Ẩn sau những thước phim anh hùng...

SONG ANH - QUẾ HÀ 19/03/2023 04:29

Họ say sưa kể về những thước phim trên chiến trường bom đạn Khu 5. Nơi lưng đất vạn dặm này, bước chân của họ là những khung hình. Trong cuộc vui những ngày kỷ niệm, họ ngồi nhắc nhớ chuyện đồng nghiệp giữ khư khư máy ảnh, máy quay hay những đoạn phim dài của đồng đội còn hơn cả sinh mệnh mình...

Nhà quay phim Ngô Tạo Kim gặp lại học trò của mình ngay trên chiến trường Khu 5 xưa.
Nhà quay phim Ngô Tạo Kim gặp lại học trò của mình ngay trên chiến trường Khu 5 xưa.

1. “Vào những ngày tháng 3, tháng 4 này lại hay nhớ về một thời xa lắc nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ ở rừng với các anh chị và bạn bè. Năm 1971 - 1972, đơn vị đóng ở nóc Ông Điếu, tôi và Trần Hữu Thanh có dịp sang Ban Văn nghệ chơi. Từ Điện ảnh sang bên Văn nghệ cũng mất nửa ngày đi bộ vượt qua các dốc núi và các con suối.

Những lúc rảnh rỗi không phải phát rẫy, sản xuất, gùi cõng hay tráng các cuộn phim 16mm bằng thủ công của các phóng viên quay ở các mặt trận về là lại mang guitar ra bập bùng cho khỏi buồn, cho đỡ nhớ Hà Nội, quên đi những ngày đói khổ, những trận sốt rét rừng” - đạo diễn Tạ Triệu Thôi - nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam như bừng thức lại ký ức thời trai trẻ ở chiến trường Khu 5.

Thời ấy, Tạ Triệu Thôi là một thanh niên Hà Nội vào chiến trường miền Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc. Làm nhiệm vụ tráng phim, Tạ Triệu Thôi nói, ông không trực tiếp ôm máy quay, máy ảnh như đồng nghiệp của tổ điện ảnh nhưng làm nhiệm vụ của người xử lý hậu kỳ - như cách gọi hiện nay.

Liên tục di dời nơi đóng chân để giữ các thước phim, cho đến bây giờ, Tạ Triệu Thôi nói chính những lúc ôm từng khung hình được tráng ra, ông cảm nhận được cả sự thiêng liêng mà đồng đội mình đã gởi gắm vào đó.

Để sau này, khi hòa bình lập lại, Tạ Triệu Thôi về Hà Nội và tiếp tục sang Nga học chuyên sâu về điện ảnh. Ông nói, mình muốn trả ơn những thước phim của đồng đội - được ghi lại bằng máu và cả sinh mệnh, thì chỉ có cách tiếp tục làm điện ảnh chuyên nghiệp sau này.

Năm nay, tròn 70 năm Ngày nhiếp ảnh, cũng đồng thời là Ngày điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi nhớ lại những câu chuyện lẫn tâm tình của người làm nghề thông tấn như mình, với mạch chuyện về những “ống kính còn vương khói súng”. Chính họ, đã làm nên diện mạo điện ảnh, nhiếp ảnh Khu 5 anh hùng. Những dòng viết như gom lại tất thảy câu chuyện mà họ trải nghiệm, từ chính những người văn nghệ sĩ Khu 5.

Đoàn văn nghệ sĩ Khu 5 về thăm chiến trường xưa. Ảnh: X.H
Đoàn văn nghệ sĩ Khu 5 về thăm chiến trường xưa. Ảnh: X.H

Lời tựa mục điện ảnh tác phẩm “Văn nghệ sĩ Liên khu 5 - Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo” cũng đã khắc họa chân dung những người quay phim, chụp ảnh nơi chiến trường: “Trong chiến tranh, người chụp ảnh và người quay phim có khát khao như lửa táp, ấy là chụp được, quay được chính diện gương mặt của người chiến sĩ cầm súng đang xung phong. Mãi mãi họ không bao giờ đạt được khát khao đó.

Phóng viên điện ảnh Khu 5 trong chống Mỹ đã dũng cảm bám sát chiến trường ghi lại hàng nghìn thước phim tư liệu có giá trị như phim “Những người dân quê tôi” của đạo diễn, quay phim Trần Văn Thủy; phim “Người săn thú trên núi Đắk Sao” của Trần Thế Dân và Ivang năm 1971; phim “Làng nhỏ bên sông Trà” của Nghiêm Phú Mỹ; phim “Chúng tôi buộc phải cầm súng” của đồng tác giả Trần Đống, Trần Thế Dân, Trần Văn Thủy. Những bộ phim tài liệu có giá trị về chiến trường Khu 5 cùng với phim tài liệu, phim truyện từ miền Bắc đưa vào đã được đội chiếu phim lưu động gùi cõng máy móc vượt đèo cao, suối thẳm đến vùng giải phóng, bản làng đồng bào Tây Nguyên, các đơn vị quân giải phóng để chiếu, góp phần củng cố niềm tin con đường tất thắng của cách mạng miền Nam.

Ống kính của họ chỉ có thể hướng theo các người anh hùng ấy từ phía sau, nếu ráng hết sức thì cũng hướng chếch từ một bên. Mặt đối mặt với người cầm súng là kẻ thù. Làm sao phóng viên quay phim có thể đứng giữa những người cầm súng và kẻ thù của họ, để trong một khoảnh khắc cực ngắn khó tưởng tượng nổi, ghi được chân thực gương mặt điềm nhiên và sắc lạnh của người cầm súng.

Bù đắp lại, những người quay phim chiến trường cố bám gần, bám sát nhất khi có thể để chụp các bức ảnh, quay những thước phim nhiều khi chỉ có một lần trong đời. Việc làm ấy đòi hỏi sự gan góc, cũng phi thường như bao người lính giương lê vọt khỏi công sự, xung phong vượt qua cửa mở.

Những người quay phim chiến trường ở Liên khu 5 đã có sự gan góc đó. Họ đã làm những thước phim để lại cho đời. Trong những thước phim ấy không có hình ảnh họ. Hình ảnh họ ẩn sau những thước phim ấy mà thôi”.

2. Khá nhiều nhiếp ảnh gia chiến trường đến Khu 5 thuở ấy và đi một cách thầm lặng. Những bức hình họ ghi lại là những tư liệu giá trị và sống động về một thời đầy gian khổ nhưng hào hùng; là những chứng tích vô giá để lại cho hậu thế và lịch sử. Và những khoảnh khắc đáng nhớ ấy, còn đến bây giờ…

Nhà quay phim Ngô Tạo Kim, đến nay vẫn chưa quên được những lúc cùng đồng đội mình xông pha để quay cho bằng được khoảnh khắc của bộ đội ta. Bây giờ, Ngô Tạo Kim vẫn còn đó nét hào hoa của chàng quay phim Hà thành ngày nào trên chiến trường Khu 5 ác liệt.

Ngô Tạo Kim trên từng bước chân ngày quay về cùng đồng đội thăm chiến trường, hồ như giấu nỗi nhớ trong cái im lặng trên từng chặng đường. Một người học trò cũ bây giờ là phóng viên truyền hình, nhận ra thầy dạy mình trong dáng vẻ lơ phơ hào hoa nhưng đượm một nỗi buồn của ký ức - khi chân đặt lại nơi thời tuổi trẻ. Đã có những người cộng sự, đồng đội của ông ngã xuống ở vùng đất này, như liệt sĩ Nguyễn Văn Giá.

Cuộc chuyện của những người làm điện ảnh, nhiếp ảnh Khu 5 như chạm vào một khoảng không, khi nhắc chuyện anh Giá. Tạ Triệu Thôi kể, ông vẫn chưa thôi xúc động khi tiếp nhận lại 48 bức ảnh trong 2 cuộn phim mà anh Giá đã chụp ở Đức Phổ, từ tay của 2 nhà báo Mỹ. Báo chí đã viết nhiều về sự kiện này, nhưng có lẽ với những người làm điện ảnh Khu 5, những thước phim, khung hình của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá còn mãi mãi với tháng năm.

Phóng viên chiến trường Phan Xuân Quang và nhà quay phim Ngô Tạo Kim đang cùng nhau tạo lại khoảnh khắc trên chiến trường xưa.
Phóng viên chiến trường Phan Xuân Quang và nhà quay phim Ngô Tạo Kim đang cùng nhau tạo lại khoảnh khắc trên chiến trường xưa.

“Những thước phim ấy không có hình ảnh Nguyễn Văn Giá và đồng đội, nhưng mọi người đều thấy anh trong đó. Đấy là một phần của bản anh hùng ca mà điện ảnh tài liệu đóng góp cho Tổ quốc” - như lời của NSND Lê Mạnh Thích - nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương chia sẻ.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như hơi thở. Để có một dòng tin chiến sự, một đoạn phim, một tấm ảnh, nhà báo ra mặt trận cũng giống như người lính. Nhà báo - người chiến sĩ với vũ khí là ngòi bút, chiếc máy ảnh, máy quay phim, sóng phát thanh và cả bằng khẩu súng, họ đã sống, sáng tác, chiến đấu và hy sinh như người lính thực thụ.

Trong chuyến đi cùng đoàn văn nghệ sĩ Khu 5 về thăm chiến trường xưa, những người lính chiến trường không chỉ khiến chúng tôi cảm phục về lý tưởng tuổi trẻ. Họ vẫn giữ đó sự tinh anh và nhạy cảm của một người nắm giữ khoảnh khắc, những bước chân vẫn thoăn thoắt bắt lấy tinh thần bạn bè ngày về vùng đất cũ.

Phóng viên ảnh chiến trường Phan Xuân Quang, hình như là một người không có tuổi trong chính câu chuyện nghề nghiệp của mình. Cho đến bây giờ, kho tàng ảnh về Liên khu 5 vẫn được ông gìn giữ như báu vật. Đó là thời tuổi trẻ, là khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc. Và cũng là ký ức chưa bao giờ nguôi của những người chỉ ẩn sau các thước phim, khung hình anh hùng.

Nếu cuộc sống này là vô giá, thì những khoảnh khắc họ đang giữ bằng sinh mệnh mình, chính là khúc chưng cất quý báu của đời đời...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ẩn sau những thước phim anh hùng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO