Vẫn còn nghiệp dư!

AN NHI 02/10/2015 12:54

Hội nghị tổng kết mùa giải 2015 diễn ra hồi đầu tuần nhưng dư âm của nó đến nay vẫn còn râm ran. Cũng như cách đây 4 năm với sự kiện bầu Kiên làm “nổ tung” hội nghị tổng kết V-League 2011, hội nghị năm nay cũng đã chứng kiến một vụ “quẳng bom” tương tự đến từ bầu Hùng (ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng). Bên cạnh những tồn tại, yếu kém trong cách tổ chức, điều hành của ban tổ chức giải còn có cả những câu chuyện bên ngoài chuyên môn cũng được đem ra “mổ xẻ” như chuyện một lãnh đạo VFF không làm được việc nhưng vẫn ngồi đó để nhận lương hay một lãnh đạo VFF “phát biểu lung tung” làm ảnh hưởng đến CLB. Có báo còn giật tít “Lại “đấu tố” nhau” cho thấy một sự mâu thuẫn cực kỳ sâu sắc giữa những nhà làm bóng đá hiện nay.

Mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 13 tỷ đồng cho CLB QNK Quảng Nam nhưng trên khán đài có rất ít khán giả. Ảnh: AN NHI
Mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 13 tỷ đồng cho CLB QNK Quảng Nam nhưng trên khán đài có rất ít khán giả. Ảnh: AN NHI

Sự bất đồng trong quan điểm và cách thể hiện của các nhà làm bóng đá Việt Nam thật ra không lạ. Nhưng qua câu chuyện này cho người ta hiểu rõ hơn về cách làm bóng đá chuyên nghiệp theo... kiểu Việt Nam. Lâu nay, nhiều người cho rằng bóng đá Việt Nam đã chuyển sang chuyên nghiệp, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy. Một vài CLB đến giờ này vẫn còn trông chờ vào sự chi viện của nhà nước mà cụ thể là ngân sách của địa phương để nuôi đội bóng. Ngay cả trong suy nghĩ của những người làm bóng đá cũng vẫn còn rất nghiệp dư, mang nặng tư tưởng bao cấp, dựa hơi địa phương mà không mặn mà trong việc tìm cách lấy bóng đá nuôi bóng đá. Thế nên, mới có chuyện xảy ra tại hội nghị tổng kết là lãnh đạo một CLB bức xúc đổ lỗi cho việc CLB đi xin tiền của tỉnh không được là do… phát biểu của bầu Đức “Hoàng Anh Gia Lai chỉ cần 15 tỷ đồng cho mỗi mùa giải” (!?).

Đội bóng của doanh nghiệp nhưng cơ sở vật chất, sân bãi là tài sản của địa phương. Vì vậy, nâng cấp sửa sang khán đài hoặc mặt sân đều “kính chuyển” địa phương giải quyết. Lấy tiền thuế của người dân đóng góp để nuôi đội bóng, đã vậy còn đầu tư xây dựng, sửa chữa sân bãi cho đội bóng thi đấu, rõ ràng đây là cách làm bóng đá không chuyên nghiệp. Bởi vậy, nhiều người cho rằng không thể lấy tiền mồ hôi nước mắt của người dân để đầu tư cho bóng đá. Có ý kiến còn đề nghị số tiền địa phương hỗ trợ cho đội bóng được tính theo số lượng khán giả đến sân, không thể mỗi năm trợ cấp cả chục tỷ đồng nhưng mỗi trận đấu chỉ có một vài nghìn khán giả. Tại sao người dân phải mất tiền nuôi đội bóng trong khi họ không quan tâm?

Thế mới biết, bóng đá Việt Nam vẫn còn khá nghiệp dư dù đã chuyển sang chuyên nghiệp cả chục năm. Vì vậy, mỗi năm các địa phương phải loay hoay bóp thêm chỗ này, cắt bớt chỗ kia để hỗ trợ cho bóng đá. Còn những nhà làm bóng đá, tối ngày hết chạy lên tỉnh lại sang doanh nghiệp để xin tiền.

AN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẫn còn nghiệp dư!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO