Văn chương và đời sống

NGUYỄN TAM MỸ 02/04/2016 11:06

Đời sống xã hội luôn vận động. Và ngôn ngữ đời sống xã hội cũng không ngừng phát triển, nhiều từ mới lạ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. Nhà văn cần phải chịu khó thu nhặt những từ mới lạ ấy trong đời sống xã hội để sáng tạo tác phẩm văn học bắt nhịp cùng thời đại. Nhà văn Tô Hoài đã từng “sẻ chia kinh nghiệm viết văn” của mình như thế. Học ông, tôi lặng lẽ làm theo. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận thấy lời khuyên ấy quả là chí lý.

Khi viết bút ký Hoàng hôn quê ngoại, sau khi đi thực tế thu thập tư liệu ở Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Lộc (Tiên Phước), tôi về nhà cậu tôi là Võ Quyền Anh, ở lại. Cả buổi trưa hôm đó, hai cậu cháu ngồi trò chuyện với nhau. Cậu tôi bảo, hợp tác xã làm ăn thất bát nên xã viên đói rạc xác ve. Vì thế, xã viên gọi đội trưởng, đội phó sản xuất là “xách trưởng”, “xách phó”; còn chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã là “bưng chánh”, “bưng phó”… Tôi hỏi, sao lại gọi là xách… là bưng…? Cậu tôi cười, ngày công lao động chỉ vài lạng thóc, đội làm chi cho mệt, xách trớt cho khỏe. Và nhiều xách dồn lại chỉ đủ để bưng… Đấy là những từ mới lạ, độc đáo. Tôi không ngần ngại đưa vào tác phẩm của mình một cách khéo léo, hợp tình hợp lý. Và cho đến nay, những từ mới lạ ấy là “hàng độc” viết về thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, làm chung ăn chạ trong thời bao cấp.

Sấp ngửa bàn tay - bộ tiểu thuyết 2 tập, tôi bỏ nhiều công sức xây dựng nhân vật lão Thông Tuệ nửa tỉnh nửa điên nhưng lại có tài tiên tri. Rất nhiều bạn đọc nhớ nhân vật này bởi lão có câu nói nửa đùa nửa thật: “Cán bộ nguồn là cán bộ… vừa ngu vừa ồn!”. Câu chữ đó là do bà xã tôi, nhà báo Duy Uyên, cho tôi. Thấy tôi ngồi trước computer cứ viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, Duy Uyên hỏi. Tôi nói. Duy Uyên cười: “Em cho anh một chữ. Nhất định nó sẽ hữu dụng với anh”. Chữ gì? Nguồn. Cán bộ nguồn là cán bộ… vừa ngu vừa ồn! Rồi Duy Uyên cho biết, công việc của một phóng viên đã giúp nàng có điều kiện quen thân với cánh lái xe của các sở ban ngành. Họ gọi đùa cán bộ nguồn là vậy. Nhờ bà xã cho một chữ theo kiểu chiết tự thu nhặt được từ cánh lái xe, tôi vận dụng để “gán vào mồm” lão Thông Tuệ trong câu nói nửa đùa nửa thật, được bạn đọc yêu thích và nhớ lão mãi.

Bản thảo bộ tiểu thuyết 2 tập Tứ trụ kình thiên, nhân vật lão Miên Thơ là do tôi chịu khó ngồi cà phê cà pháo với những người “thở ra thơ, mở miệng ra vè”. Chính họ đã vô tình “xui” tôi khai thác trữ lượng văn vần trong văn học dân gian để bồi đắp, tô vẽ cho nhân vật lão Miên Thơ sinh động, hoạt náo, trở thành “người của đám đông”. Tôi đã mượn mồm lão Miên Thơ để “xuất bản miệng” loại thơ con cóc gây cười. Đại loại như “Phèng la mà đánh cái xèng/ Ô! Tôi bận lộn quần đen của bà/ Giặt phơi đem cất trong nhà/ Nhầm lung tung cả. Tại bà? Tại tôi?”, hoặc “Trăng lên lu lú ngọn dừa/ Cô em có chửa đổ thừa cho tôi/ Vì sao lại thế hả trời?/ Kiểu này chắc chết tôi rồi, cô em…”.

Suy nghiệm từ những tác phẩm mà mình đã sáng tạo, tôi nhận thấy rằng, văn chương và đời sống luôn có một cây cầu nối nhịp, đó chính là những từ ngữ mới lạ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. Nếu nhà văn biết góp nhặt ắt sẽ tạo nên nét riêng mang đậm dấu ấn vùng miền trong tác phẩm của mình.

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn chương và đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO