Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm Luật Thủy sản

HOÀNG ĐẠO 28/08/2023 21:11

(QNO) - Theo thống kê, toàn tỉnh có 2.715 tàu cá, trong đó, có đến 720 chiếc hoạt động vùng lộng và vùng bờ là 1.338 chiếc. Việc quản lý, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm Luật Thủy sản thời gian qua cũng khá vất vả.

Đồn biên phòng Cửa Đại phát tờ rơi tuyền truyền về Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: H.Đ
Đồn biên phòng Cửa Đại phát tờ rơi tuyền truyền về Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: H.Đ

Xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Trung tá Nguyễn Xuân Thành - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Đại thông tin, trước các nguy cơ vi phạm Luật Thủy sản và IUU, đơn vị đã độc lập tuần tra được 38 lượt với 172 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua tuần tra đã nhắc nhở nhiều chủ phương tiện, thuyền trưởng và yêu cầu viết cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đưa phương tiện ra vào hoạt động trên sông, trên biển.

Phối hợp tuần tra với Chi cục Thủy sản Quảng Nam, CSGT tỉnh, địa phương tuần tra, kiểm soát về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra giám sát tàu cá khai thác IU, việc ghi chép nhật ký khai thác, các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định… được 73 lượt phương tiện với 371 lao động.

“Qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện 2 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động thủy sản trên biển và buộc quay về. Tàu cá có dấu hiệu vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản, lập biên bản làm việc để xác minh là 3 tàu. Riêng đơn vị trực tiếp phát hiện, xử lý 31 vụ/31 phương tiện, phạt tiền hơn 140 triệu đồng. Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử lý 2 vụ/2 phương tiện, phạt tiền 60 triệu đồng” – Trung tá Nguyễn Xuân Thành thông tin.

Trong khi đó, tại Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến về các hành vi nghiêm cấm sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản, Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định, hướng dẫn có liên quan, đặc biệt là Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

[VIDEO] - Lực lượng biên phòng thực hiện công tác quản lý xuất, nhập cảng:

Tuy nhiên việc quản lý, kiểm soát của đơn vị đối với các phương tiện tàu cá hiện nay ở bãi ngang gặp không ít khó khăn, các phương tiện không đủ giấy tờ lợi dụng đêm tối vượt trạm vẫn còn diễn ra.

“Đơn vị phối hợp với Phòng NN&PTNN huyện Núi Thành tổ chức tuần tra, kiểm soát chống sử dụng xung kích điện, súng điện và xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm. Đã xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, tham mưu Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh ra quyết định xử phạt 5 vụ và phối hợp với Chi cục Thủy sản xử lý 36 vụ liên quan đến vi phạm Luật Thủy sản, IUU” – Thượng tá Trần Văn Hóa, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết.

Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền luật pháp là biện pháp hữu hiệu. Ảnh: H.Đ
Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền luật pháp là biện pháp hữu hiệu. Ảnh: H.Đ

Cần giải quyết nhiều tồn tại

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Thành, vấn đề nổi cộm tại hiện nay là chuyển đổi nghề đối với những ngư dân đang khai thác bằng nghề bị cấm khai thác và hỗ trợ ngư dân đảm bảo các thủ tục theo quy định.

Từ tháng 4/2023 đến nay, khoảng 165 lượt ngư dân là chủ phương tiện giã cào hoạt động gần bờ đã nhiều lần đến kiến nghị chính quyền và Đồn biên phòng Cửa Đại để xin tạo điều kiện cho tiếp tục hành nghề giã cào ven bờ. Tuy nhiên, đây là hoạt động khai thác đã bị cấm nên đơn vị đã phối hợp, tham mưu chặt chẽ chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động chủ phương tiện giã cào hoạt động gần bờ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

“Chúng tôi vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình, không để xảy ra điểm nóng gây mất an ninh trật tự, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để giải quyết triệt để vấn đề, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân vươn khơi, bám biển rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhanh chóng có chính sách phù hợp hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm phù hợp cho các ngư dân này. Đồng thời, cùng các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ ngư dân đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ và chứng chỉ khi ra khơi” - Trung tá Thành nói.

Để giải quyết thực trạng ngư dân vi phạm luật pháp khi đánh bắt hải sản, từ đầu năm đến nay, Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã chỉ đạo Đội vận động quần chúng phối hợp với Trạm kiểm soát biên phòng An Hoà tổ chức tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Đẩy mạnh tuần tra chốt chặn kiểm tra, xử lý các phương tiện ra vào cửa An Hòa không đăng ký, trình báo…
Chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ ngư dân đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ và chứng chỉ khi ra khơi là điều nên quan tâm để phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản. Ảnh: H.Đ
Chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ ngư dân đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ và chứng chỉ khi ra khơi là điều nên quan tâm để phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản. Ảnh: H.Đ

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase) đối với khối tàu cá có chiều dài dưới 12 mét vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại nhóm tàu này được phân cấp về UBND cấp huyện quản lý, tuy nhiên do việc rà soát, kiểm tra số lượng thực tế tốn nhiều thời gian nên đến nay vẫn chưa thực hiện cấp đăng ký lại, cấp phép khai thác.

Số tàu cá tại các bãi ngang của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ lên cá tại bến cá Thanh Hà (Hội An) hoặc tại các bến cá tư nhân tự phát tại địa phương hoặc về Đà Nẵng nên phần lớn sản lượng khai thác hải sản của tàu cá trong tỉnh chưa được giám sát qua cảng.

 “Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, bộ, ngành có giải pháp điều chỉnh lãi suất vay phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản. Xem xét đầu tư xây dựng xây dựng cảng cá Hồng Triều trở thành cảng cá loại II đáp ứng công tác giám sát, quản lý tàu cá phía Bắc của tỉnh. Có chính sách đào tạo, thu hút lực lượng lao động tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển trong thời gian tới…” - ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói.

Số lượng tàu thuyền mất kết nối giám sát hành trình trên tàu cá có trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng khi tính đến ngày 10/7 có khoảng 279/657 chiếc tàu tắt thiết bị. Tập trung vào nhóm tàu câu mực khơi hoạt động sát ranh giới ngoài vùng cho phép khai thác trên biển, tàu cá đã thực hiện đủ 4 chuyến biển để được hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và những tàu cá không vào cảng cá chỉ định mà đến các bến cá bốc dỡ thuỷ sản để không bị kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm Luật Thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO