Nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao (VH-TT), TP.Tam Kỳ xây dựng riêng một đề án để làm cơ sở cho việc đầu tư bài bản và mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, thời gian qua, các hoạt động VH-TT của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tam Kỳ nhiều lần đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. Ảnh: X.PHÚ |
Cơ sở hạ tầng được đầu tư
Cuối năm 2014, UBND TP.Tam Kỳ ban hành đề án “Phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, TD-TT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020”. Mục tiêu của đề án là hoàn thiện hệ thống thiết chế VH-TT từ thành phố đến cơ sở; nâng cao chất lượng các hoạt đông thông tin tuyên truyền, phát triển sự nghiệp VH-TT theo hướng bền vững về chất lượng, đa dạng về loại hình hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, làm động lực góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đến nay sau hơn nửa chặng đường nhìn lại, bức tranh chung về sự nghiệp VH-TT Tam Kỳ đã có được khá nhiều điểm sáng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về nhiệm vụ, ý nghĩa của sự nghiệp VH-TT đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội đã được nâng cao. Điều đó được thể hiện ở sự quan tâm rất lớn cho công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành VH-TT. Đến nay, hơn một nửa số xã, phường đã thành lập trung tâm VH-TT; 100% thôn, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa, trong đó hơn 1/3 nhà văn hóa đạt chuẩn. Thành phố cũng dành nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi như Quảng trường 24.3, Quảng trường biển Tam Thanh, các tiểu hoa viên, trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho người dân tập luyện tại Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, Quảng trường 24.3. Lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh, Tam Kỳ có sân vận động được xây dựng tại phường An Phú. Nhiều hạng mục công trình di tích trên địa bàn được đầu tư tôn tạo, vừa bảo vệ di tích, vừa góp phần phát triển du lịch; trong đó đáng kể nhất như địa đạo Kỳ Anh, nhà bia di tích Bãi sậy sông Đầm.
Bên cạnh đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT, công tác tổ chức cán bộ, bộ máy cũng được quan tâm. Để tập trung một đầu mối nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, thành phố đã sáp nhập Trung tâm Văn hóa - thông tin và Trung tâm Thể dục - thể thao thành Trung tâm VH-TT. Đồng thời ngày càng có nhiều cán bộ ngành VH-TT được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Hiện tại gần 90% cán bộ, công chức ngành VH-TT thành phố và 100% công chức văn hóa xã hội cấp xã, phường có trình độ đại học, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Đa dạng sản phẩm
Trước đây, TP.Tam Kỳ khá nghèo nàn về các sản phẩm trên lĩnh vực VH-TT nhưng mấy năm gần đây, địa phương đã đầu tư xây dựng được một số sản phẩm văn hóa thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đáng kể nhất là sản phẩm làng bích họa và con đường thuyền thúng tại Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh ít nhiều đã tạo được thương hiệu cho văn hóa và du lịch địa phương. Qua đó, đưa Tam Kỳ trở thành điểm đến của nghệ thuật cộng đồng theo ý tưởng “đưa nghệ thuật vào không gian sống”. Ở lĩnh vực thể thao, địa phương cũng quan tâm phát triển mạnh các môn vùng sông nước như đua thuyền, lắc thúng, bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển. Đặc biệt, địa phương đã vài lần đăng cai tổ chức thành công giải bóng đá bãi biển toàn quốc và bóng chuyền bài biển toàn quốc tại bãi biển Tam Thanh xinh đẹp, làm phong phú thêm các sản phẩm thể thao nhân các sự kiện của địa phương.
Song hành với việc xây dựng các sản phẩm mới, thành phố cũng đã làm sống lại nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, 13 xã, phường đã thành lập được câu lạc bộ đàn và hát dân ca; khôi phục được câu lạc bộ hô hát bài chòi xã Tam Thăng và câu lạc bộ đàn hát dân ca - bài chòi - hát bả trạo xã Tam Thanh. Vào các dịp lễ tết, các địa phương đều tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như hát bài chòi, hát bả trạo, hát ru, hát dân ca... Các lễ hội truyền thống được duy trì và đẩy mạnh như lễ hội kỳ yên tại các đình làng (Tứ bàn tiền hiền tự sở, Hương Trà, Vĩnh Bình, Thạch Tân, Mỹ Thạch, Phương Hòa…), lễ hội cầu ngư nhân ngày Bác Hồ về thăm làng cá (xã Tam Thanh). Trong những năm gần đây, thành phố còn tổ chức lễ hội văn hóa du lịch biển Tam Thanh nhằm quảng bá đặc trưng văn hóa miền biển, thu hút được nhiều người dân trong tỉnh và du khách tham gia.
Chưa thật phong phú và vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song có thể nói, các sản phẩm VH-TT của Tam Kỳ bước đầu cho thấy ngày càng đa dạng, cuốn hút người xem không chỉ trên địa bàn thành phố. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân, vừa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Mục tiêu của thành phố trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế, nhất là sản phẩm VH-TT đặc trưng của địa phương để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giao lưu hợp tác quốc tế.
XUÂN PHÚ