Khi tôi nói với bạn về văn chương báo chí là tôi mong bạn phân biệt nó với văn chương văn học – hiểu như văn chương dùng trong truyện, ký và cả thi ca.
Văn chương báo chí là văn chương của sự thật - một sự thật không bị cách điệu hóa. |
Nếu văn chương văn học là sản phẩm của sự hư cấu, của trí tưởng tượng hay được hư cấu hóa, văn học hóa trên một cơ sở thực tế nào đó thì văn chương báo chí chỉ tập trung phản ánh sự thật. Sự thật trong văn chương báo chí là phần hiện thực được chọn lọc bởi nhà báo và tờ báo không thể cùng một lúc đưa lên tất cả sự thật ở trên đời mà chỉ có thể chọn cái điển hình nhất. Văn chương báo chí là văn chương của sự thật - một sự thật không bị cách điệu hóa.
Nhà văn sáng tác tác phẩm văn học viết bao nhiêu chữ, bao nhiêu trang cũng được. Một tiểu thuyết có thể trên 150.000 từ, một truyện ngắn có thể trên 5.000 từ hoặc 10.000 từ, một bài thơ có thể chỉ 2 câu nhưng cũng có thể kéo dài 200 câu. Thế nhưng, văn chương báo chí thì không được phép làm vậy. Văn chương báo chí có dung lượng nghiêm túc; đòi hỏi nhà báo đưa một tin chỉ khoảng 120 từ, viết một cái sổ tay chỉ với 350 từ, viết một bài với 1.200 từ. Tòa soạn yêu cầu nhà báo làm như vậy; nhà báo phải làm đúng như vậy. Văn chương báo chí, vì vậy, có khuôn khổ, thước tấc. Người ta gọi nó là một thứ văn chương quy phạm.
Tin, bài trên tờ báo không thể đưa trễ và cũng không ai chấp nhận cho nhà báo đưa trễ; bởi còn phải được biên tập, phải kiểm tra loại bỏ các lỗi, phải dựng trang, phải vào maquette và phải chuyển file qua nhà in. Tất cả công việc làm báo là một quy trình nhịp nhàng mà văn chương báo chí là đầu vào của quy trình đó. Người ta gọi văn chương báo chí là văn chương tác chiến. |
Cái khéo là làm sao trong phạm vi chữ nghĩa giới hạn như vậy, nhà báo phải làm cho tròn nhiệm vụ được giao, phải nói được vấn đề cần nói, phải làm cho bạn đọc của mình thấy rõ ý định của nhà báo và tờ báo khi đưa thông tin ấy. Chọn lựa thông tin, diễn đạt thông tin, công bố thông tin và chịu trách nhiệm trước công chúng về thông tin ấy là bốn việc mà nhà báo phải làm.
Văn chương văn học có thể chờ đợi. Nhà văn viết truyện ngắn tuần này chưa xong, có thể bỏ đi chơi mười ngày rồi về viết tiếp cũng chẳng sao cả. Văn chương báo chí thì không được làm vậy. Ban biên tập hay tòa soạn phân công nhà báo viết bài; bảo sáng mai đưa thì phải sáng mai đưa; bảo tối nay có bài thì tối nay phải có. Tin, bài trên tờ báo không thể đưa trễ và cũng không ai chấp nhận cho nhà báo đưa trễ; bởi còn phải được biên tập, phải kiểm tra loại bỏ các lỗi, phải dựng trang, phải làm maquette và phải chuyển file qua nhà in. Tất cả công việc làm báo là một quy trình nghiêm ngặt mà văn chương báo chí là đầu vào của quy trình đó. Người ta gọi văn chương báo chí là văn chương tác chiến.
Nhà văn cơ bản không chịu sự phân công của ai. Điều nhà văn viết ra là do nhà văn cảm thấy mình tâm đắc mà viết. Cũng có khi, nhà văn viết theo “đơn đặt hàng” của một nhà xuất bản nào đó nhưng anh ta vẫn có thể phá bỏ sự ràng buộc với cơ quan nào. Trái lại, nhà báo phải gắn liền hoạt động của mình trong một cơ quan báo chí nhất định, viết báo với sự phân công của ban biên tập hay tòa soạn. Có những nhà báo tự do cộng tác với một hoặc nhiều tờ báo cũng phải tự giác chịu sự phân công ấy. Một khi đã có phân công, nhà báo phải viết đúng với sự phân công. Hoạt động của nhà báo vì vậy rất bảo đảm tính kỷ luật, tính khuôn phép. Văn chương báo chí là một thứ văn chương kỷ luật – một thứ kỷ luật rất tự giác mà chỉ có nhà báo mới có được.
Phóng viên Báo Quảng Nam tác nghiệp ở biển Bình Minh - Thăng Bình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nhà báo viết báo và hoạt động báo chí trong sự cho phép của pháp luật quốc gia. Nhà báo làm công tác báo chí “có môn bài” là tấm thẻ nhà báo. Thẻ nhà báo là một thứ thẻ hoạt động, dùng để đi hiện trường và thu thập thông tin. Bên cạnh đó, nhà báo còn thẻ hội viên hội nhà báo – hiểu như một thứ thẻ chứng minh tư cách nhà báo hoặc từng là nhà báo, suốt đời. Trong khi đó, nhà văn hành nghề mà không cần thẻ nhà văn và trên đời cũng không có cái thẻ nhà văn. Ở ta chỉ có thẻ hội viên hội nhà văn - một tấm thẻ biểu trưng của nghề nghiệp. Nhà báo làm công tác báo chí phù hợp với sự cho phép của pháp luật ở mọi nơi, vào mọi thời điểm với thẻ nhà báo. Tiếc thay, nhiều nơi và nhiều người đã có hành động cản trở nhà báo tác nghiệp, nghiêm trọng hơn còn đánh đấm gây thương tích và thu giữ trái phép các phương tiện tác nghiệp của nhà báo. Hành động đó là vi phạm pháp luật!
Nhà văn viết tác phẩm văn học có thể tả tình tả cảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ. Văn chương báo chí thì không vậy. Văn chương báo chí chắc nịch, câu nào ra câu đó; cũng có tả tình tả cảnh và sử dụng biện pháp tu từ nhưng không nhiều. Văn chương báo chí là một thứ văn chương giản dị nhất, trong sáng nhất, dễ đọc nhất và dễ hiểu nhất. Nghệ thuật của văn chương báo chí là trong sáng và đại chúng. Nhà báo thành công là nhà báo viết làm sao cho ông tiến sĩ đọc được và thấy hay nhưng một người buôn gánh bán bưng cũng đọc được và thấy hay.
Trong tình hình xuất bản hiện nay, một tác phẩm văn chương được in trung bình với với khoảng 2.000 bản. Người yêu tác phẩm mua nó, đọc xong và cất vào tủ sách. Một tờ báo như Báo Quảng Nam in trung bình mỗi lần dưới vạn bản; có tờ báo lớn in trên 200.000 bản; và ngày nào cũng in đều đều. Một tờ báo có thể có nhiều người đọc, sau đó người ta mới giữ lại. Vì vậy, biên độ giao lưu của nhà báo đối với bạn đọc rộng lớn hơn rất nhiều so với nhà văn. Ta nói văn chương báo chí là văn chương của đại chúng.
Văn chương báo chí có một sự lan tỏa, tạo nên một sức mạnh tinh thần và độ rung xã hội lạ lùng. Một bài báo hay có thể làm cho nhiều người đọc đồng cảm, hưởng ứng, ủng hộ. Nhà báo đưa thông tin về một cảnh người già neo đơn, trẻ em bị nạn, một gia đình khốn khó thì xã hội sẵn lòng giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc. Cái cầu nối giữa tờ báo, nhà báo với tấm lòng người đọc là một cầu nối vô hình nhưng khá bền chặt. Hoạt động của nhà báo lại trong sáng, vô tư và công khai nên càng được bạn đọc tin tưởng, hưởng ứng.
Nhiều năm qua, Báo Quảng Nam đã làm công tác từ thiện - xã hội tương trợ người nghèo, sinh viên học sinh và những hoàn cảnh cơ nhỡ. Chúng tôi gọi những hoạt động ấy là hoạt động sau mặt báo nhưng sự thật là nhờ những thông tin đưa trên mặt báo mà có. Và gần như hầu hết tờ báo trên đất nước ta đều tham gia công việc xã hội từ thiện. Người ta gọi văn chương báo chí là văn chương của lòng nhân ái.
Có người nói nhà văn để lại tác phẩm; nhà báo để lại bút danh. Đó chỉ là một cách nói thuần túy kinh nghiệm. Sự thật là những tác phẩm báo chí được xử lý, đúc kết và in ra thành sách lại bán khá chạy, thậm chí còn là sách best seller trên thị trường. Tại sao vậy? Những bài báo ấy đã được “tiếp thị” trên mặt báo, đã được đông đảo bạn đọc đọc và đồng cảm. Ta nói nhà báo để lại bút danh và cả tác phẩm mang dấu ấn văn học báo chí. Cái mà người ta yêu nhà báo là tấm lòng tha thiết với cuộc sống gửi trong từng bài báo và người ta cần mua để đọc lại vì nó mang dấu ấn của một thứ “biên niên sử” trong thời đại chúng ta.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN