Chuyện ở các chi hội “đặc biệt”

BẢO ANH 09/05/2021 06:27

Nhiều năm qua, Hội VHNT Quảng Nam đã vun xới, tạo điều kiện hoạt động rồi thành lập thêm các chi hội chuyên ngành “đặc biệt”, gồm VHNT các dân tộc thiểu số - Miền núi (DTTS-MN), Văn nghệ Dân gian (VNDG) và Múa, góp phần làm cho khu vườn văn nghệ xứ Quảng thêm hương sắc...

Chi hội Múa - đơn vị chuyên ngành non trẻ nhất của Hội VHNT Quảng Nam hiện nay. Ảnh: B.A
Chi hội Múa - đơn vị chuyên ngành non trẻ nhất của Hội VHNT Quảng Nam hiện nay. Ảnh: B.A

Nỗ lực

Trong số 8 chi hội chuyên ngành trực thuộc Hội VHNT Quảng Nam hiện nay, VHNT các DTTS-MN, VNDG và Múa được xem là những chuyên ngành “đặc biệt”. Bởi lẽ, đây đều là các chi hội phải trải qua vài lần tách - nhập; có số hội viên ít, phân tán, ngoài hội viên cơ hữu còn có một số hội viên được tăng cường từ các chi hội khác...

Cùng với đó, quá trình hình thành cũng khá dài và không hề đơn giản. Như với Chi hội Múa, phải mất hơn một năm bàn bạc, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh mới quyết định hình thành chuyên ngành này trong hệ thống tổ chức chuyên môn trực thuộc của mình.

Theo đó, từ tháng 9.2015, cùng lúc có 7 người hoạt động trên lĩnh vực múa được kết nạp. Sau một thời gian khá dài sinh hoạt xen ghép, vừa học hỏi vừa tự khẳng định mình, đến tháng 12.2020, Chi hội Múa mới chính thức được thành lập.

Còn với Chi hội VNDG, ý tưởng thành lập được đưa ra khá sớm nhưng rồi phải đình trệ nhiều lần vì những lý do khách quan, mãi đến tháng 10.2012 mới được thành lập.

Hơn một năm sau, vì lực lượng mỏng, phân tán, việc phát triển hội viên mới gặp nhiều khó khăn nên phải nhập chung với Chi hội VHNT các DTTS-MN - vốn là một chi hội đa ngành, bao gồm những hội viên hoạt động trên các lĩnh vực văn nghệ khác nhau và cũng đang trong tình cảnh tương tự. Sau những nỗ lực tự củng cố, nhất là về mặt lực lượng, đến tháng 6.2014, hai chi hội này mới chính thức ra riêng.

Chung quanh việc tách - nhập - tách kể trên, Thường trực Hội VHNT Quảng Nam chia sẻ, mục đích tạo sân chơi “tạm thời” cho các văn nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nói trên, vừa có cơ sở để “chiêu mộ” thêm lực lượng, giúp các chi hội này từng bước lớn mạnh.

Còn theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội VNDG, sự nhập - tách mà chi hội từng trải qua xem ra cũng khá nhiêu khê, nhưng bù lại, anh em có thêm cơ hội trải nghiệm, cọ xát. Qua đó, mỗi người đều có ý thức rõ hơn trong việc góp sức làm cho chuyên ngành của mình lớn mạnh, đủ sức “ra riêng”. “Cái gọi là “đặc biệt” có lẽ còn là ở chỗ đó” - ông An nói thêm.

Những thành quả

Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Quảng Nam, việc quyết định hình thành các bộ phận chuyên ngành theo mô hình “đặc biệt” theo như cách mà Hội VHNT Quảng Nam đã làm là cần thiết. Quan trọng hơn, cách làm ấy đã tạo ra những kết quả “đặc biệt”.

Đơn cử như ở Chi hội VHNT các DTTS-MN, khi thành lập vào năm 2004, số hội viên chưa đủ theo quy định, thành ra Thường trực hội phải mời và chỉ định một số hội viên ở các chi hội khác cùng tham gia.

Để rồi, theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm: “Nhờ vậy mà chúng ta đã giữ chân và tìm kiếm thêm được các hạt nhân VHNT là người dân tộc thiểu số, kết nạp họ và từng bước hình thành nên một chi hội độc lập như ngày hôm nay...”. Tại một cuộc họp cách đây 3 tuần, một số hội viên tăng cường đã xin rút khỏi Chi hội VHNT các DTTS-MN, với lý do chi hội này đã đủ đông, đủ mạnh để phát triển.

Không chỉ ổn định về mặt tổ chức, các chi hội “đặc biệt” còn tạo ra được những thành quả quan trọng để khẳng định mình. Bằng sự bền bỉ, tận tụy và tính chuyên môn hóa ngày càng cao, Chi hội VNDG từng bước tạo ra được nhiều kết quả đáng kể. Gần 10 năm qua, nhất là từ khi chi hội “ra riêng” vào năm 2014 trở lại đây, nhiều hội viên của chi hội đã góp phần làm nên sự thành công của nhiều đề án có yêu cầu chuyên môn cao và khu biệt của tỉnh, của các địa phương trong tỉnh.

Trong đó, có thể kể đến các đề án như: bảo tồn một số hình thái văn hóa phi vật thể ở Quảng Nam, phục hồi nghệ thuật hát bội; phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm; các chương trình, đề án phát huy di sản văn hóa, VNDG...

Ngoài đóng góp cho các hoạt động chung, các hội viên VNDG cũng luôn nỗ lực trong việc tự làm giàu thêm hồ sơ khoa học cá nhân. Một số hội viên hầu như năm nào cũng công bố được một chuyên đề khoa học hoặc một công trình nghiên cứu. Hầu hết chuyên đề, công trình này đều được khảo chứng tại các hội thảo khoa học chuyên ngành và được đánh giá cao. Ngoài ra, đã có gần 10 tác phẩm, công trình của các hội viên VNDG đoạt giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam, Giải thưởng VHNT Đất Quảng và Tặng thưởng VHNT Quảng Nam.

Trong khi đó, “trẻ non” như Chi hội Múa nhưng cũng đã có 2 lượt hội viên có tác phẩm lọt vào chung khảo Tặng thưởng VHNT Quảng Nam hằng năm. Trong hầu hết hoạt động sân khấu hóa của các ngành, địa phương trong tỉnh, hầu như sự kiện nào cũng có sự góp mặt một phần hoặc chủ công hoàn toàn của các diễn viên, biên đạo múa...

Còn ở Chi hội VHNT các DTTS, ngoài việc kết nối hạt nhân VHNT các khu vực miền núi, dự phần và tham gia khai thác có hiệu quả vốn quý VNDG của đồng bào các DTTS trong tỉnh, chi hội còn tập hợp, biên soạn, sáng tác, xuất bản được nhiều đầu sách có giá trị.

Một số hội viên của chi hội có tác phẩm đoạt giải Giải thưởng VHNT Đất Quảng và các giải thưởng khác của ban ngành trong tỉnh và Trung ương. Một điều đáng ghi nhận khác, đó là hầu hết hội viên của Chi hội VHNT các DTTS sáng tác khá đều tay, có trách nhiệm với hoạt động hội. Qua đó góp phần làm rõ thêm đặc trưng độc đáo của chi hội mình: vừa là chi hội của người miền núi, của người DTTS vừa là một chi hội đa chuyên ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ở các chi hội “đặc biệt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO