Hai bài ngự chế của vua Tự Đức

02/12/2012 03:58

Được sự đồng ý của hậu duệ trực hệ của tộc Trần ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, chúng tôi tiếp tục giới thiệu 2 bài ngự chế (bài văn, thơ do nhà vua sáng tác) trong bộ tư liệu có liên quan đến ông Trần Hưng Nhượng và vua Tự Đức vừa phát hiện…

Đó là bài châm viết ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch năm Tự Đức thứ 6 (1853), còn bài thơ viết ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch năm Tự Đức thứ 12 (1859). Bài đầu là thủ bút (mực đỏ) viết kiểu chữ thảo của vua Tự Đức; bài sau kiểu chữ chân (mực đỏ) được khắc in, có thể rập khắc từ thủ bút nhà vua. Cả hai bài đều thể hiện trên nền giấy điệp vàng có viền đặc biệt và đều được đóng đấu “Tự Đức thần hàn” - con dấu đặc biệt được đúc từ sau ngày ông vua này lên ngôi - dùng để đóng xác nhận vào các văn bản do chính tay nhà vua soạn thảo và cho ban hành. 

alt
Bài “Quan châm”.

1. Về bài châm viết năm 1853 (phiên âm Hán Việt):

Quan châm 

(tập cổ dĩ hạ):

Xuân khí bất khả ly khẩu; xuân diệp bất khả ly thủ.
Công thằng bất khả vô; tư thằng bất khả hữu.
Duy tư thanh thận cần, công tư đa tại đãi.
Bột  liêm châm:
Bất ngữ quai khí, bất thụ sủng hóa.
Hiền nhi đa tài tắc tổn kỳ chí; ngu nhi đa tài tắc ích
kỳ quá.
Sủng khinh thuật tàn tắc phi liêm khinh
Di tử hoàng kim mãn doanh bất như nhất kinh

Phỏng dịch nghĩa:
Khuyên kẻ làm quan
(Trở xuống là tập cổ)
Miệng phải nói lời thơm tho; tay phải làm điều tốt đẹp. Sự ràng buộc của việc công không thể không có. Đừng để việc riêng tư ràng buộc mình. (Luôn) nghĩ đến (sống) thanh liêm, cẩn trọng, cần mẫn (trong công việc) thì cả công tư đều theo (đúng chỗ) như thế (mà làm)!

alt
Bài “Nguyên nhật tứ yến thị quần thần”.

(Thốt nhiên làm) bài châm (nói về) sự liêm chính:
Không nói điều trái ngang; không nhận của cải (để mong) cầu thân. Người hiền mà nhiều của cải sẽ hao tổn chí khí; kẻ ngu mà nhiều của cải sẽ thêm điều lỗi lầm.
(Được) ưu ái chưa đủ, noi theo (gương tốt) còn thiếu sót; (không phải vì thế) mà xem nhẹ chữ liêm.
Để lại cho con vàng đầy rương không bằng (để lại cho con) một quyển sách.
Bài này được ban tặng cho ông Trần Hưng Nhượng (Báo Quảng Nam đã giới thiệu trong 2 bài: “Tư liệu quý về vị quan trải 3 triều vua” và “Bài thơ đặc biệt từ tư liệu quý”). Vào thời điểm này, ông Nhượng đang có quan hàm Trung Thuận đại phu, giữ chức Lang trung tại bộ Hộ, đảm nhận nhiệm vụ Thanh sứ  tại Ty Thanh Lại Nam Kỳ (sứ thần thừa lệnh nhà vua đi thanh tra để giữ sự thanh liêm cho quan lại các tỉnh phía nam Kinh thành).

Tự Đức là ông vua đọc nhiều sách xưa. Trong bài châm đầy ngụ ý khuyên răn này, ông vua hay chữ đã tập cổ (lấy câu chữ của người xưa thay đổi nhiều ít) để nêu châm ngôn cho quan lại thời ông cai trị. Vì thế, ta gặp nhiều câu trong sách Hán thư của Ban Cố: “Hoàng kim mãn doanh, bất như giáo tử nhất kinh; Tứ tử thiên kim bất như giáo tử nhất nghệ. Chí lạc mạc như độc thư, chí yếu mạc như giáo tử”, hoặc của Sớ Quảng: “Hiền nhân đa tài tắc tổn kỳ chí; ngu nhân đa tài tắc ích kỳ quá”...
2. Về bài thơ viết năm 1859 (phiên âm Hán Việt):
Nguyên nhật tứ yến thị quần thần
Niên kế do trường thủy tự xuân
Sơ diên tứ thiết phổ thần lân
Hạnh bàn tiêu tửu hương hà đạm?
Khúc nghiệt diêm mai ý tố thân!
Tôn trở tọa trù khôi thượng lược
Can thành hãn vệ tĩnh biên trần
Giao tình chỉ tại vô ngôn xử
Cộng tán hoàng du nhật nhật tân!

Phỏng dịch nghĩa:
Ngày đầu năm bày tiệc đãi quần thần
Năm đến dài (ngắn) đều khởi từ mùa xuân.
(Nay) bắt đầu bày tiệc (cùng vui) với quần thần (gần gũi)
(Trên) bàn tiệc vui vẻ (xem thử) hương rượu hồ tiêu đậm nhạt thế nào?
(Trong) men rượu (nồng nàn) nhấm với trái mơ (muối), tình ý (mọi người) càng thêm thân.
Nâng chén rượu lên (lòng phải) luôn suy nghĩ những phương kế tốt nhất (để giúp nước).
Nghĩa vụ của kẻ bề tôi (giữ gìn xã tắc) là phải biết chống giữ (cho) đất nước yên ổn.

Mối giao tình (giữa vua tôi) không cần nói ra mới thấu hiểu.

Hãy cùng nhau giúp rập cho triều đình - đất nước ngày càng thêm yên ổn, mới mẻ, tiến bộ.

Bài thơ này được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt. Sách “Việt Nam sử lược” (của Trần Trọng Kim) chép: “Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858) là năm Tự Đức thứ 11, trung tướng hải quân nước Pháp là Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu Y Pha Nho cả thảy 14 chiếc, chở hơn 3.000 quân của hai nước vào cửa Đà Nẵng, bắn phá các đồn lũy, rồi lên hạ thành An Hải và thành Điện Hải” (sách đã dẫn, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, năm 2005, trang 481). Triều đình Huế đã liên tiếp cử các ông Đào Trí, Trần Hoằng, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, Chu Phúc Minh... đem quân đến Đà Nẵng chống cự. Quân Pháp bị đẩy lùi về vùng bán đảo Sơn Trà và ở đấy đến đầu năm sau (tháng giêng năm Kỷ Mùi, 1859) mới đem quân vào đánh Nam Kỳ. Trong đợt chống cự này, quân dân Quảng Nam tổn thất rất lớn; trong đó Tổng thống đại thần hữu quân Lê Đình Lý (người Bình Định) trúng đạn rồi hy sinh. Vì lẽ đó, theo ghi chép của sách Đại Nam thực lục (Đệ tứ kỷ, quyển XX) vào đầu xuân 1859, vua Tự Đức  ban thưởng cho toàn bộ quân thứ người Quảng Nam.

Việc ông Trần Hưng Nhượng, người Quảng Nam, được nhà vua ban cho bài thơ “Nguyên nhật tứ yến thị quần thần” có lẽ là vào dịp đó. Lúc ấy, ông Hưng Nhượng đang được triều đình chuẩn bị điều bổ làm Án sát sứ tỉnh Lạng Sơn - một vùng “biên trấn” cũng đang rất rối ren.

Một lần nữa, tại địa phương Quảng Nam, tìm thấy một văn bản thể hiện tâm sự của vua Tự Đức trong hoàn cảnh nguy nan của đất nước lúc bấy giờ. Các câu thơ “Tôn trở tọa trù khôi thượng lược” (phải suy nghĩ làm thế nào để có một sách lược tốt nhất trong hoàn cảnh giặc xâm lăng), “Can thành hãn vệ tĩnh biên trần” (kẻ bề tôi của triều đình phải đem hết sức ra chống đỡ để giữ yên cõi bờ) đã nói lên sự lo lắng tột bậc của nhà vua trong ao ước “Cộng tán hoàng du nhật nhật tân” (để cùng chung vai gánh vác cho đất nước ngày càng yên ổn, tốt đẹp, mới mẻ).

Hai văn bản thể hiện nhiều mối lo toan của người xưa! Việc gia tộc Trần thôn Khương Mỹ cho tiếp cận, nghiên cứu, khảo chứng và giới thiệu 2 bài ngự chế nêu trên đã cho thấy sự quan tâm của người dân địa phương về những vấn đề của lịch sử có liên hệ. Cố gắng của gia tộc đã giúp chúng ta, thêm một lần nữa, hiểu cụ thể về người và việc - không chỉ ở địa phương Quảng Nam mà còn ở tầm cả nước -  trong giai đoạn đầy khó khăn dưới triều vua Tự Đức.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai bài ngự chế của vua Tự Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO