Văn hóa Quảng Nam trước ngưỡng cửa du lịch xanh

QUỐC TUẤN 06/10/2022 09:16

(VHQN) - Du lịch Quảng Nam đang trên hành trình hướng đến du lịch xanh, bền vững. Văn hóa bản địa sẽ có chỗ đứng ra sao và đóng vai trò gì trong tiến trình dài hơi này? Báo Quảng Nam ghi nhận chia sẻ, định hướng gợi mở của các chuyên gia quốc tế, nhà quản lý du lịch tại hội thảo “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam” vừa diễn ra vào giữa tháng 8 tại TP.Hội An.

Quăng chài trên sông Đế Võng. Ảnh: Q.T
Quăng chài trên sông Đế Võng. Ảnh: Q.T

Ông Peter Debrine - Cố vấn cấp cao về du lịch bền vững, Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO: Hỗ trợ văn hóa là phương thức “win - win” trong phát triển du lịch

 

Tôi từng có mặt tại Hội An, Quảng Nam vào năm 2019 lúc các bạn nhen nhóm với mục tiêu phát triển du lịch xanh và đã nhìn thấy những chuyển động ấn tượng sau 3 năm mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Du lịch là quá trình phức tạp nhưng nó thúc đẩy sự phát triển cho cả khu vực nếu định hướng đúng.

Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch xanh là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Các di sản không tồn tại độc lập mà gắn chặt với hệ sinh thái của cả khu vực. Gìn giữ di sản văn hóa vừa là nền tảng vừa là cách thức phát triển du lịch.

Du lịch Quảng Nam có Hội An là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng đừng quá lạm dụng trong việc khai thác. Ở đó chúng ta cần phải gìn giữ các quần thể xã hội, khuyến khích sự đa dạng về văn hóa.

Phát triển du lịch không có nghĩa là chúng ta lấn át đi hoàn toàn các hoạt động thương mại - dịch vụ truyền thống, hiện hữu. Du lịch không nên là ngành kinh tế độc đạo nếu muốn phát triển bền vững. Và Hội An chính là minh chứng điển hình nhất cho thực trạng này trong thời gian dịch bệnh.

Cơ quan chức năng cũng cần có đánh giá tác động môi trường, tác động lên di sản khi triển khai các hạ tầng xã hội. Cần hạn chế thấp nhất các hạ tầng tác động tiêu cực đến các điểm đến.

Phần lớn người làm du lịch không hào hứng với việc lồng ghép giá trị văn hóa vào sản phẩm vì đòi hỏi quy trình dài hơi. Ảnh: Q.T
Phần lớn người làm du lịch không hào hứng với việc lồng ghép giá trị văn hóa vào sản phẩm vì đòi hỏi quy trình dài hơi. Ảnh: Q.T

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, du lịch Quảng Nam tăng trưởng rất mạnh nhưng các bạn đón một lượng lớn khách không bền vững, thiên về tham quan hơn và đó hẳn không phải là đối tượng khách mà địa phương kỳ vọng. Hỗ trợ cho văn hóa là phương thức “win - win” (đôi bên cùng có lợi) cho việc phát triển du lịch.

Cần tiếp tục khuyến khích các sáng kiến phát triển du lịch dựa vào cộng đồng để thúc đẩy du lịch dựa vào nền tảng văn hóa. Tuy nhiên, với cách thức này không phải trong một sớm, một chiều có thể thành công mà cần nhận thức, khung hành động dài hơi.

Chúng tôi nhận thấy quyết tâm đó ở cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch và một bộ phận chủ thể làm du lịch ở Quảng Nam nên rất sẵn lòng hợp tác và đồng hành với các bạn.

Ông Douglas Hainsworth - Trưởng nhóm chuyên gia Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP): Văn hóa là “chìa khóa” trong quá trình chuyển đổi du lịch xanh

 

Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang đi đầu trong việc phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, trong đó có việc xây dựng kế hoạch hành động phát triển du lịch xanh Quảng Nam.

Điều này chứng tỏ địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc quản lý các nguồn tài nguyên bản địa một cách bền vững.

Đây là tín hiệu rất tích cực, nhất là trong bối cảnh Quảng Nam sở hữu kho báu tài nguyên văn hóa đặc trưng và khác biệt. Khảo sát từ thị trường khách châu Âu (dữ liệu từ 27 thành viên EU) cho thấy, điểm đến có trải nghiệm văn hóa chính là tiêu chí được du khách ưu tiên cao nhất (44% số người được khảo sát lựa chọn).

Theo góc nhìn của tôi, địa phương cần đặt văn hóa ở vị trí trung tâm nhưng cũng cần nỗ lực làm đa dạng, lan tỏa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Để nâng tầm thương hiệu du lịch xanh, các sản phẩm du lịch văn hóa ở Quảng Nam cần tập trung vào tính chân thực của sản phẩm.

Nghệ nhân làm gốm Thanh Hà (Hội An). Ảnh: Q.T
Nghệ nhân làm gốm Thanh Hà (Hội An). Ảnh: Q.T

Tính chân thực và chất lượng ngày càng quan trọng hơn sau đại dịch Covid-19 và phù hợp với các phân khúc khách chi tiêu cao. Sự đa dạng sản phẩm sẽ khuyến khích khách lưu trú dài ngày hơn, đa dạng thị trường khách hơn.

Việc phân bổ rộng rãi không gian du lịch giúp lợi ích được chia sẻ hài hòa cũng như giảm áp lực cho các di sản văn hóa vốn dễ bị tổn thương. Điều quan trọng là phải cân bằng trong việc phù hợp với nhu cầu mới của thị trường đồng thời đảm bảo “sức khỏe” của các nguồn tài nguyên văn hóa.

Về công tác xúc tiến, quảng bá cần thông điệp nhất quán bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công, tư. Khu vực Nhà nước nên đóng vai trò dẫn dắt và đưa ra định hướng cũng như hỗ trợ cho các chiến lược, sáng kiến phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải có cam kết hành động cụ thể, kinh doanh có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Sớm có cơ chế hỗ trợ du lịch xanh

 

Quảng Nam có di sản văn hóa thế giới vật thể, phi vật thể, có hệ thống tài nguyên tự nhiên đặc sắc, trải rộng ở nhiều không gian. Quảng Nam có 441 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng nhiều làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo.

Sau giai đoạn đạt được tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng hơn 20% hằng năm (khoảng năm 2016 - 2019), Quảng Nam đang tập trung phát triển du lịch xanh, bền vững và đã có nhiều sản phẩm du lịch mới, ấn tượng ra đời theo định hướng này.

Trên thực tế, qua các cuộc điều tra, khảo sát, du lịch Quảng Nam hiện vẫn tập trung phần lớn vào hai di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Chúng tôi đang quyết tâm mở rộng không gian du lịch về phía nam, phía tây.

Tích cực đa dạng hóa sản phẩm với văn hóa là một trong những nền tảng, trên quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn. Những kết quả ấn tượng vừa qua mới chỉ là bước khởi động, làm sao để hình thành sản phẩm xanh đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành du lịch vẫn đang là mục tiêu mà các bên liên quan cần hướng đến.

Ảnh từ trái qua: Bài chòi Hội An là sản phẩm du lịch được du khách yêu thích. Hoạt động hô hát bài chòi tại Nông Sơn. Nhịp sống trên sông Thu Bồn.Ảnh: Q.T
Bài chòi Hội An là sản phẩm du lịch được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T

Trong đó, xác định chú trọng tạo sản phẩm bứt phá ra ngoài không gian Hội An và Mỹ Sơn, bởi ở khu vực nông thôn, khu vực vùng núi hiện sở hữu nhiều tiềm năng, giá trị văn hóa rất độc đáo nhưng chưa khai phá được.

Khi thị trường khách quốc tế phục hồi hoàn toàn thì các loại hình sản phẩm này sẽ được ưu tiên trong công tác quảng bá. Đã có 11 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiên phong tiếp cận được với chứng nhận du lịch xanh.

Sau này nếu sản phẩm du lịch xanh được triển khai tại các điểm du lịch cộng đồng sẽ được hưởng cơ chế chính sách về đào tạo, hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ quy hoạch, thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp. Hy vọng đó sẽ là những hỗ trợ gián tiếp thúc đẩy các sản phẩm du lịch trên nền tảng văn hóa phát triển mạnh mẽ.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Cần định vị sản phẩm văn hóa cho phân khúc cao cấp hơn

 

Thực tế hiển nhiên là định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững sẽ phải đối mặt với nhiều trở lực. Điểm đáng mừng là du lịch Quảng Nam đang dần thay đổi với tư duy, hệ thống quản trị tốt hơn để hướng đến ngành du lịch bền vững.

Ý niệm về con đường du lịch xanh của Quảng Nam, sẽ dần được hiện thực hóa thông qua những nỗ lực để được tiếp bước của hoạt động du lịch Quảng Nam.

Từ vấn đề môi trường, rác thải trong du lịch đến việc nương tựa vào tài nguyên thiên nhiên biển cả, dòng sông, cánh đồng và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống… để tạo ra bầu không khí du lịch trong lành, những sản phẩm du lịch khác biệt riêng của địa phương. Điều này cũng đã được định lượng một phần trong Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhịp sống trên sông Thu Bồn.Ảnh: Q.T
Nhịp sống trên sông Thu Bồn.Ảnh: Q.T

Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định giá trị, tài nguyên văn hóa ở một phân khúc quá thấp và sự tiếp cận có phần hời hợt. Với góc độ cá nhân của người làm du lịch, giá trị văn hóa và môi trường bản địa là những giá trị có thể tạo ra sản phẩm cực kỳ cao cấp.

Thậm chí, khi chúng ta khai thác du lịch văn hóa “giá rẻ”, bình dân đã gián tiếp làm văn hóa địa phương tổn thương. Có thực trạng tồn tại lâu nay là phần lớn người làm du lịch không hào hứng với việc lồng ghép giá trị văn hóa vào sản phẩm vì đòi hỏi quy trình dài hơi.

Muốn phát triển du lịch bài bản ở từng điểm đến, cần khảo sát đánh giá tổng thể, tác động của các bên liên quan từ người dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Quảng Nam không thiếu sản phẩm gắn với giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Vấn đề là tư duy tiếp cận phải có chiều sâu và hiệu quả thiết thực.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa Quảng Nam trước ngưỡng cửa du lịch xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO