Đến từ "phương trời khác"...

BẢO ANH 21/11/2019 15:39

Trong số hơn 200 hội viên của Hội VHNT Quảng Nam, số người làm nghề dạy học chiếm khoảng 1/3. Và điều thú vị là, trong số đó, có không ít người dạy các bộ môn chẳng liên quan gì đến văn chương, nghệ thuật...

Một số nhà giáo viết văn, làm thơ ở Quảng Nam (từ trái qua): Phương Dung, Lê Trâm, Nguyễn Tấn Ái, Nguyễn Tấn Sĩ. Ảnh: B.A
Một số nhà giáo viết văn, làm thơ ở Quảng Nam (từ trái qua): Phương Dung, Lê Trâm, Nguyễn Tấn Ái, Nguyễn Tấn Sĩ. Ảnh: B.A

Nhà giáo - nhà thơ Huỳnh Minh Tâm làm thơ và có thơ in trên các báo từ khá sớm - cuối những năm 1980, từng đoạt giải ba cuộc thi thơ Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1990, giải nhất thơ Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1991 (và nhiều giải thưởng khác trong những năm sau này). Ngoài các giải thưởng, trong gia tài thơ ca của anh đến lúc này còn có 3 tập thơ in riêng và 1 tập thơ in chung. Nhìn vào đấy, nhiều người cứ nghĩ anh được đào tạo chuyên ngành văn chương hay ít ra là một ngành nào đấy thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Mãi cho đến năm 2010, trong buổi giao lưu ra mắt tập thơ in chung “Như cỏ dại như lá úa như cây xanh” mà anh là một người góp mặt, Huỳnh Minh Tâm mới chính thức công khai “thân phận” của mình. Chỉ đến khi ấy, nhiều người, trong đó có không ít người trong văn giới, mới biết rằng Huỳnh Minh Tâm là một kỹ sư cơ điện, từng làm nghề... hớt tóc trước khi trở thành một giáo viên dạy môn vẽ kỹ thuật ở cấp trung học phổ thông. Đã yêu, khi biết thêm những thông tin ấy, công chúng càng yêu hơn  người thơ và những bài thơ cá tính, góc cạnh nhưng gần gũi của anh.

Cũng từ sự mặc định rằng hễ ai làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc thì nhất định phải được đào tạo văn thơ nhạc, nên trong một số cuộc giao lưu văn nghệ, các nhà giáo - văn nghệ sĩ xứ Quảng cũng từng nhiều lần nhận được câu hỏi của bạn đọc, rằng trước đây anh/chị học văn, học nhạc trường nào? Và lần nào cũng vậy, sau khi nhận được câu trả lời “chính chủ”, các cuộc giao lưu thường trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Vẫn là Phan Văn Minh của “Cả nhà thương nhau” nổi tiếng cùng hàng chục ca khúc đoạt giải trong các cuộc thi âm nhạc trong nước, nhưng khi biết anh vốn là một giáo viên dạy cả toán lẫn văn, khán thính giả lại muốn thưởng thức nhạc của anh trong một tâm thế khác. Cảm xúc đọc, cách nhìn nhận của độc giả cũng đổi khác khi họ biết Lê Trâm là giáo viên toán, Nguyễn Giúp là một giáo viên sinh học, còn Ngô Thị Thục Trang là một giáo viên dạy hóa...

Không chỉ có vậy, nhiều văn nghệ sĩ - nhà giáo có xuất thân không theo logic thông thường thỉnh thoảng còn gặp những tình huống đáng nhớ khác. Nhà giáo - nhạc sĩ Lê Xuân Trúc từng có lần bị khán giả phản đối khi anh được mời làm giám khảo một cuộc thi hát vì họ cho rằng anh chỉ là một thầy giáo dạy văn thì làm sao chấm thi âm nhạc? Nhà giáo - nhà thơ Phương Dung thì kể, cứ mỗi lần nhận lớp mới, sau một thời gian quan hệ cô - trò trở nên khắng khít thì thế nào cũng có em thỏ thẻ hỏi: “Cô ơi, cô dạy toán mà sao lại biết... làm thơ?”. Ngọc Phước, thầy giáo làng dạy tiếng Anh tại nhà, cũng mấy phen suýt mất mối dạy chỉ vì phụ huynh học sinh tình cờ phát hiện ra anh không được đào tạo để thành giáo viên tiếng Anh mà được đào tạo để thành kỹ sư nuôi trồng thủy sản, hơn thế anh lại còn là một... nhạc sĩ! Còn nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Bá Hòa thì từng nhiều lần bị “định vị” sai địa chỉ. Yêu thơ anh, nhiều bạn đọc phương xa tìm đến Trường Đại học Quảng Nam nơi anh công tác để làm quen và đích đến của họ bao giờ cũng là khoa Ngữ văn. Họ đâu biết anh là một giáo viên toán.

Ngoài những câu chuyện, những gương mặt ấy, ở Quảng Nam còn có nhiều thầy cô giáo khác tham gia sáng tác văn chương, nghệ thuật mà khi nói về nghề của họ, người nghe lại không khỏi bất ngờ, ngạc nhiên. Đó là nhà thơ Trương Quang Nhân, vốn là giáo viên dạy thể dục, sau học thêm văn bằng thứ hai để trở thành giáo viên tin học. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Bá Khoa là một thầy giáo dạy lịch sử còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đức Thắng là một giáo viên văn. Nhà thơ Trần Anh Dũng, vốn là một giáo viên đa môn - dạy tiểu học, nay trở thành giảng viên Khoa Toán Trường Đại học Quảng Nam. Nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu là giáo viên dạy sử - địa, nhà thơ Đỗ Thị Kết vốn là giáo viên ngoại ngữ.

Mỗi người một công việc, từ những “phương trời” khác nhau, chỉ vì yêu, vì đam mê, họ đã trở thành văn nghệ sĩ. Trong môi trường sư phạm, họ là những nhà giáo chuẩn mực, từng ngày lặng lẽ góp sức góp công trồng người. Và ở một khoảng trời riêng bay bổng, họ từng ngày lặng lẽ sáng tạo, góp thêm cho đời những tác phẩm văn chương, nghệ thuật đích thực...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đến từ "phương trời khác"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO