Cầm trên tay truyện Vạn dế than của nhà văn Nguyễn Bá Hòa vừa được xuất bản tháng 4.2015, tôi vô cùng xúc động. Đã lâu lắm rồi vườn văn học Quảng Nam mới có một thanh âm lạ và hay viết cho thiếu nhi.
Truyện được tác giả tổ chức với một kết cấu chặt chẽ, chia làm 11 chương. Đặc biệt là mỗi chương có một tên gọi riêng, có đời sống riêng: Về thăm quê ngoại, Chiếc lồng màu ô liu, NQXM, Những điều ước, Vạn dế than, Mộng Thu, Chuyện ông Bảy, Hơn cả ánh trăng, Giấc mơ mồ côi, Người đóng vai cô bé bán diêm, Chuyến đò màu hoa phượng.
Nhà văn đã dụng công đặt tên nhan đề vô cùng hấp dẫn, ấn tượng là tên viết tắt NQXM. Vạn cũng chính là tên cậu bé nhân vật chính trong truyện. Từ tất cả sự kết dính trong mạch truyện, tưởng rất độc lập đó nhà văn khéo léo kể cho bạn đọc biết bao điều thú vị về những đứa trẻ lớn lên ở Xóm Mới. Xóm Mới trở thành một không gian nghệ thuật đặc sắc mà ở đó lấp lánh ánh sáng của tình yêu thương. “Xóm Mới đúng như tên gọi của nó, có ba phần tư là làng quê, một phần tư là phố thị. Nhà nào cũng có hàng chè tàu xanh mướt phía trước được cắt tỉa thành bờ rào tự nhiên rất đẹp, bên trong vườn những cây vú sữa, những cây mận tỏa bóng mát…”. Và ở đó, những khoảng cách giàu nghèo bị xóa bỏ. Ở đó vẫn thao thức và khắc khoải giấc mơ của bé Vân, của cậu bé Tuấn về những trò chơi dân gian.
Nhà văn Nguyễn Bá Hòa đã chạm đến thế giới tâm hồn tuổi thơ một cách trong trẻo nhất. Tác giả đã thấu hiểu những tâm tư tình cảm của Vạn, của Vân, Tuấn, Min, Khánh, Siêm, Tính… Đặc biệt là cậu bé Ân khù. Nguyễn Bá Hòa hướng ngòi bút nhân đạo của mình đến với những nhân vật bất hạnh, thiệt thòi như Vạn, như Ân khù… Chi tiết cậu bé Tuấn cảm thấy buồn biết bao trong ngôi nhà khang trang, nhưng suốt ngày phải chơi một mình. Hay chi tiết Vạn đi dự sinh nhật của Tuấn và nghĩ đến người cha mà mình chưa được gặp mặt, rồi giấc mơ được gặp cha trong đêm giao thừa khiến trái tim chúng ta rưng rưng thương cảm. Thế giới trẻ thơ trong Vạn dế than thật hồn nhiên và hiếu động. Biết bao trò chơi thơ ấu thả diều, đá dế, đá cá thia lia… Những cô bé, cậu bé trong truyện không chỉ biết nghĩ cho mình mà còn biết nghĩ cho người khác, nhiều hành động sẻ chia và yêu thương mà các bạn dành cho những người già neo đơn như hy sinh buổi múa lân để cùng chăm sóc bà Tư Mít ở bệnh viện, hay ý tưởng lập nhóm thiện nguyện để giúp đỡ những gia đình khó khăn, neo đơn như gia đình cậu bé Ân khù… đã gieo vào lòng chúng ta niềm tin vào một thế hệ tương lai giàu lòng nhân ái, sống đầy trách nhiệm với làng xóm, cộng đồng.
Văn được viết một cách tinh tế, ngôn ngữ giàu chất thơ như “tiếng ve sáng trưng màu nắng, tiếng ve xanh xanh màu tre treo lơ lửng bầu trời”, hay “ Không ít lần bọn trẻ nhận ra con sông quê, phía sau cơn mưa là nắng để chiếc cầu vồng bảy màu vắt ngang sông bắc nhịp cầu mong manh nhưng kỳ diệu…”.
Bằng tấm lòng yêu thương sâu sắc dành cho trẻ thơ, Nguyễn Bá Hòa đã thành công khi kiến tạo tác phẩm vừa hấp dẫn vừa giàu giá trị giáo dục và nhân văn.
HUỲNH THU HẬU