Một hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Việt Nam đương đại: Văn học, điện ảnh, ngôn ngữ” vừa được tổ chức tại trung tâm Paris (Pháp), là sự kiện văn hóa nổi bật, nhằm đánh giá tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn học, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam đương đại với bạn bè quốc tế.
Theo thông lệ tháng 3 thường được xem là tháng của khối Pháp ngữ Francophonie. Tháng 3 năm nay lại trùng hợp với Năm Việt Nam tại Pháp, mà Việt Nam lại là một nước sáng lập khối Pháp ngữ. Trong bối cảnh thuận lợi đó, các sinh hoạt liên quan đến Việt Nam đặc biệt nở rộ tại Pháp. Những chương trình nổi bật như “Mùa xuân Việt Nam tại Touraine”; Triển lãm ảnh về 54 dân tộc Việt Nam của nhà nhiếp ảnh Sébastien Laval, tại Orangerie du Sénat; Triển lãm tranh của 5 họa sĩ Việt Nam; Tổ chức lưu diễn “Mùa lúa” tại Paris, Marseille; Lyon, Bordeaux và Avignon… Nhưng độc đáo nhất trong số này có lẽ là sinh hoạt văn học nghệ thuật có sự tham gia tích cực của Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO) tại Paris trong tháng 3 này,
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TTXVN |
Hội thảo do 8 trường đại học cùng tham gia tổ chức. Bốn trường ở Pháp là INALCO (Paris), Đại học Paris-Diderot, Đại học Paris-Est Créteil, phụ cận Paris, Đại học Aix-Marseille, miền Nam Pháp, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học San Francisco ở Mỹ, Đại học Ngoại ngữ Tokyo ở Nhật và Đại học Chulalongkorn Thái Lan. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, phê bình điện ảnh và dịch giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông Benoît Paumier, Tổng phụ trách các hoạt động Năm giao lưu Pháp - Việt Nam, hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014. Ông đặc biệt nhấn mạnh quy mô quốc tế khi hội thảo thu hút không chỉ các nhà nghiên cứu người Pháp, Việt Nam, mà còn cả giới học giả đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Thái Lan. Ông cũng đánh giá cao nội dung các tham luận và các buổi tọa đàm về nền văn học Việt Nam, thế hệ tác giả mới, văn học của các tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Pháp và các tác phẩm của bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài. Ông cho rằng văn học Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà xuất bản Pháp. Ông Aboubakr Chraibi, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của INALCO đánh giá, hội thảo góp phần tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới, với văn hóa và ngôn ngữ tiếng Pháp như là cầu nối với Việt Nam trong các trào lưu sáng tác văn học đương đại quốc tế.
Bốn cuốn tiểu thuyết mới trong tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của Nhà xuất bản Riveneuve ra mắt trong dịp này đó là: “Saigon samedi” của Đỗ Khiêm, bản tiếng Pháp các cuốn: “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương; “Blogger” (Nguyễn Phương Ngọc dịch), và “Song Song” của Vũ Đình Giang (Yves Bouillé dịch), với sự có mặt của các nhà văn và dịch giả. Đến từ Việt Nam, Phong Điệp - tác giả của cuốn tiểu thuyết “Blogger” đã có một chia sẻ ấn tượng. “Đôi khi, một cách cụ thể hơn, tôi so sánh viết văn giống với cách bạn là chủ một bữa tiệc. Hãy chọn một cách kể như cách bạn bày một bàn tiệc. Chọn một giọng điệu phù hợp như cách bạn chọn rượu để chiêu đãi mọi người. Chọn tiết tấu cho câu chuyện như cách bạn chọn một bản nhạc cho bữa tiệc. Chọn một bối cảnh như cách bạn thiết lập không gian cho bữa tiệc”.
Ngoài ra, 2 hoạt động văn học nghệ thuật khác là các cuộc tọa đàm xoay quanh đề tài “Văn học nữ Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa” và hội nghị văn học bàn tròn với đề tài “Sài gòn giữa văn chương và hình ảnh”.
Bà Đoàn Cầm Thi, Phó Giáo sư Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam, nêu rõ đây là cơ hội tốt nhằm giới thiệu ra thế giới nền văn học và điện ảnh đương đại của Việt Nam cùng với thế hệ các nhà văn, nhà đạo diễn lớn lên và trưởng thành cùng với thời đại toàn cầu hóa.
TÂM AN