Văn công khu 5 trên chiến trường Quảng Nam

NGỌC DIỆP 24/04/2023 07:22

Ngay sau khi ra đời vào ngày 20/3/1952, Đội Văn công Bộ đội Liên khu 5 (nay là Đoàn Văn công Quân khu 5) đã lên đường tham gia Chiến dịch Hè - Thu 1952 tại mặt trận Bắc Quảng Nam. Trong trận đầu ra quân, toàn đội sát cánh cùng các mũi tiến công của Trung đoàn 803 - Liên khu 5 xung phong diệt gọn cứ điểm Xuân Đài, đập tan khu hành chính Phù Kỳ, xóa sổ đồn Vân Ly, giải phóng vùng Gò Nổi.

Diễn viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ luyện tập tiết mục mới. Ảnh tư liệu
Diễn viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ luyện tập tiết mục mới. Ảnh tư liệu

Từ thực tiễn chiến trường sôi động, những tác phẩm đầu tiên đã ra đời như các ca khúc “Tổ của đồng chí Ngọ”, “Chiến thắng Xuân Đài” của Thái Hào Quyên; “Máy bay con đầm già”, “Đuổi bắt giặc Tây” của Huỳnh Ngọc Thế; “Vui đóng thuế nông nghiệp” của Cao Xuân Trứ; các bài thơ “Bát nước chè xanh” của Thái Đình Thụy, “Chim không đánh chim cùng tổ” của Lưu Trùng Dương…

Những tác phẩm mang hơi thở của chiến trường và nhịp sống kháng chiến, được thể hiện bằng bầu nhiệt huyết của các nghệ sĩ có sức lay động lớn lao, không chỉ để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bộ đội và nhân dân địa phương, mà còn có sức lan tỏa, lôi cuốn đến hàng ngũ binh lính phản chiến địch, trực tiếp góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hè - Thu Bắc Quảng Nam.

Từ ngày 2/8/1962, với tên gọi Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ, cán bộ, diễn viên bám sát đội hình các đơn vị chủ lực Quân khu 5, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ, đánh bại các cuộc hành quân Lam Sơn I (8/1962), Bạch Phượng XI (4/1963) của địch vào khu căn cứ Nước Là (nay thuộc xã Trà Mai, Nam Trà My), vừa tích cực sáng tác, biểu diễn văn nghệ.

Nhiều tác phẩm ra đời, có chất lượng nghệ thuật và tác dụng cổ vũ, động viên tinh thần quân dân như các ca khúc “Một đêm ta diệt hai đồn”, “Du kích nhân dân”, “Tiếng hát ban mai”, “Anh đi hơn con chim bay”, “Em đi thồ” của Thanh Anh; “Đôi chân” của Nguyễn Thành Lâm; “Vượt sông Tiên” của Xuân Tâm; “Toàn dân quyết kháng chiến”, “Miền Nam quê hương tôi” của Lê Viên; kịch “Ly khai” của Ngọc Ảnh; vè “Chị Ái Tam Xuân” của Thanh Thủy; múa kiếm của Y Thin…

Anh chị em văn công luôn nhiệt tình, xông xáo, không ngại hiểm nguy, vừa lo tự túc lương thực, thực phẩm vừa tự thiết kế, chế tạo nhạc cụ, đạo cụ, sẵn sàng biểu diễn phục vụ bộ đội bất cứ lúc nào.

Có lần trong đêm biểu diễn, nữ ca sĩ Thanh Lịch đang hát ca khúc “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng thì máy bay địch đến oanh tạc địa điểm gần đó, nhưng cô vẫn bình tĩnh hát đến hết bài làm bộ đội không những “phục lăn” mà còn tếu táo tặng mấy câu thơ, lan truyền khắp mặt trận: “Trên trời phản lực ầm ầm/ Dưới đất Thanh Lịch vẫn “gầm” chiến khu”.

Một lần khác, đoàn văn công đến với Tiểu đoàn vận tải nữ 232 (Tiểu đoàn Bà Thao). Nữ ca sĩ Trà My duyên dáng, sở hữu chất giọng Soprano cao vút, khỏe khoắn, trên đường hành quân giẫm phải chông xuyên qua cả bàn chân, đồng đội phải khiêng cáng đưa đi.

Đến nơi thấy các chiến sĩ vận tải nữ thiết tha được nghe giọng hát này, đoàn văn công phải cử người bế cô ra sân khấu, ngồi trên ghế biểu diễn. Hát xong, khán giả lao lên ôm ghì thần tượng của mình rồi cùng khóc òa trong niềm đồng cảm cho những thiệt thòi của người nữ chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh.

Từ thực tiễn Mặt trận 4 (Quảng Đà) năm 1968, đoàn văn công đã cho ra đời các tác phẩm dân ca kịch bài chòi “Bà mẹ Gò Nổi” của Phan Ngạn; thơ múa “Người anh hùng trên bãi cát Kỳ Anh” của Lê Huân; múa “Xuống đường”, “Tải đạn” của Bích Đào; các ca khúc “Chiếc dây gùi” của Phạm Tân, “Rau xanh ốc đá” của Vũ Cúc - Lâm Bích; múa “Mỹ lết” của Minh Phương - Lê Đông…

Mùa xuân 1975, Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ càng tích cực sáng tác, trau dồi, hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ và tiếp thu các tác phẩm mới chào mừng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lần lượt được giải phóng.

Nhiều tác phẩm của đoàn mãi “đi cùng năm tháng” như ca khúc “Tải đạn ra chiến trường”, “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh; “Bốn mùa em đi”, “Lời ca không tắt” của Tố Hải; “Vui mùa chiến thắng” của Văn Chừng - Lam Lương…

Trong khói lửa chiến tranh, nhiều cán bộ, diễn viên đã anh dũng ngã xuống giữa lứa tuổi thanh xuân, để lại những tác phẩm, câu ca, màn múa đắm say, những vai diễn chân thật, đi vào lòng người, cổ vũ tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Thể hiện đậm nét phong cách nghệ sĩ không tách rời chiến sĩ, sân khấu không tách rời chiến trường, mỗi nốt nhạc, bài ca, lời thơ, điệu múa đều tham gia đánh giặc.

Năm 2002, Đoàn Văn công Quân khu 5 vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong 2 cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, được nhân dân cưu mang, đùm bọc, chở che đồng thời luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là nhân tố quan trọng hun đúc bản sắc của Đoàn Văn công Quân khu 5: “Rất Khu 5 - Rất Quân đội - Rất dân tộc - Rất quần chúng - Rất đúng đường lối văn nghệ của Đảng” như lời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen tặng. Đó cũng là nền móng vững chắc, “tiếp lửa” cho đội ngũ cán bộ, diễn viên hôm nay vững bước trên chặng đường mới, không ngừng vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật, xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu 5.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn công khu 5 trên chiến trường Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO