Trang văn nghệ Báo Quảng Nam cuối tuần là nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương của các cây bút trẻ, khi gần đây thường xuyên đăng những sáng tác của những “gương mặt mới”. Có được một “sân chơi trí tuệ” các cây bút trẻ hào hứng thử sức mình...
Những gương mặt trẻ
Về truyện ngắn, đa số tác giả trẻ (trong bài viết này được hiểu là trẻ về tuổi nghề) viết về những câu chuyện thường nhật, về đời sống lao động ở nông thôn, về các mối quan hệ gia đình, xã hội, thể hiện góc nhìn của giới trẻ về cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều tạp bút tạp văn phản ánh về những tình cảm đẹp giữa ông bà, cha mẹ, con cái; về tình làng nghĩa xóm hoặc những lát cắt của ký ức. Các tác giả trẻ xuất hiện đều đặn trên Quảng Nam cuối tuần trong thời gian gần đây có thể kể đến Alăng Văn Gáo (Tây Giang), Nguyễn Tường Quân (Tam Kỳ), Võ Thị Như Trang (Điện Bàn), Nguyễn Thị Cẩm Giang (Đông Giang), Nguyễn Thị Đương (Bắc Trà My), Phi Khanh (Song Nguyên) - người Quảng, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh). Tuy ở tuổi U60 nhưng Đỗ Phước Sơn vẫn sáng tác cùng các cây bút trẻ. Truyện ngắn “Cái đầu bạc” của anh được viết với giọng văn tưng tửng, đầy chất hài hước, trẻ trung, khiến người đọc cảm thấy thú vị.
Trao đổi kinh nghiệm, giao lưu với tác giả trẻ là động lực để các cây bút trẻ sáng tác những tác phẩm có chất lượng. Trong ảnh: Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam giao lưu với các cây bút trẻ. |
Trong số những “cây bút trẻ” ấy, Nguyễn Thị Cẩm Giang là người tạo được nhiều ấn tượng. “Cô gái vẽ linh hồn” là truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Quảng Nam cuối tuần của Cẩm Giang vào tháng 5.2013; sau đó, các truyện ngắn và tạp bút đều đặn xuất hiện trên mặt báo. Các truyện “Chiếc vòng bạc”, “Gió thổi trên sông”, “Giấc mơ màu nắng” của Cẩm Giang đều viết về gia đình không hạnh phúc trọn vẹn, về cô gái trẻ bị lừa tình, về cậu bé con hoang bất hạnh. Nội dung truyện xoay quanh vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội hiện nay như tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi mới lớn, lối sống thực dụng chỉ biết đến bản thân mình… Với Nguyễn Thị Đương, từ truyện “Trăng sáng ngoài sông” viết về khát khao có một mái ấm gia đình của cô gái không có nhan sắc và cuối cùng bị lừa, đến nay Đương có thêm truyện “Mong ngóng tình cha”, cũng viết về tình cảm gia đình. Tương tự, độc giả Báo Quảng Nam hẳn quen với tác giả Nguyễn Tường Quân với hai chùm truyện ngắn/cực ngắn phản ánh mặt trái của xã hội hiện đại; hay những câu thơ trong sáng của Alăng Văn Gáo; hoặc những tác phẩm đầy ắp tình người của Võ Thị Như Trang cũng như lời văn nhẹ nhàng, tình cảm của Phi Khanh.
Nuôi dưỡng đam mê
Nguyễn Thị Đương không giấu được niềm vui khi lần đầu tiên có tác phẩm được đăng báo. Không những thế, Đương còn được biên tập viên góp ý, nhận xét cụ thể từng tác phẩm. Trong khi đó, Cẩm Giang tâm sự: “Khi được phát hiện và giới thiệu tác phẩm trên Quảng Nam cuối tuần, tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc sáng tác. Tôi cảm thấy mình được động viên, được tiếp sức và tôi tự nhủ rằng, cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua chính mình”. Chia sẻ suy nghĩ này, Nguyễn Thị Như Trang, cây bút quen thuộc với độc giả Báo Quảng Nam với nhiều truyện ngắn, tạp bút..., vui mừng cho biết: “Thời gian gần đây, tôi được biên tập viên trao đổi, góp ý đối với tác phẩm của mình. Chính sự nhiệt tình của biên tập viên khiến tôi viết chất lượng hơn. Chính sự quan tâm và trân trọng các cây bút trẻ của biên tập viên đã giúp các tác giả trẻ mạnh dạn dấn thân với văn chương”. Trong khi đó, tác giả Phi Khanh, với 3 tạp bút được đăng trên Quảng Nam cuối tuần trong năm nay, đã bắt đầu tự tin hơn để thử sức với thể loại mới: truyện ngắn.
Tác phẩm của các cây bút trẻ xuất hiện thường xuyên trên Báo Quảng Nam trong thời gian gần đây. |
Một số tác giả trẻ từng tâm sự rằng, họ đã viết nhiều, nhưng viết xong thì thì... cất vì chẳng biết tâm sự, chia sẻ sáng tác với ai. Có lúc họ mạnh dạn gửi tác phẩm cộng tác với các báo và tạp chí nhưng lại rơi vào sự im lặng vì không nhận được phản hồi. Vì vậy, dễ hiểu khi tác giả Phan Ly Ly bày tỏ bất ngờ và xúc động khi được biên tập viên góp ý truyện ngắn đầu tay của mình. Dù chưa có tác phẩm đăng báo nhưng Ly Ly nói sẽ tiếp tục đeo đuổi nghề viết. Được nghe nhận xét, góp ý chân tình, thẳng thắn và có tác phẩm đăng Quảng Nam cuối tuần như trong thời gian qua là niềm động viên rất lớn, giúp các tác giả trẻ có động lực để đeo đuổi niềm đam mê văn chương. Ưu điểm của các tác phẩm của các tác giả trẻ là nội dung đề tài phong phú, gần gũi với đời sống, nhân vật có tâm trạng, có tính cách riêng khá rõ nét. Nhược điểm là một số truyện còn đơn giản, chỉ có một vài nhân vật nên có cảm giác đơn điệu.
Nhiều cây bút trẻ xứ Quảng đã bộc lộ năng khiếu văn chương, vấn đề còn lại là làm thế nào để tập hợp các cây bút trẻ. Một tin vui là trường Đại học Quảng Nam vừa thành lập Câu lạc bộ sáng tác văn học để sinh viên khoa văn và các bạn yêu thích văn chương có hội trao đổi kinh nghiệm sáng tác, tạo môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng các tài năng văn học trẻ. Thêm một tin vui nữa, năm 2014, được biết Báo Quảng Nam sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn 2014 - 2015. Đây sẽ là sân chơi để các cây bút trẻ thi thố tài năng.
PHAN LÊ CHÂU NỮ