Khó khăn bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Co

NGUYỄN QUỲNH - PHAN HẢI 26/04/2023 09:32

(QNO) - Cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) hoạt động chật vật dù địa phương nỗ lực bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống này. 

Nhà rông ở mỗi bản làng là nơi để người đồng bào Co sum họp múa cồng chiêng. Ảnh: Q.H
Nhà rông đồng bào Co sum họp múa cồng chiêng. Ảnh: Q.H

Chúng tôi đến tìm đến nhà già Nguyễn Văn Hồng (SN 1950, thôn Phú Tân, Tam Trà) - chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng xã Tam Trà. Già Hồng đón khách bằng bộ trang phục của đồng bào Co. Gia đình ông hiện đang sở hữu một bộ cồng chiêng và chiếc trống.

Già Hồng trải lòng, cồng chiêng gắn liền với đời sống người Co từ thời kỳ Pháp thuộc, mỗi gia đình có ít nhất 1-2 bộ, có nhà 4-5 bộ, nhà nào nhiều bộ cồng chiêng thuộc diện giàu có của làng.

Thời kỳ Pháp thuộc, mỗi gia đình đồng bào Co sở hữu ít nhất 1 - 2 bộ cồng chiêng. Ảnh: Q.H
Trước đây nhà của đồng bào Co xã Tam Trà thường sở hữu 1-2 bộ cồng chiêng. Ảnh: Q.H

Tuy nhiên đến khi chiến tranh xảy ra, cồng chiêng đã bị tàn phá và thất lạc. Mặc khác, thời buổi kinh tế khó khăn, một số người đồng bào mang lên Trà My đổi muối, đài radio và các sản vật khác về dùng trong gia đình.

Cộng đồng người đồng bào Co đều biết chơi nhạc cụ dân tộc này và thường biểu diễn vào dịp múa cheo từ tháng 4-8 âm lịch hằng năm. Đây cũng là thời điểm  đồng bào Co vào mùa tỉa lúa rẫy, lấp lỗ và làm lễ mừng cầu bông lúa. 

Lễ hội cúng cheo thường được tổ chức ở nương rẫy với các lễ vật gồm có heo và 12 con gà, cả làng cùng sum họp để cúng và múa cồng chiêng cầu mong ông trời, thần thánh cho được mùa màng bội thu.

Già làng Hồng biểu diễn điệu nhảy cồng chiêng truyền thống. Ảnh: Q.H
Già làng Hồng biểu diễn điệu nhảy cồng chiêng truyền thống. Ảnh: Q.H

Già Hồng biết chơi nhạc cụ cồng chiêng khi 10 tuổi, lúc đó cha ông hay dẫn đi theo tập luyện ở khắp bản làng. Lên 18 tuổi, ông vừa chơi cồng chiêng vừa tham gia hoạt động cách mạng bảo vệ bí mật của bộ đội.

"Cồng chiêng ở xã Tam Trà khác với các vùng Nam Trà My và Bắc Trà My về âm điệu vì cồng chiêng của người Co là thanh La. Chiếc chiêng không có núm, khi biểu diễn sẽ đánh mặt trong của chiếc chiêng. Cây dùi để đánh chiêng được làm từ loại gỗ mềm, dẻo rất hiếm, giống kiền kiền có màu trắng, được khai thác ở núi cao, về chẻ một đầu để đánh chiêng không bị vỡ" - ông Hồng chia sẻ.

Người đồng bào Co gõ mặt trong của chiếc chiêng. Ảnh: Q.H
Đồng bào Co gõ mặt trong của chiếc chiêng. Ảnh: Q.H
Hiện, Tam Trà có khoảng 600 - 700 hộ gia đình sinh sống ở 3 thôn Tứ Mỹ, Phú Tân, Phú Thọ nhưng chỉ còn 10-12 bộ cồng chiêng được làm từ đồng đen rất quý hiếm. Nhiều gia đình cất giữ cẩn thận xem như "bửu bối" trong nhà. 

Cồng chiêng không có lời nhạc, chỉ dùng cùng với điệu múa. Lễ hội múa cồng chiêng có 4 người với 4 chiếc chiêng và 1 cái trống, gồm 8 nữ hoặc 12 nữ, còn nam thì khoảng 60-70 người già, trẻ. 

Câu lạc bộ cồng chiêng đồng bào Co gồm 15 thành viên. Ảnh: V.P
Câu lạc bộ cồng chiêng đồng bào Co gồm 15 thành viên. Ảnh: V.P

Năm 2022, Hội Người cao tuổi xã Tam Trà đã thành lập CLB cồng chiêng, với 15 thành viên cả nam lẫn nữ và mời già làng trưởng bản đứng ra làm cầu nối để tổ chức sinh hoạt múa cồng chiêng.

Cùng với đó, hội còn mua sắm đồng phục, cồng chiêng cho CLB. Mỗi tháng, CLB sẽ tổ chức sinh hoạt múa cồng chiêng một lần ở nhà rông của mỗi bản làng. Cạnh đó, họ còn biểu diễn vào mùa thu hoạch lúa rẫy hoặc các sự kiện do địa phương tổ chức. 

Biểu diễn điệu nhảy cồng chiêng truyền thống. Ảnh: Người dân cung cấp.
Biểu diễn điệu nhảy cồng chiêng truyền thống. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Túy - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tam Trà cho biết, ở địa phương, thanh niên phụ nữ phải làm nương rẫy, đi làm công nhân xa nhà. Thêm vào đó, giới trẻ cũng ít thích thú với nhạc cụ dân tộc này nên việc huy động người để truyền dạy cồng chiêng rất khó khăn. 

Vì vậy để truyền cảm hứng âm nhạc cồng chiêng cho giới trẻ, ông Túy cùng với các thành viên CLB họp bàn nhiều lần và thống nhất lồng ghép những bài hát về Tây Nguyên vào điệu nhảy cồng chiêng.

"Nhờ kết hợp đưa giai điệu vui nhộn vào cồng chiêng mà giới trẻ trở nên yêu thích hơn xưa, chứ không thể để mãi theo điệu múa cheo sẽ gây nhàm chán. Nhưng khó nhất là kinh phí hoạt động còn khá eo hẹp" - ông Túy nói.

Còn ông Đỗ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết, trước đây huyện Núi Thành từng khôi phục lại nhạc cụ cồng chiêng, nhưng nuôi dưỡng duy trì hoạt động thường xuyên không đơn giản chút nào.

 "Năm 2019, chính quyền xã có làm văn bản đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí mua trang phục, cồng chiêng cho các thôn có đồng bào Co sinh sống, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy phản hồi" - ông Tùng nói.

[VIDEO] - Già làng Hồng biểu diễn điệu nhảy cồng chiêng:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Co
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO