Đường dài văn nghệ học đường

XUÂN HIỀN 03/04/2022 07:41

Một câu lạc bộ âm nhạc do các em bậc THCS hình thành qua sự động viên của thầy cô, như một cú hích nhẹ để người lớn cùng ngẫm lại về hoạt động văn nghệ trong học đường lâu nay...

Những sân chơi văn nghệ cho trẻ em các lứa tuổi đã đến lúc cần phải được phục hồi. Ảnh: B.T
Những sân chơi văn nghệ cho trẻ em các lứa tuổi đã đến lúc cần phải được phục hồi. Ảnh: B.T

Ban nhạc tuổi hồng

Thời gian qua, anh Thanh Vận - thành viên Đoàn Ca kịch Quảng Nam tất bật tập luyện cho một nhóm nhạc. Nhóm này có điều đặc biệt là tất cả thành viên đều độ tuổi mới lớn và không có điều kiện để tham gia nhà văn hóa thiếu nhi hay bất cứ hoạt động thiếu nhi nào khác, ngoài trường học.

Câu lạc bộ (CLB) âm nhạc Trường THCS Lý Thường Kiệt (Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) ra đời trong lúc hoạt động văn nghệ cho thiếu nhi dường như bị chững lại, gián đoạn vì dịch bệnh. “Có lẽ, ở phạm vi trường học, đây là CLB âm nhạc của một trường THCS mà có sự đầu tư nhiều nhất ở tỉnh. Các em đều rất thích thú, say mê với sân chơi mới này” - ca sĩ Thanh Vận nói.

CLB âm nhạc Trường THCS Lý Thường Kiệt ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua. Thầy Nguyễn Viết Lai - Tổng Phụ trách nhà trường cho biết: “CLB âm nhạc Liên đội Trường THCS Lý Thường Kiệt ra đời với mục đích đem lại sự tiếp cận và trải nghiệm tích cực về âm nhạc cho học sinh của trường.

Thông qua các hoạt động thiết thực như học chơi các nhạc cụ, tham gia sinh hoạt ca múa hát, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm lẫn nhau, CLB âm nhạc thực sự là nơi để các em học sinh thư giãn sau giờ học căng thẳng; đồng thời rèn luyện thêm nhiều kỹ năng bổ ích và thẩm mỹ âm nhạc của mình”.

 Nhìn nhận việc ra đời CLB âm nhạc chính là tạo sân chơi bổ ích để các em tiếp cận, làm quen thể hiện khả năng của bản thân, những người trong cuộc còn mong từ đây, học sinh của vùng quê Núi Thành sẽ tự tin, sáng tạo thể hiện trước đám đông.

“CLB âm nhạc là hoạt động hấp dẫn mới lạ thu hút học sinh đón xem. Nhưng ở trường trung học chưa được chú ý tới và hầu như ít có trường thực hiện được vì rất hiếm bạn chơi thành thạo các loại nhạc cụ.

Bản thân là tổng phụ trách vừa kiêm giáo viên âm nhạc, nên ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, tôi đã chọn lựa các em có năng khiếu, hướng dẫn tập luyện hằng tuần, hằng tháng để đến thời điểm này CLB đủ chín để ra mắt” - thầy Nguyễn Viết Lai nói thêm.

Với 12 thành viên là những học sinh ở các khối lớp 7, 8, 9, các em được thỏa thích thể hiện khả năng của mình. Em Huỳnh Xuân Bình đam mê guitar, Lê Thành Danh chơi trống, Lê Nguyễn Bảo Ngọc có khả năng đánh organ, Nguyễn Thị Bích Hà có giọng vút cao...

Các em cứ vậy hòa nhịp cùng nhau, để tạo nên một ban nhạc có bài bản và kế hoạch rõ ràng. Sau lễ ra mắt, CLB âm nhạc Trường THCS Lý Thường Kiệt sẽ đi vào hoạt động theo định kỳ hằng tháng và các em sẽ được hỗ trợ để duy trì phát triển CLB từ thầy cô, những người yêu quý văn nghệ học đường tại địa phương.

Cần nhiều hơn sân chơi

Nhạc sĩ Văn Thu Bích - Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, hiện nay, văn nghệ cho tuổi thiếu nhi, đặc biệt ở lứa tuổi mới lớn đang có thực trạng vừa thừa vừa thiếu. Giới nhạc sĩ cần quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác và dàn dựng ca khúc phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa biểu diễn không nên để tái diễn tình trạng lợi dụng hình ảnh thiếu nhi để trục lợi.

Cần nhiều hơn sân chơi văn nghệ học đường. Ảnh: LQ
Cần nhiều hơn sân chơi văn nghệ học đường. Ảnh: LQ

Chính sự thiếu vắng ca khúc thiếu nhi phù hợp đã dẫn đến những khoảng trống và lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ. Chúng ta cũng đã biết, âm nhạc có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ.

Ca khúc cho thiếu nhi tuy đơn giản nhưng rất khó để gần gũi với các em. Trước hết, muốn viết ca khúc cho các em thì cần phải quan tâm nhu cầu thiết thực của các em, phải thật sự yêu quý tuổi thơ.

Dù Trung tâm Văn hóa Quảng Nam liên tục tổ chức các hoạt động văn nghệ, cuộc thi, liên hoan vào các dịp hè cho thiếu nhi, nhưng hình như lứa tuổi này vẫn đang bị thiếu sân chơi đúng lứa tuổi mình.

Nghệ sĩ Đặng Châu Anh - giảng viên âm nhạc, Giám đốc nghệ thuật Sol Art, nơi đang có rất đông thiếu nhi theo học thanh nhạc, cho rằng, ở địa phương hiện nay, các chương trình nghệ thuật, âm nhạc cho thiếu nhi còn rất ít.

“Nghệ thuật cho thiếu nhi lâu nay gần như chỉ tập trung phát triển tại những thành phố lớn, nơi có cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi. Còn lại, nếu có các dự án nghệ thuật thì cũng chỉ mang tính chất thời hạn, nghĩa là dự án kết thúc thì chương trình không còn.

Nên chăng các nhà sư phạm âm nhạc nghệ thuật, hoặc những người làm trong môi trường nghệ thuật cần tạo sân chơi hàng tháng, với các chủ đề khác nhau cho các em” - nghệ sĩ Đặng Châu Anh chia sẻ.

Khó để đặt trách nhiệm tạo lập sân chơi cho thiếu nhi về phía nhà trường hoặc chính quyền địa phương, bởi điều kiện sinh hoạt hiện nay rất khác. Trước khi xảy ra dịch bệnh, TP.Hội An và huyện Duy Xuyên là 2 địa phương có phong trào sinh hoạt văn nghệ thiếu nhi khá mạnh. Bởi chính sinh hoạt văn nghệ của các em cũng là điểm nhấn, đồng thời ở một góc độ nào đấy, lại là sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Đến thời điểm này, khi câu chuyện du lịch được xới lại, có lẽ những sân chơi cho thiếu nhi cũng cần thiết phải được sắp xếp trở lại. Ngoài những vùng đất trọng tâm cho câu chuyện hồi phục các hoạt động du lịch, một đời sống bình thường mới đang mở ra, thì cũng đồng nghĩa cần dựng lại những sân chơi, những hoạt động đúng nghĩa cho trẻ em ở các lứa tuổi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường dài văn nghệ học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO