Khắc khoải tiếng quê hương

ANH QUÂN 23/01/2022 15:30

(QNO) - Với dải đất miền Trung nói chung, Đất Quảng nói riêng, do hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội… nhiều người con ra đi về phương Nam sinh cơ lập nghiệp, phần đông trụ lại đất Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. 

Một khoảng cách địa lý không quá xa, một điều kiện sống không quá khó khăn… để trở về mỗi khi có thể, nhưng trong tâm thức mỗi người con xa quê luôn khắc khoải một quê hương hiển hiện đêm ngày. Trong nỗi niềm chung ấy, những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… quê Xứ Quảng luôn trỗi dậy những xúc cảm riêng mình, để rồi họ trải lòng trên trang viết.

Những nỗi niềm ấy tập hợp thành món quà nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021)và 25 năm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2022): “Đất Quảng - quê hương trong trái tim” (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

 

Tiếng quê hương ấy, tùy theo cách thể hiện của mỗi người, nhưng tựu trung là những cảm xúc thân thương gắn liền với quê nhà hoặc những tìm hiểu về mảnh đất, con người Xứ Quảng.

Đó là hương thị tỏa thơm trong từng trang viết của Nguyễn Nhật Ánh: “Sau  này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, “ngoái đầu thương dĩ vãng”. Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỷ niệm… Tôi đã đem những quả thị về nhà, đặt trên bàn viết để bồi hồi nghe hương thơm tuổi thơ quấn quýt và nghe quá khứ thao thức vọng về.” (Cây trái quê nhà).

Đó là những mảnh ký ức về quê hương qua từng câu chuyện kể của mẹ trong “Có một mảnh Quảng Nam giữa Sài Gòn” của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc: “Mẹ tôi luôn có vô vàn chuyện để kể, chuyện dài chuyện ngắn, chuyện vui chuyện buồn, chuyện làng Bảo An quê mẹ làng Phú Bông quê cha… Mẹ cần kể, như là cách để sống thêm lần nữa những gì mẹ đã sống, đã từng trải, đã mất đi. Mẹ cần chia sẻ cảm xúc, khoảnh khắc, hồi ức đó với người khác…”. Và “những chuyện kể ấy cứ đi thẳng vào tim, ngủ lại trong đó, rồi lớn lên cùng tôi theo năm tháng. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu tâm hồn mỗi con người được bồi đắp từ những mẩu chuyện, những câu nói, những cảm xúc vô cùng bé nhỏ, để hình thành tính cách và bản ngã cá nhân, một cách không hề chủ định”.

Hay khi đi chợ Bà Hoa - chợ Quảng giữa TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Xê “mua cái nhớ mang về”: “Tôi tìm đến chợ này để nguôi nỗi nhớ tết quê, ngờ đâu lại mang về thêm cái bâng khuâng sống lại những xao xuyến xa xưa mỗi dịp xuân về. Cái nhớ nằm chờ trong hạt mè của chiếc bánh tổ, trong vị nồng lát mứt sớm xuân thức giấc bên chén trà. Cái nhớ bám theo từng bước tìm về xuân xưa qua các quầy hàng nhắc nhớ ngày thơ” (Đi mua cái nhớ mang về). Rồi Bùi Nguyễn Trường Kiên nửa thế kỷ trôi qua vẫn không quên những giọt nước sông quê ngọt lành mẹ múc bằng chiếc nón lá: “Mẹ lẹ làng lấy chiếc nón lá trên đầu xuống, chao vài lần xuống dòng nước xanh, rồi múc lên một nón nước đầy. Thật lạ, lần đầu tiên tôi thấy nước của con sông quê mình sao mà ngọt lành thơm mát đến như vậy. Những ngụm nước mát trôi dần vào cơ thể, thoang thoảng mùi hương từ mái tóc mẹ. Đã hơn năm mươi năm, đã từng nhiều lần khát cháy và thèm nước, nhưng dường như chẳng bao giờ tôi thấy nước ngọt, ngon, thơm như lần được uống nước của con sông quê từ chiếc nón lá của mẹ”. (Nơi ấy, trái tim tôi).

Quê hương không chỉ là con sông, đồng làng… mà còn là góc phố, con đường, hàng cây… chứa đầy kỷ niệm. Bên cạnh vóc dáng đô thị hiện đại với khái niệm mới “thành phố những cây cầu”, Đà Nẵng trong ký ức mỗi người xa quê là những bãi biển sóng vỗ dịu dàng, tiếng mưa rơi trong ký ức và hiện tại… “Đà Nẵng, nơi này đã cho tôi những cảm xúc ban mai đầu đời. Nhớ nhất vẫn là những buổi sáng vào tháng Chín, trời có mưa. Mưa dịu nhẹ. Mưa tầm tã. Khoác áo mưa đi học. Một cái lạnh dễ chịu và luôn gợi lên cảm xúc thanh bình, yên ả. Còn nhớ những buổi sáng sớm, được ngồi sau yên xe đạp, được người cha chở ra tắm ở bãi biển Thanh Bình. Tiếng sóng vỗ âm vang trong trí nhớ non nớt của cậu học trò lên năm lên bảy, nay, vẫn còn vang vọng mãi. Tiếng sóng biển trong đời thực lẫn trong giấc mơ” (Lê Minh Quốc - Âm điệu gió sông Hàn)… “Rồi hôm nào Sài Gòn trở gió hiu hiu, tôi nhớ những ngày mưa Đà Nẵng. Cơn mưa dầm dề kéo từ ngày này sang ngày khác, nước cứ gõ tí tách rồi rào rào trên mái, nghe từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng, đến đỗi tôi thấy quen thuộc với cơn mưa và có cảm giác cả thế giới làm thành mưa, sống trong mưa. (Hồ Khánh Vân - Có một tuổi thơ không thể di cư).

Đất và người Xứ Quảng cũng hiện lên trong những bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu… với những góc nhìn khác nhau. Đó là sự nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng cũng thật sâu lắng của Nguyễn Nhật Ánh (Đông Phương Sóc): “Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru. Chất giọng đó đã ngấm qua bao mưa nắng, trải qua bao bão giông của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến hôm nay. Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình. Nó là một giá trị phi vật thể, không phải để tổ chức UNESCO công nhận mà để những người Quảng tự hào như một tấm “căn cước tinh thần” mà mình mang theo suốt cả đời người. Có thể nói, giọng Quảng là một phần của văn hóa Quảng” (Về giọng nói ở một nơi không có xe lam).

Hay cách viết rặt chất Quảng của Vu Gia về một người Xứ Quảng: nhà văn, nhà báo Phan Khôi trong bài “Người Việt Nam đầu tiên viết thi thoại”: “Phan Khôi là người Việt Nam đầu tiên viết thi thoại, nhưng qua Chương Dân thi thoại, tôi thấy việc làm này của ông là muốn cảnh báo với những ai không có tài, chẳng có chí, chữ nghĩa đựng không đầy lá mít, nói bắt quờ dăm ba câu cũng gọi là thơ và bắt mọi người công nhận là thơ đến nỗi “Cả nước như đã thành ra một cái “vô hình thi xã”!”, thì nên… quên đi!”.

Hoặc như Lý Đợi nhìn nhận một cách lý trí, rạch ròi trong bài “Người Quảng trong ý niệm”: “Khi nói người Quảng, thì có mấy kiểu người Quảng? Ít nhất, cũng có 3 kiểu: 1) sinh ra ở xứ Quảng, lớn lên thành người Quảng; 2) Sinh ra ở nơi khác, đến xứ Quảng sinh sống, hoặc kết hôn, hoặc chơi với người Quảng lâu quá, rồi thành người Quảng; 3) Người Quảng trong các ý niệm trừu tượng.

Các bài nghiên cứu, sáng tác, sách báo viết về xứ Quảng cũng là viết về người Quảng trong các ý niệm như vậy. Và coi bộ, đây mới là phần lý thú nhất, gây cấn nhất…”. Tác giả đúc kết, nhưng cũng là mở ra một cách rất Quảng: “Trong bài Thị đồ (Chỉ cho học trò), Tuệ Trung Thượng Sĩ viết: “Niệm khởi, tâm tâm khởi/ Tâm vong, niệm niệm vong”. Tạm hiểu: Một ý niệm nổi lên, thì mọi tâm tướng cũng sẽ nổi lên/ Một tâm ý mất đi, thì mọi ý niệm cũng sẽ mất đi. Cho nên, khi tâm tướng về người Quảng vẫn còn được bàn luận cho đến ngày nay, có lẽ vì ý niệm vẫn còn khởi đấy thôi”.

Đó cũng là lối mà “Đất Quảng - quê hương trong trái tim” mở ra để mỗi người con xa xứ quay về nguồn cội trong tâm thức của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc khoải tiếng quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO