Nhà nước và cử tri

Vấn đề vận hành, huy động điện đảm bảo an ninh điện phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định

VĂN HIẾU 07/11/2024 17:18

(QNO) - Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đây là dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.

image001(2).jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: V.HIẾU

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam hoan nghênh Ban soạn thảo luật đã kịp thời tổng hợp đầy đủ các nội dung tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam và của cá nhân đại biểu đã phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ngày 24/10. Đại biểu cũng góp ý thêm một số nội dung để hoàn thiện dự án luật.

Về nguyên tắc vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, tại khoản 6 Điều 61 quy định “Trong trường hợp tình huống khẩn cấp hoặc bất thường đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc vận hành, huy động các nhà máy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Văn Phước, vấn đề quyết định vận hành, huy động các nhà máy điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đại biểu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ mới có đủ thẩm quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ và thể hiện độc quyền nhà nước về trách nhiệm quản lý nhà nước khi huy động công suất hay hoạt động phụ trợ để bảo đảm an toàn vận hành và an ninh năng lượng.

Đồng thời, đề nghị phải bổ sung thêm Ủy ban Quản lý vốn vào quy định tại điều này, vì Bộ Công Thương không phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu mà là Ủy ban Quản lý vốn liên quan đến bên mua điện duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

image002.jpg
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: V.HIẾU

Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng công trình điện, chủ đầu tư phải chi các chi phí rất lớn. Thực tiễn vì nhiều lý do, trong đó có sự thay đổi về định hướng, chính sách của cơ quan có thẩm quyền mà dự án phải dừng triển khai.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành và dự thảo chưa có quy định cụ thể cơ chế để xử lý các chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra để triển khai dự án, như: chi phí khảo sát, chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí xây dựng hồ sơ mời thầu... Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật xem xét bổ sung cơ chế xử lý đối với các chi phí đầu tư xây dựng, chi phí khác đã bỏ ra khi dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện.

Đối với những vấn đề đại biểu đã phát biểu thảo luận tại tổ chiều 24/10 tuy được Ban soạn thảo tổng hợp, giải trình, nhưng chưa được tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo luật lần này. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật sau khi được ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vấn đề vận hành, huy động điện đảm bảo an ninh điện phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO