Văn Hà níu giữ nghề

LÊ QUÂN 13/01/2013 09:23

Tương tự mộc Kim Bồng “giữ nghề” thông qua thế hệ thợ trẻ, làng mộc Văn Hà ở Phú Ninh cũng đang khởi động nhiều chương trình để níu giữ nghề truyền thống. Dù nỗi lo thất truyền đã vơi bớt, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo…

  • Khôi phục nghề mộc truyền thống Văn Hà
  • Kỳ tích Văn Hà
  • Bảo tồn, phát huy giá trị nghề mộc Văn Hà
  • Người cũ Văn Hà

Theo dấu nghề xưa

Trên địa bàn Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ, Tiên Phước, có hơn 60 nhà cổ đang tồn tại do chính những đội thợ mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) dựng nên, nhiều ngôi nhà dựng từ năm 1870. Nhiều ngôi nhà cổ vẫn sử dụng tốt như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Lộc, Tiên Phước), ông Nguyễn Tạ (Tam Đại, Phú Ninh). Chưa kể, thợ Văn Hà còn góp công xây dựng các di tích (nay được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh) như Khổng Miếu, đình Chiên Đàn, đình Phương Hòa, đình Mỹ Thạch.

Nghệ nhân Đinh Thạch.Ảnh: LÊ QUÂN
Nghệ nhân Đinh Thạch.Ảnh: LÊ QUÂN

Hầu hết sản phẩm nhà rường hiện còn do thợ Văn Hà làm đều mang phong cách riêng. Thợ Văn Hà xưa còn biết khắc chế những điểm yếu của các loại gỗ vườn của vùng trung du, đồng bằng vốn không được to và dài, tiết kiệm được gỗ và tạo ra được kiểu thức kết cấu kèo, trính, nhà rường độc đáo. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, trong 3 phong cách thanh trính của Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi - Phú Yên thì có thể đánh giá dáng trính do thợ mộc Văn Hà thi công đẹp nhất miền Trung.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Thành có 45 hộ làm nghề mộc, nhưng thợ tay nghề cao chỉ 5 người. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến nghệ nhân Đinh Thạch (hay còn gọi Đinh Thẩm), năm nay đã ngoài 90 tuổi. Người thợ mộc già với đôi tay đầy những nốt chai sần, xay xước do phải nghề cầm đục đẽo... vẫn tỉ mẩn với từng họa tiết nhỏ. Theo cụ Thạch, sở dĩ ngày xưa Văn Hà nổi tiếng bởi những người thợ không ngừng sáng tạo. Họ đi vào tận những hang cùng ngõ nhỏ, đến những miền đất mới để tìm “khách hàng”. Từ phía bắc Thăng Bình đến Tam Kỳ, Núi Thành hay cả ngược lên miền núi như Tiên Phước, Quế Sơn và đi cả đến Quảng Ngãi, từng tốp thợ lặn lội để đi làm nhà rường. Công cụ chỉ có 1 thùng gỗ nhỏ xách được với những chiếc cưa, rìu, đục, chàng, khoan…, khoảng 20 - 30 chiếc. Thợ Văn Hà xưa rất tài hoa khi những thanh trính, xà gỗ trên những ngôi đình, nhà thờ đều được chạm trổ hoa văn rất cầu kỳ. Có tận mắt thấy những đuôi rồng uốn lượn trên thanh trính của nhà cổ cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Phước) hay cánh hoa chạm khéo léo, đăng đối ở cửa tủ gỗ cổ xưa hay những hình ảnh hư cấu như “long, lân, quy, phụng” trên một thanh xà gỗ mới cảm nhận hết được sự tỉ mỉ và tài nghệ của thợ mộc Văn Hà.

Một số chi tiết chạm trổ của thợ Văn Hà tại nhà cổ cụ Nguyễn Huỳnh Anh.
Một số chi tiết chạm trổ của thợ Văn Hà tại nhà cổ cụ Nguyễn Huỳnh Anh.

Dấu vết nghề xưa giờ còn thấy lưu giữ ở vài cơ sở khi tiếp tục cho ra đời những sản phẩm đậm chất mỹ nghệ. Cơ sở anh Phạm Miên, người học trò xuất sắc của cụ Đinh Thạch, vẫn đang làm những chiếc bàn xoay - sản phẩm “độc” chỉ có ở làng mộc Văn Hà - hay những giỏ đựng trái cây, cắm hoa, tranh tứ bình, bộ ly… được chạm trổ tinh tế. Ngay cụ Đinh Thạch vẫn đang làm việc tại đây. “Mình đã phục hồi được 4 chiếc bàn xoay và nhận thêm đơn đặt hàng từ các tỉnh bạn về sản phẩm này. Nói thật, nếu không có bàn xoay thì làng mộc Văn Hà đã lùi xa vào quá vãng. Chính sản phẩm này khiến Văn Hà nhận được nhiều sự quan tâm để phục hưng làng nghề” - anh Phạm Miên cho biết.

Làng mộc Văn Hà hiện thuộc địa bàn thôn 5 xã Tam Thành (Phú Ninh), cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ 8km về hướng Tây Bắc. Ông tổ nghề mộc Văn Hà có gốc gác từ Thanh - Nghệ - Tĩnh. Theo các bậc cao niên, nghề mộc được truyền tính đến nay đã qua 13 đời.

Thợ mộc Văn Hà hiện tại đều thuộc thế hệ con cháu của những thợ mộc nổi tiếng từng làm những ngôi nhà rường, nhà thờ, đình. Tuy nhiên, lớp thợ trẻ thừa nhận để theo được nghề của cha ông, họ cần một khoảng thời gian rất dài. Một hợp tác xã nghề mộc với 10 thành viên vừa được thành lập, gồm các xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong làng, với hy vọng từng bước “lấy lại tiếng tăm” một thời của mộc Văn Hà.

Tìm hướng phát triển

Năm 2008, UBND huyện Phú Ninh hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp đào tạo nghề mộc cho 10 học viên của xã Tam Thành do chính cụ Đinh Thạch hướng dẫn. Khóa học diễn ra trong vòng 3 tháng, theo kiểu tự truyền dạy. Tuy nhiên, chỉ có 4 người được “chọn” để làm truyền nhân của cụ Đinh Thạch. Mãi đến cuối năm 2012, khóa học thứ 2 mới được mở với kinh phí khoảng 75 triệu đồng cũng của UBND huyện. Cơ sở chính để lớp học thực hành vẫn chưa có, đành mượn tạm xưởng mộc của anh Phạm Miên. Tuy nhiên, như những nơi đào tạo nghề thủ công khác, làng mộc Văn Hà có ít thanh niên theo học. Trong 10 người của khóa học hiện nay chỉ có 3 người ở độ tuổi dưới 30. Chủ tịch UBND xã Tam Thành, ông Tôn Liệu, nhìn nhận: “Mộc là một nghề khó, đào tạo được một thợ lành nghề càng khó. Thêm nữa, đối tượng lại không dễ tìm, bởi người có tuổi không muốn đi, người trẻ thì đi làm ăn xa hoặc kiếm nghề thu nhập cao hơn”. Xưởng mộc của anh Phạm Miên được cho là lớn nhất làng mộc vẫn chỉ có 1 thanh niên đang theo học nghề, chính là người nằm trong “tầm ngắm” của cụ Đinh Thạch sau khóa đào tạo do cụ giảng dạy.

Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm làng mộc Văn Hà sản xuất gần 300 sản phẩm các loại, như nhà kết cấu kèo, trính gỗ, mộc dân dụng, các sản phẩm chạm khắc mỹ nghệ… với doanh thu 2,5 tỷ đồng. Nhưng thu nhập bình quân chỉ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, được cho là quá ít so với công sức người thợ bỏ ra. Bởi sản phẩm làng nghề chủ yếu làm thủ công nên năng suất không cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn qua “kênh” quen biết mà chưa có sự liên kết, liên doanh để tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo đề án khôi phục, phát triển làng mộc Văn Hà giai đoạn 2012 -2015, tầm nhìn đến 2020 của UBND huyện Phú Ninh, những năm tới mộc Văn Hà muốn phát triển cần liên kết “4 nhà”(gồm doanh nghiệp - người dân làng nghề - các tổ chức khuyến khích làng nghề - nhà nước). Có như thế, sản phẩm làng nghề mới tìm được  đầu ra ổn định, giúp nâng cao thu nhập người dân. Từ đó,  việc thu hút lao động trẻ tại địa phương tham gia sẽ dễ dàng hơn. Việc đầu tư nhà xưởng, hỗ trợ người làng nghề về nguyên liệu cũng như máy móc thiết bị là điều đặt ra để khôi phục và phát triển làng nghề.

Sắp tới, làng mộc Văn Hà sẽ đưa sản phẩm của mình tham gia Hội chợ hàng khuyến mãi xuân 2013 do Sở Công Thương tổ chức. Khoảng 10 mặt hàng với gần 70 sản phẩm các loại sẽ giúp người tiêu dùng “tiếp cận”  làng mộc truyền thống Văn Hà…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn Hà níu giữ nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO