), chứng tỏ sự sùng mộ Nho học ở vùng nam Quảng Nam.
Tấm bia đá thứ hai không ghi năm tháng tạo dựng nhưng qua nội dung có thể đoán, bia này được khắc sau niên hiệu Tự Đức thứ ba (1850) - lúc công trình nhà Hội đường của Văn thánh được khánh thành. Qua dòng lạc khoản: “Bản huyện Văn hội đồng chí” (Văn hội Nho học của huyện cùng ghi lại) được khắc ở cuối tấm bia, có thể biết sinh hoạt của Nho học ở huyện Hà Đông đến lúc ấy đã đạt được nhiều thành tựu hơn trước.
Quá trình xây dựng rồi bị hư hoại về sau của ngôi Văn thánh đặt tại làng Chiên Đàn - lỵ sở huyện Hà Đông nói trên đã được tóm tắt lại trong Lời mở đầu của bia công đức (bằng gỗ - gồm 2 tấm) được khắc vào năm Thành Thái thứ 7 - 1895 (tạm dịch) như sau: “Chỗ dạy học, bình văn, hội họp Văn hội của huyện (Hà Đông) ta có lập nơi thờ tự các bậc thánh hiền Nho học vốn đã có từ xưa rồi! Vào khoảng các năm Canh Tý (1840) thời vua Minh Mạng và Canh Tuất thời vua Tự Đức (1850) dựng xong nơi thờ các bậc Tiên Chính và có dựng bia ở đó. Đến các đời vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh là thời gian có nhiều biến cố. Theo cớ sự ấy, nơi thờ tự này đã bị tàn phá rất nhiều; cỏ dại lâu ngày mọc cao khiến tầm nhìn bị che khuất chẳng thấy rõ hai cây cột còn lại bên trong...”. “Cớ sự” được đề cập trong nội dung nêu trên là việc Pháp đem quân đàn áp phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, tàn phá không kiêng cử các cơ sở thờ tự nghi là nơi tụ họp của Nghĩa hội. Việc Văn thánh huyện Hà Đông bị tàn phá là do đấy. Những người thảo nội dung tấm văn bia trên, do sống trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp “bảo hộ”, đã chỉ dám viết vắn tắt như thế; nhưng quang cảnh hoang tàn của một khu thờ tự Nho học được diễn tả trong nội dung bia đã nói lên được rất nhiều điều. Cũng trong hai tấm bia gỗ này, việc trùng tu cơ sở thờ tự và sinh hoạt Nho học này được kể rõ. Mùa đông năm 1894, vị cử nhân giữ chức Huấn đạo là ông Ngô Quang Khuê cùng tri huyện là ông Nguyễn Hiển Dĩnh (người làng An Quán, Điện Bàn) và các ông tú tài Trần Trọng Đạt (chức giám trưởng), tú tài Nguyễn Thông (chức tư sự) cùng cung kính bàn bạc về việc làm mới lại khu Văn thánh cũ để tăng phần thuận tiện và nghiêm trang cho việc thờ tự. Việc trùng tu khởi công vào ngày mùng 10 tháng sáu âm lịch năm 1895; ngày mùng 2 tháng 7 gác đòn đông vào giờ Thìn; đến ngày 28 tháng 8 cùng năm thì hoàn thành mọi việc.
Những chi tiết về việc đóng góp cho việc trùng tu được ghi trong bia gỗ (tấm thứ 1) năm 1895 này đã cho biết được nhiều điều về vùng đất Hà Đông xưa. Trước hết là số lượng người có khoa bảng đang sinh hoạt trong Văn hội Nho học địa phương gồm: 3 cử nhân, 18 tú tài. Đó là con số người đỗ đạt đáng khích lệ đối với một địa phương nghèo. Thứ đến, căn cứ vào mức độ đóng góp của các chánh phó tổng sở tại, có thể biết được mức chênh lệch trong điều kiện kinh tế của từng địa phương: các tổng Tiên Giang, Chiên Đàn, Phước Lợi, Vinh Quý khá giả hơn vì có nguồn lợi từ lâm sản trong khi các tổng vùng ven biển, đất ngập mặn như Đức Hòa, Phú Quý, An Hòa kinh tế khó khăn hơn.
Bia gỗ năm 1895 (tấm thứ 2) ghi danh đóng góp của các thôn xã, các viên chức làm việc ở xã thôn (viên biện, lý trưởng), các người có của (bá hộ), các hiệu buôn (hiệu), các học trò thi (sĩ nhân), các thầy thuốc (y sinh)... Qua đó, hình ảnh các địa phương và các tầng lớp dân chúng lúc đương thời được thể hiện khá rõ nét. Trước hết là tên các địa phương vào thời điểm ấy: gần 100 địa hiệu được ghi danh. Các tên thôn, xã, phường, giáp... ấy không chỉ giúp cho người đời sau tìm hiểu được đúng tên địa phương mà cha ông mình cư ngụ khi xưa, mà còn giúp tra cứu rõ để thuận tiện cho việc biên soạn các địa chí địa phương về sau này. Mức độ đóng góp của từng địa phương cũng nói lên được mức chênh lệch giàu nghèo của từng vùng, qua đó có thể thấy các xã như Bàn An, Tú Cẩm, Thạnh Bình, Thanh Lâm (tổng Tiên Giang - thuộc phạm vi huyện Tiên Phước hiện nay); Tây Lộc, Chiên Đàn, Long Sơn, Khánh Thọ (tổng Chiên Đàn - thuộc phạm vi huyện Phú Ninh hiện nay); Phú Hưng, Bình An Trung, Đức Bố, Đức Phú (tổng Phú Quý và tổng Đức Hòa - thuộc phạm vi huyện Núi Thành hiện nay) là những xã khá giả; còn đa số những xã miền hạ bạc, ven biển thì nghèo hơn.
Đặc biệt, các thôn xã vùng Tam Kỳ xưa như xã Tam Kỳ, xã Dưỡng An, xã Phương Hòa, thôn Bàn Thạch, xã Phú Quý (nay là nội thành Tam Kỳ) lại không thấy trong danh sách đóng góp (trừ các xã Kim Đới, Phương Tân, Tỉnh Thủy và phường Hòa Thanh thượng - nay thuộc các xã Tam Thăng và Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Điều đó cho thấy bản đồ sinh hoạt kinh tế của cuối thế kỷ 19 ở vùng Tam Kỳ xưa khác nhiều so với hiện nay.Các tầng lớp dân chúng thể hiện trong hai tấm văn bia năm Thành Thái thứ 7 (1895) cho thấy xã hội Hà Đông xưa gồm 3 thành phần chính: Sĩ (số ít): gồm viên chức ở huyện, các người đỗ đạt và các người đi học để đi thi cũng như một số ít con quan lại được ban tước hiệu (ấm sinh). Nông (đa số): là các xã dân, thôn dân làm nghề nông, nghề sản xuất muối - mắm, đánh cá, dệt chiếu. Số dân chúng làm các nghề thợ (công) cũng như các phường nghề không thấy ghi, điều đó cho thấy công nghiệp hoàn toàn vắng bóng. Tầng lớp thương nhân được ghi trong bia là các “Thanh, Hán nhân” (người Thanh, người Hán) tức là các Hoa kiều và Minh hương - số này khá ít, được ghi là các chủ hiệu buôn - con số không quá 10 người.
PHÚ BÌNH