(QNO) - Công tác triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2021 của Quảng Nam đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Với nhiều điểm mới, kỳ vọng khi có hiệu lực (ngày 1.1.2022), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua.
Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luậtCác văn bản luật, dưới luật có liên quan Luật Xử lý VPHC được các sở ban ngành, địa phương của tỉnh triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: qua mạng nội bộ, hướng dẫn pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn qua hoạt động các bản tin, văn bản trả lời, qua báo chí, in ấn và in phát tờ gấp, băng rôn, tờ rơi, sách báo tuyên truyền…
Mới đây nhất, đầu tháng 12.2021, Sở Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020 dưới hình thức trực tuyến cho hơn 540 đại biểu tại 19 điểm cầu.
Qua tập huấn và kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên nhiều lĩnh vực (văn hóa, thông tin, thể thao, truyền thông, y tế, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thủy sản, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông vận tải, quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, an ninh trật tự,…), cơ quan chức năng đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là hành vi vi phạm các quy định, đặc biệt là trong đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
VPHC xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực: y tế, phòng chống bệnh dịch Covid-19, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, giao thông đường bộ, đất đai, quản lý bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng, môi trường, trật tự đô thị, quốc phòng, cơ yếu, bảo hiểm xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại...
Tình hình vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra khá phức tạp tại các địa phương miền núi cao, chủ yếu vi phạm về khai thác rừng để làm nhà tại chỗ, phá rừng trái pháp luật.
Vẫn còn khó khăn
Một cán bộ ngành tư pháp cho biết, một số vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, gây khó khăn và làm giảm hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong năm 2021.“Một số trường hợp người vi phạm còn chây ỳ, có khó khăn về tài chính, nhận thức pháp luật còn hạn chế hoặc cố tình trốn tránh che giấu hành vi vi phạm. Các biện pháp khắc phục hậu quả ít được người vi phạm chấp hành nghiêm” - vị cán bộ này nói.
Cạnh đó, năng lực một số cán bộ, công chức tham mưu công tác xử lý VPHC còn và công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng còn hạn chế… cũng ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi pháp luật.
Cùng với nhiều biện pháp khác, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về xử lý VPHC để kịp thời triển khai thực hiện cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC để góp phần triển khai tổ chức thi hành Luật này ở Quảng Nam bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn.
Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, có nhiều điểm mới như:
Tăng mức phạt tiền tối đa nhiều lĩnh vực; bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC; lập biên bản VPHC; thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC; hoãn thi hành quyết định phạt tiền và giảm, miễn tiền phạt; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC; tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo TTHC; biện pháp thay thế xử lý VPHC đối với người chưa thành niên.