Băn khoăn nhân lực văn hóa văn nghệ

LÊ QUÂN 21/05/2022 07:30

(VHQN) - Dù điều kiện, tiềm năng và cơ chế đều rộng mở nhưng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn luôn là băn khoăn với cả doanh nghiệp lẫn chính quyền. Câu chuyện không chỉ ở Quảng Nam...

Lực lượng biểu diễn nghệ thuật của Quảng Nam chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận hành ở lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong ảnh, tại sự kiện 550 năm Danh xưng Quảng Nam, diễn viên của đoàn Ca kịch Quảng Nam kết hợp cùng Đoàn Ca múa nhạc Trung ương biểu diễn. Ảnh: Đ.K
Lực lượng biểu diễn nghệ thuật của Quảng Nam chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận hành ở lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong ảnh, tại sự kiện 550 năm Danh xưng Quảng Nam, diễn viên của đoàn Ca kịch Quảng Nam kết hợp cùng Đoàn Ca múa nhạc Trung ương biểu diễn. Ảnh: Đ.K

Đại diện một doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực du lịch tại Quảng Nam cho biết, dù doanh nghiệp này đưa ra rất nhiều ưu đãi để thu hút nhân sự trong các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, thậm chí sẽ tổ chức đào tạo thêm... nhưng lượng lao động là dân địa phương lại quá ít ỏi. Những buổi biểu diễn “bán vé” của doanh nghiệp phục vụ du khách, đa số đều phải mời nghệ sĩ từ các nơi khác. 

Phía doanh nghiệp khó chiêu mộ nghệ sĩ thì phía địa phương lại khó tìm người để đào tạo. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản VHTG Mỹ Sơn cho biết, số lượng diễn viên của đội múa Chăm hiện nay có hơn 20 người và đơn vị này phải liên tục tìm kiếm các thành viên trẻ để truyền dạy cho các em. Trong đó, nan giải nhất là số diễn viên nữ của đội múa, vì các yêu cầu khắt khe về mặt ngoại hình. Cũng như câu chuyện của Mỹ Sơn, các hoạt động biểu diễn tại Hội An vẫn đang liên tục tìm kiếm đội ngũ diễn viên kế cận.

Sau đại dịch Covid-19, khoảng trống nhân lực du lịch, văn hóa có chất lượng tiếp tục bộc lộ. Phải nhắc lại quãng thời gian vàng son của ngành du lịch xứ Quảng, và lúc ấy, hầu như các trường trung cấp, cao đẳng nghề, đại học đều dành nhiều ưu ái cho việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Chưa kể các trung tâm, doanh nghiệp vẫn liên tục trực tiếp đào tạo lao động cho nhóm dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, như người đương nhiệm ngành văn hóa lúc đó nhận định, một mảng gần như bị bỏ trống trong chính các phần đào tạo để hướng đến mục đích phát triển du lịch là những ngành nghề liên quan văn hóa, nghệ thuật. Vị này kể từng có một doanh nghiệp đầu tư du lịch khá lớn tại vùng đông Quảng Nam có nhu cầu về hơn 200 diễn viên múa, nhưng thực sự ngành văn hóa Quảng Nam không thể tìm được. 

Năm 2016, Chính phủ thông qua đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm đào tạo tài năng chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ vẫn còn nhiều hạn chế và chưa rõ nét, nhất là ở cấp địa phương. Các chương trình đào tạo vẫn mang tính đại trà; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng.

Chủ trương phát triển du lịch xanh mà Quảng Nam đang triển khai cho Năm du lịch quốc gia cũng là cú hích tạo nền tảng để mở ra câu chuyện đào tạo nhân lực. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sau 2 năm gián đoạn, ngành du lịch hiện nay phải thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng phù hợp, thích ứng với tình hình mới.

“Ngoài việc định hướng phát triển du lịch xanh, để có nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động đáp ứng với định hướng này cần sự tập trung của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cơ chế chính sách để phục vụ phát triển.

Chúng tôi sẽ kết hợp các tổ chức, hiệp hội tổ chức khảo sát và phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh. Điều này đòi hỏi ngoài vai trò của Nhà nước cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng dân cư” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói. 

Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng, thời gian gần đây, các chương trình nghệ thuật quy mô lớn của tỉnh phần lớn đều mời các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở các thành phố lớn biểu diễn, do đó, bản sắc của Quảng Nam không được chuyển tải rõ, từ giọng nói vùng miền cho đến các tác phẩm biểu diễn múa, ca kịch.

Lý do, theo ông Bích, Quảng Nam hiện nay ngoài Đoàn Ca kịch Quảng Nam với lực lượng thiên về nghệ thuật ca kịch bài chòi được công nhận là đoàn chuyên nghiệp, thì các đội biểu diễn ở trung tâm văn hóa, các nhóm ca múa nhạc ở địa phương vẫn là lực lượng nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp, gây tâm lý e ngại đối với nhà tổ chức.

“Thời gian tới, nếu Quảng Nam lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần nghĩ đến việc hình thành các trung tâm đào tạo nghệ thuật cũng như có cơ chế để trung tâm văn hóa các địa phương thu hút nhân lực từ các trường đào tạo chuyên nghiệp này về làm việc, tạo điều kiện để trung tâm văn hóa hoạt động như một đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và tham gia bình đẳng vào các sự kiện lớn” - ông Nguyễn Hoàng Bích nói. 

Về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia nhận định với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, việc đào tạo và tự đào tạo đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và theo đòi hỏi của thị trường là một bước bắt buộc của quy trình sáng tạo.

Đây cũng là yếu tố “sống còn” để tồn tại trên trị trường công nghiệp văn hóa. Và đòi hỏi bức thiết là phải nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa văn nghệ. Với những doanh nghiệp đã bắt đầu từng bước trên con đường đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, câu chuyện nhân lực càng cần phải được đặt lên vị trí ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Băn khoăn nhân lực văn hóa văn nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO