Các hoạt động giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong học đường, điển hình là ngày hội “Văn hóa giao thông cho trẻ em” năm 2019 vừa tổ chức, cần được phát huy, nhân rộng.
Mỗi năm, tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của khoảng 8.000 người và khiến hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời. Đằng sau con số thống kê ấy là những mất mát không thể bù đắp cho các gia đình nạn nhân và cộng đồng xã hội. Đáng chú ý, nạn nhân TNGT là trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước chiếm số lượng lớn. Thống kê cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT.
Theo ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh văn phòng phụ trách Ban ATGT tỉnh, vẫn còn trẻ cũng chưa được trang bị các kỹ năng bảo vệ mình khi tham gia giao thông. Chẳng hạn, đi bộ, đi xe đạp ra sao cho đúng luật để đảm bảo an toàn cho mình và người khác; lứa tuổi nào phải đội mũ bảo hiểm (MBH); cách ngồi phía sau người lớn trên xe máy, ngồi trên ghe thuyền; làm gì khi lưu thông từ đường nhánh ra đường chính và ngược lại...
Đáng nói, phụ huynh và trẻ em hoàn toàn có thể tránh được trước mối nguy hiểm TNGT đang tiềm ẩn nếu biết ý thức, nhận thức và hành động đúng. Đối với học sinh ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được trang bị những kiến thức, giáo dục ý thức tự giác chấp hành về pháp luật trật tự ATGT, để không phải là nạn nhân của vụ việc nghiêm trọng.
Trong thời gian qua, nhiều trường trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này. Ngoài giảng dạy lý thuyết, học trò còn được thực hành trên mô hình giáo dục ATGT thiết lập ngay tại khuôn viên học đường. Mô hình cổng trường ATGT cho thấy điểm tích cực, ít nhất là việc tác động ý thức của học sinh và chính cả phụ huynh bằng hình ảnh trực quan. Hoạt động ngoại khóa lồng ghép tuyên truyền ATGT tiến hành thường xuyên.
Bên cạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề đối với lứa tuổi học sinh, cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt còn phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền tại trường học. Tại các đại lý bán xe máy cũng tích cực triển khai chương trình lái xe an toàn đối với học sinh, đơn cử như Tiến Thu - Tiến Đức.
Văn hóa giao thông cho trẻ
Năm 2015, Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) kết hợp với Công ty Johnson&Johnson thực hiện dự án “MBH cho trẻ em” tại Quảng Nam. Dự án này đã tặng MBH cho 5 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, đó là Hương An (Quế Sơn), Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Hiền (Núi Thành), Lê Độ (Thăng Bình), Phạm Phú Thứ (Điện Bàn). Đã 5 năm trôi qua, học sinh tiểu học của các trường này được phát miễn phí MBH đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (xã Điện Phương) - Trần Thị Phương Trâm chia sẻ, trường tham gia dự án vào năm 2015 và năm đầu tiên toàn bộ học sinh, giáo viên được cấp MBH. Những năm về sau, MBH cấp cho học sinh bước vào lớp một và giáo viên mới đến. Ngoài ra, AIP còn tặng tài liệu, sổ tay hướng dẫn giáo dục ATGT và các trò chơi ngoại khóa liên quan.
Theo cô Phương Trâm, chương trình nhân văn này góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành đội MBH của học sinh. Đội MBH đã trở thành thói quen “như đồng phục nhà trường”, có em đi bộ cũng sử dụng. Cha mẹ mình mà không đội MBH thì các em nhắc ngay, nếu phụ huynh cố tình không đội sẽ không chịu để chở đi.
Cuối tuần qua, AIP tiếp tục phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Sở GD-ĐT tổ chức ngày hội “Văn hóa giao thông cho trẻ em” tại Trường Tiểu học Hương An (xã Hương An) với sự có mặt của các thầy cô giáo, các em học sinh của 5 trường thuộc dự án. Học trò hào hứng tham gia phần thi “Rung chuông vàng về ATGT”, “Ghép hình biển báo giao thông”. Đặc biệt, các đội thể hiện sự hiểu biết, năng khiếu bằng nhiều hình thức như trình bày tiết mục tốp ca về bài dân ca, đồng dao, hò vè tự sáng tác, hoặc biểu diễn một tiểu phẩm có lồng ghép tuyên truyền về ATGT.
Hòa mình cùng ngày hội, em Quách Nguyễn Thục Nhi - lớp 5/4, Trường Tiểu học Hương An bộc bạch, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực vào cổng trường để buôn bán tiềm ẩn hiểm họa TNGT cho lứa tuổi học trò. Đối với nhà trường, các bạn còn đối mặt với nhiều nguy cơ mất ATGT khác, khi hàng ngày đi học phải lưu thông trên quốc lộ 1. Chính vì vậy, việc tham gia chương trình sẽ giúp trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình.
Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đánh giá, thành công của ngày hội góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong trường học; hình thành một số kỹ năng cơ bản cho học sinh khi tham gia giao thông nhằm phòng tránh tai nạn cho bản thân. Ngoài ra, giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT, để sau này lớn lên trở thành công dân có ý thức tốt.