Văn chương xứ Quảng, ngoảnh nhìn lại...

SONG ANH 06/12/2020 06:40

Cuối tháng 11 vừa qua, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã diễn ra. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện với ba nhà văn tham dự đại hội là ông Hồ Duy Lệ, ông Nguyễn Bá Thâm và ông Lê Trâm về văn chương xứ Quảng, để có dịp soi lại một quãng đủ dài của văn chương đất “chưa mưa đà thấm”.

Ba nhà văn với cả tuổi đời và tuổi viết phải nể trọng, từ ông già của bút ký chiến tranh Hồ Duy Lệ, lão làng Nguyễn Bá Thâm và nhà văn của tuổi thiếu nhi Lê Trâm đã cùng “gặp gỡ” để lần nữa nhận chân về một văn chương xứ Quảng: dù từng bước định danh và định vị mình trong dòng chảy đương đại của địa hạt này, tuy vậy vẫn còn đó những kỳ vọng và suy tư từ chính những người trong cuộc...

* PV:Có thể định vị cho văn chương Quảng Nam hiện tại không, thưa các nhà văn?

Nhà văn Hồ Duy Lệ. Ảnh: NVCC
Nhà văn Hồ Duy Lệ. Ảnh: NVCC

Nhà văn Hồ Duy Lệ: Qua nhiều năm, Hội VH-NT Quảng Nam đã phát triển rất mạnh về số lượng hội viên, đây là điều đáng mừng.  Nhưng cả hội và các cấp lãnh đạo của Quảng Nam thật sự chưa quan tâm nhiều và đúng mức để tạo điều kiện cho hội viên và cả những người yêu VH-NT có những tác phẩm giá trị. Lâu nay các văn nghệ sĩ chỉ tự thân vận động, lo sáng tác, rồi in, rồi tặng, còn các cấp ngành gần như không có sự quan tâm. Khâu phát hành sách tự thân tác giả phải làm. Điều này cần phải được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cơ quan, lãnh đạo địa phương. Thực tế, thư viện được mấy người đến đọc. Giờ các nhà văn, nhà thơ của Hội VH-NT Quảng Nam đều có tác phẩm nhưng sách này lại không thể đến được với người đọc. Tôi nghĩ quan trọng bây giờ cần phải làm như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho người ta đọc. Tạo ra văn hóa đọc từ trẻ em đến người lớn. Không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng internet để đọc trên các phương tiện này.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Ảnh: P.Q.H
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Ảnh: P.Q.H

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm: Trong vòng 5 năm qua, văn xuôi Quảng Nam có lực lượng phát triển chậm. Những tác giả văn xuôi vẫn viết đều đặn, chất lượng càng ngày càng khá hơn. Có thể nhận thấy như nhà văn Hồ Duy Lệ vừa rồi có tác phẩm được giải đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 hoặc như nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, Lê Trâm vẫn viết đều đặn và ngày càng khá hơn. Việc nhà văn Lê Trâm đứng vào đội ngũ Hội Nhà văn Việt Nam không phải là một chuyện bình thường như các trường hợp khác vì nhà văn này được kết nạp do có tác phẩm đóng góp ở mảng viết cho thiếu nhi. Đây là một mảng rất hiếm người viết. Quảng Nam xuất hiện một tác giả được chọn kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam ở mảng này cho thấy một bước ngoặt rất lớn. Nhà văn Lê Trâm có thế mạnh là viết thiếu nhi vừa xen kẽ giữa cái cũ, tức chiến tranh và cái mới là mảng thanh thiếu niên sau hòa bình, kết hợp được truyền thống của một vùng đất thoát ra từ chiến tranh. Chiến tranh đối với Quảng Nam là một vùng khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam. Bây giờ một số anh em viết vẫn tiếp cận được dòng văn học truyền thống này.

Nhà văn Lê Trâm. Ảnh: NVCC
Nhà văn Lê Trâm. Ảnh: NVCC

Nhà văn Lê Trâm: Tôi nghĩ, văn học Quảng Nam vẫn đang chảy trong dòng chảy chung của văn học cả nước, với những ưu điểm lẫn khuyết điểm chung. Điều này dễ nhận ra qua công việc sáng tác, công bố tác phẩm, đề tài và chất lượng tác phẩm. Mỗi năm, các tác giả Quảng Nam in đến vài chục đầu sách, riêng điều này ít nhiều cũng nói lên sức sáng tạo đáng ghi nhận của các tác giả. Nhiều tác giả đã đoạt giải thưởng kể cả trung ương lẫn địa phương, trong đó có không ít giải cao.

Các nhà văn Quảng Nam rất quan tâm đến việc tìm tòi cách thể hiện mới cho các tác phẩm của mình. Đó là xu hướng chung không thể né tránh và đang làm nên nét mới trong diện mạo sáng tác văn học hiện nay. Nghĩa là họ đang sống chung bầu khí quyển đương đại. Tuy vậy, để thể hiện hơi thở của đời sống đương đại vào trong mỗi tác phẩm, sáng tạo nên những tác phẩm hay đòi hỏi nhiều điều kiện khác, không thể khắc phục một sớm một chiều…

* PV:Vẫn phải nhìn nhận số lượng và lẫn chất lượng các tác phẩm hiện còn khá mờ nhạt. Liệu có cách nào để sân chơi này ngày một rộng cửa hơn, nhất là với những người trẻ tuổi, yêu thích văn chương?

Nhà văn Hồ Duy Lệ: Nhà văn, dù ở tuổi gì, thời đại nào, cũng phải hòa mình vào cuộc sống của người lao động, của nhân dân. Cuộc sống vô cùng sôi động của nhân dân chính là chất liệu tốt nhất cho nhà văn, nhà văn không thể đứng xa được thực tế này. Tôi chỉ mong các nhà văn hoặc những ai đang đi theo con đường này, cần phải hiểu được điều đó, phải thâm nhập cuộc sống dữ dội vào để thu thập tư liệu cho tác phẩm của mình.

Văn nghệ của Quảng Nam có một truyền thống yêu nước, yêu dân, yêu cách mạng và cũng có nhiều nhà văn tài năng. Phải xây dựng ngay cả trên báo chí địa phương và tạp chí Đất Quảng cần phải được nâng cao, mỗi số nên giới thiệu một tác giả tác phẩm của Quảng Nam để khuyến khích họ sáng tác. Cố gắng giúp cho Tạp chí Đất Quảng đến với bạn đọc nhiều hơn nữa. Riêng Báo Quảng Nam tôi nghĩ phải dành dung lượng lớn hơn cho trang VH-NT để thu hút bạn đọc và cả người viết.

Với người trẻ, họ cũng mê lịch sử lắm nhưng vì thời gian không cho phép nên không thể nghiên cứu được ngày hôm qua như thế nào, ra sao. Ở các địa phương bao nhiêu câu chuyện hay vô cùng, nhất là ký ức của những người lớn tuổi, từng trải. Đây cũng là một khoảng trống mà chưa nhiều người khai thác được. 

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm: Lý do văn xuôi trong thời gian qua có phần chựng lại, đôi phần do chính cuộc sống của người cầm bút. Anh em hội viên của Hội VH-NT Quảng Nam hầu hết là công chức, văn xuôi trước hết cần anh có bề dày về vốn sống, ngoài tài năng thì thực tế đời sống là một yếu tố rất quyết định để các tài năng này bộc lộ. Nếu anh thiếu vốn liếng về đời sống xã hội thì không thể nào làm nên tác phẩm. Tư duy của văn xuôi là phải tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Một số anh em có viết văn xuôi nhưng vẫn hạn chế, viết không bật ra khỏi cái tham vọng của mình. Lực lượng văn học của Quảng Nam trong 5 năm qua, với những cây bút cũ thì vẫn sáng tác đều đặn và chất lượng ngày càng nâng lên. Nhưng số anh em viết trẻ có những hạn chế là vốn sống xã hội không nhiều nên chưa thoát ra được tham vọng của mình.

Cần phải nói sòng phẳng từ khi tái lập tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh có quan tâm đến VH-NT. Thế nhưng có một số mảng rồi ngay cả các ngành liên quan cũng chưa coi trọng vai trò của VH-NT; đơn cử việc cắt kinh phí của Tạp chí Đất Quảng trong 6 tháng cuối năm 2020 này. Cả tỉnh chỉ có một tờ chuyên về VH-NT và chỉ còn một tờ tạp chí lại đi cắt kinh phí. Từ tháng 7 đến bây giờ Tạp chí Đất Quảng không hoạt động được, hỏi đâu ra sân chơi cho anh chị em văn nghệ sĩ?

Nhà văn Lê Trâm: Văn học Quảng Nam đang hẫng hụt đội ngũ dự bị, nhất là văn xuôi. Thiếu đội ngũ trẻ sẽ thiếu đi sự đổi mới trong sáng tác văn học. Các cơ quan quản lý văn học trung ương hình như vẫn chưa với tới một vùng văn học giàu tiềm năng này, thể hiện trong việc chậm hoặc không nắm bắt được thông tin, đánh giá các tác phẩm, nhìn nhận đội ngũ sáng tác và việc chậm phát triển hội viên.

Vẫn còn sự “lệch pha” giữa người sáng tác và người đọc, thiếu sự gắn kết giữa người sáng tác với nhà trường và xã hội nói chung. Khắc phục được các nhược điểm ấy sẽ tạo điều kiện để văn học tỉnh nhà phát triển. Nghĩa là phải sớm phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ sáng tác trẻ, mới; tạo sự kết nối chặt chẽ với các cơ quan quản lý văn học trung ương; tạo điều kiện để đưa tác phẩm đến với bạn đọc, nhất là phải đưa được các tác phẩm vào dòng chảy chung của cả nước. Một tỉnh hơn 1,5 triệu dân có rất nhiều chất liệu văn học để khai thác mà chỉ có 4 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một con số khiêm tốn so với các tỉnh khác, là điều cần phải suy nghĩ. Tuy nhiên, không dễ để khắc phục những nhược điểm đã nêu trên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn chương xứ Quảng, ngoảnh nhìn lại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO