Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy Trung tâm Đào tạo và thi đấu TD-TT Quảng Nam tổ chức “cấm trại” các vận động viên (VĐV) của mình để tập trung tập luyện, đảm bảo phòng chống dịch.
Đảm bảo yêu cầu phòng dịch
Trung tâm Đào tạo và thi đấu TD-TT Quảng Nam có hơn 200 VĐV, trong đó khoảng 130 VĐV ăn ở tập trung tại khu nội trú 3 tầng trong khuôn viên trung tâm (tại phường Hòa Hương, Tam Kỳ), số còn lại nhà gần, chủ yếu ở Tam Kỳ nên hàng ngày đến tập luyện rồi về. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát đến nay, bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch, trung tâm còn quyết định tự cách ly với bên ngoài để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho VĐV. Theo đó, tất cả VĐV buộc phải ăn ở, sinh hoạt tập trung ngay trong trung tâm. Thuận lợi là mùa này, các VĐV độ tuổi học sinh đang kỳ nghỉ hè. Hơn nữa, nhà tập luyện, nhà thi đấu đều nằm chung trong khuôn viên trung tâm.
Theo ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và thi đấu TD-TT Quảng Nam, từ ngày 3.8, trung tâm bắt đầu tổ chức “cấm trại” toàn bộ VĐV. Ngoại trừ 44 VĐV đi thi đấu, tập huấn tại các địa phương trên cả nước, tập trung đội tuyển không thể về được, còn lại 167 VĐV, kể cả các em ở ngoại trú, được đưa hết vào trung tâm để ăn ở, tập luyện. Hàng ngày, các em được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi bước vào tập luyện. Các HLV cũng phải chuyển vào ăn ở tập thể để làm công tác huấn luyện và tham gia quản lý VĐV, đồng thời hạn chế tiếp xúc bên ngoài. “Tất cả HLV, VĐV đều nội bất xuất, ngoại bất nhập, trừ những trường hợp đặc biệt và được sự đồng ý của lãnh đạo trung tâm mới được ra ngoài nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về phòng dịch” - ông Hạ nói. Cạnh đó, nhân viên cấp dưỡng cũng phải thực hiện giãn cách, không tiếp xúc trực tiếp VĐV. Một số VĐV là học sinh lớp 12 vừa qua dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được trung tâm tổ chức xe đưa đón đi đến nơi về đến chốn.
Việc ra vào trung tâm cũng được kiểm soát chặt chẽ với cả cán bộ làm việc ở bộ phận hành chính tại cơ quan. Hiện nay, trung tâm luôn “kín cổng cao tường”, chỉ bố trí 1 cổng ra vào qua cửa nhà thi đấu. Tại đây, nhân viên bảo vệ và y tế thường trực có nhiệm vụ kiểm soát việc đi lại, đo thân nhiệt, nhắc nhở mọi người rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang. Tất cả khách liên hệ công tác, kể cả nhân viên cơ quan cũng phải thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi phải triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bởi ở đây có gần 200 VĐV, HLV ăn ở nội trú, nếu để xảy ra trường hợp nào liên quan đến dịch bệnh thì rất vất vả” - ông Hạ chia sẻ.
Thầy và trò vượt khó
Từ khi cơ quan quyết định “cấm trại” đối với VĐV và cả HLV, vợ chồng HLV Nguyễn Ngọc Đình (Trưởng bộ môn Taekwondo) và HLV Bùi Thị Nhung (môn Karatedo) vui vẻ đóng cửa nhà riêng ở phường An Phú (Tam Kỳ), đưa con nhỏ vào cùng ăn ở tập trung trong trung tâm. Tận dụng một phòng làm việc cũ tại nhà thi đấu để làm phòng ở, tuy có bất tiện đôi chút song vợ chồng không lấy đó làm phiền. Anh Đình cho biết nhà có một số con vật nuôi nên phải gửi hàng xóm trông coi, hàng ngày cho ăn giúp; còn cây cảnh cứ vài ngày tranh thủ ban đêm chạy về nhà tưới xong rồi vào lại. “Có vất vả đôi chút song chẳng sao cả, tất cả vì sức khỏe và chuyên môn của VĐV” - anh Đình nói.
Cùng “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” tại trung tâm còn có 14 HLV của các bộ môn khác. Ngoại trừ HLV Đỗ Thị Ngọc Luận mang con nhỏ đi theo, các HLV nam ít nhiều vướng chuyện gia đình, con cái nhưng đều cho biết đã có vợ và người thân lo nên phần nào an tâm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn dịch bệnh này. “Cũng nhớ con nhỏ và gia đình có phần vất vả nhưng chúng tôi coi đây như một đợt tập huấn hoặc thi đấu xa nhà vậy thôi. Tất cả cũng vì trách nhiệm chung” - một HLV chia sẻ.
Những ngày này, không khí tập luyện bên trong trung tâm vẫn diễn ra sôi nổi với lịch tập như ngày thường. Theo các HLV, nếu cho các em về nhà nghỉ thì coi như mấy tháng, thậm chí cả năm trời tập luyện “đổ sông đổ biển”. Vì vậy, việc ở lại tập trung có phần khó khăn cho trung tâm, song lại có lợi cho công tác chuyên môn. VĐV Phạm Thị Thu Hà (môn Võ cổ truyền) cho biết bản thân không cảm thấy khó chịu gì về việc phải “cấm trại” vì ở trong khu nội trú có nhiều bạn bè để vui chơi sau giờ tập. Hơn nữa, đây là việc tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh nên là điều rất tốt cho bản thân.