"Đuổi" theo câu hát

HỨA XUYÊN HUỲNH 25/09/2022 08:46

Gần 8 thập niên trước, người mê hát danh tiếng như học giả Vương Hồng Sển đã một lần phải nộp phạt vì gây “náo động ban đêm”. Giờ đây, ở nhiều nơi, cả đêm lẫn ngày đều thấy náo động…

Tấm biên lai nộp phạt vì “làm náo động lúc ban đêm” được học giả Vương Hồng Sển in vào phụ lục cuốn “Hồi ký 50 năm mê hát”.
Tấm biên lai nộp phạt vì “làm náo động lúc ban đêm” được học giả Vương Hồng Sển in vào phụ lục cuốn “Hồi ký 50 năm mê hát”.

1. Học giả Vương Hồng Sển khép lại cuốn hồi ký “50 năm mê hát” của mình bằng một tư liệu đăng ở cuối phần phụ lục gây chú ý: biên lai nộp phạt vì… mê hát.

Ông gọi tờ biên lai nộp phạt năm 1944 này là “một vật kỷ niệm quý”, quý không thua gì tấm thiệp mời đi nghe nhạc đêm 15.12.1942 của Hội Trao đổi sinh viên Đông Dương (AGEI).

Tấm thiệp mời đi nghe nhạc của AGEI, cụ Vương trân trọng xếp vào “một vật kỷ niệm đáng để dành”. Bởi vừa nghe hòa nhạc, vừa nghe 2 diễn giả nói chuyện về đề tài “Thanh niên hoạt động” và trận Bạch Đằng, trong đó có diễn giả Huỳnh Văn Tiễng, một đại biểu của AGEI.

Buổi nói chuyện và hòa nhạc này do các sinh viên Trường Đại học Hà Nội, các học sinh Bắc Kỳ tổ chức tại Nhà hát Tây... Ấy vậy mà, tấm biên lai nộp phạt được cụ Vương cho là quý không kém so với thiệp mời nghe nhạc, vì sao?

Tấm biên lai số 1897 (nguyên văn tiếng Pháp) có nội dung ngắn gọn thế này:

Bót Sốc-Trăng
Nhận của ông Vương-Hồng-Sển
ngụ tại châu-thành Sốc-Trăng
số tiền là Ba đồng ba cắc,
nộp phạt: làm náo động lúc ban đêm
Tiền phạt 11 quan
(…)
Cảnh sát trưởng
(ký tên và đóng dấu)

Học giả Vương Hồng Sển kể thêm, đêm 9.8.1944, nhóm anh em tương đắc của ông có tề tựu lại đờn ca chơi đến khuya ở thời điểm binh lính Nhật đang hiện diện đầy ở chợ Sóc Trăng (nguyên văn cụ Vương viết là chợ Sốc-Trăng).

“Cố nhiên có rượu mạnh, có thịt, có gái, có cười, có lớn tiếng. Sáng ngày, mỗi đứa chúng tôi bị đòi lại sở san-đầm và bị phạt như trên, về tội làm mất trị an trong đêm”, cụ Vương kể lại.

Tờ biên lai 1897 còn thêm một số chi tiết khác về các mục theo quy chuẩn (vi bằng, tiền phạt, giấy đòi ra pháp đình, án tòa…). Sau khi nhắc lại, cụ Vương kể thêm vài tình tiết thú vị liên quan đến chuyện nộp phạt. Ban đầu, cụ cự nự, “cứng đầu không chịu nộp phạt, viện lẽ tụ tập thì có, mà làm mất trị an thì không”.

Thế rồi, dù nhận đơn do người khác tố giác, phía ông cảnh sát trưởng muốn cho êm thuận, xuống nước gợi ý là sẽ… lấy tiền của chính mình để đóng phạt giúp nhóm hát hò. Nhưng cụ Vương một lần nữa từ chối. “Tôi không muốn thọ ơn lão Cò (tức cảnh sát trưởng - NV), thành thử tôi xuất tiền nộp phạt và cất biên lai làm kỷ niệm”, cụ viết.

Cho dù chỉ là một chuyện nhỏ, do nhóm người đánh phé (xì phé) ở sát vách bị nhóm cụ Vương gây phiền phức nên mới thưa kiện…, nhưng tấm biên lai xử phạt do ca hát lớn tiếng đã ghi dấu ấn vào “lịch sử gây ồn” ở một khu chợ miền châu thổ sông Cửu Long từ gần 80 năm trước.

2. Hẳn rằng, học giả Vương Hồng Sển chỉ muốn nhắc nhớ kỷ niệm trong đời và không thể hình dung đến một ngày, trong các kiểu “tra tấn” mà cộng đồng hứng chịu lại có loại hình ca hát. Nhiều người còn gọi thẳng karaoke là “nạn”.

Gần 30 năm sau vụ nộp phạt này, karaoke mới ra đời. Karaoke, ghép bởi kara (không) và oke (dàn nhạc), do một tay chơi keyboard 31 tuổi người Nhật Inoue Daisuke phát minh.

Nhưng có lẽ chính Inoue và những người ưa thích hình thức giải trí bằng cách đệm nhạc theo lời bài hát trên màn hình cũng không thể tin một ngày nào đó những dòng âm thanh sống động kia lại gây xáo trộn cuộc sống ở nhiều nơi.

Kể cả khi được trao giải Ig Nobel (dành cho những thành tựu “đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”) hồi năm 2004, tay chơi keyboard người Nhật cũng sẽ bất lực trước niềm vui thái quá của những người cầm micro bây giờ.

Thử gõ cụm từ “chém người vì hát karaoke”, chỉ 0,31 giây công cụ tìm kiếm Google đã cho ra khoảng 679.000 kết quả, toàn chuyện hát hò và đâm chém. Không chỉ hát to bị hàng xóm đâm chết, mà còn ngược ngạo xách dao sang gây sự sau khi bị hàng xóm nhắc nhở vì hát to, như vụ mới xảy ra hồi cuối tháng 4.2022 ở một tỉnh phía bắc. Ở Quảng Nam, hồi đầu tháng 6.2022, tòa án cũng đưa ra xử và phạt tù một người hát hò quá ồn bị hàng xóm nhắc nhở dẫn đến xô xát…

Đúng là chỉ nên vui thôi, đừng vui quá! Lướt qua những bản tin an ninh trật tự liên quan đến âm nhạc, tự dưng tôi muốn đọc to lên những câu viết quen thuộc của thi hào Nga A.S.Puskin: “Sung sướng thay người nào sớm biết từ bỏ hội vui của đời, không uống cạn đến đáy cốc rượu vang tràn đầy…”.

3. Ông cò Pháp thời xử phạt cụ Vương Hồng Sển, hay những người chọn trao giải Ig Nobel cho chủ nhân phát minh karaoke ở Nhật, dù giỏi tưởng tượng đến mấy cũng không nghĩ ra cảnh tổ phản ứng nhanh phải “mật phục” mới đánh úp các nhóm hát hò.

Chuyện đang diễn ra ở một phường tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), nơi có chiến dịch trấn áp những ai gây tiếng ồn, kéo dài trong vòng 1 tháng kể từ đầu tháng 9.2022. Ngẫm lại không biết nên buồn hay vui với chiến dịch này.

Như tiết lộ của vị chủ tịch phường, các nhóm trấn áp âm thầm tiếp cận “hiện trường”, chờ cán bộ kỹ thuật đo đạc và xác định âm thanh vượt quy định thì lực lượng phối hợp mới ập vào, buộc những người đang hát hò ngồi yên tại chỗ. Ấy là bởi tổ phản ứng nhanh đề phòng có ai đó… phản ứng nhanh hơn, lén vặn nhỏ âm thanh để “xóa” bằng chứng.

Sẽ thật khó để ai đó “sớm từ bỏ hội vui” và “không uống cạn đến đáy cốc rượu vang tràn đầy”, nhất là khi đang cao hứng. Song, hội vui mà cứ phải nơm nớp xem âm thanh đang phát ra đã là bao nhiêu decibel, thì mất hết cả vui. Vui ấy khác nào “vui là vui gượng kẻo là”, như nỗi niềm của nàng Kiều một thuở…

Mỗi cuộc vui đều có không gian và hoàn cảnh riêng. Nhưng để lời ca tiếng đàn bị gom thành “tiếng ồn” và lệch sang yếu tố “gây rối”, để địa phương phải lập tổ phản ứng nhanh đi lùng sục ngăn chặn..., thì cuộc vui đã biến tướng.

Có câu thơ da diết này của tác giả Ái Nhân, “tháng Giêng đi trẩy hội Lim/ đuổi theo câu hát đi tìm “Người ơi”…”. Nhưng đó là câu hát huê tình, nhân ngãi, người ơi người ở đừng về. Còn với những câu hát bất chấp thời gian, bất chấp tiếng ồn, hát để nộp phạt, hát ra án mạng… thì chữ “đuổi” phải được bỏ vào trong ngoặc kép vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đuổi" theo câu hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO