Làm gì cho sân chơi văn học thiếu nhi xứ Quảng

ĐẶNG TRƯƠNG 01/06/2021 15:54

(QNO) - Từ những sân chơi văn học thiếu nhi hiếm hoi được tổ chức trong những năm trước đây đã hé lộ những mầm xanh văn học có triển vọng, hứa hẹn những bước đi xa hơn trong khu vườn văn học - nghệ thuật của tuổi thơ đất Quảng. Tuy nhiên, để các em có thể tự tin và say mê bước đi tiếp trên chặng đường dài phía trước… thì còn rất nhiều việc phải làm từ phía gia đình, nhà trường và những người có trách nhiệm trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật của tỉnh…

Văn học với trường học.
Buổi tọa đàm văn học "Nhà văn và bạn đọc" giữa các nhà văn, nhà thợ Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam với học sinh trường PTTH chuyên Nguyễn Bình Khiêm.

Tôi nhớ cách đây đúng 22 năm, lần đầu tiên sau ngày chia tách tỉnh, vào mùa hè năm 1999, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung đã đứng ra phối hợp cùng Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Sở Giáo dục - đào tạo Quảng Nam mở trại sáng tác văn học - nghệ thuật (có cả hội họa và thơ văn) cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở toàn tỉnh.

Là lần đầu tổ chức, cùng với khí thế rạo rực trong buổi đầu chia tách tỉnh và có lẽ cũng do sức hấp dẫn của việc được hội tụ tại trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ, cùng ăn, cùng ở, cùng đi thực tế các phong cảnh, di tích lịch sử và sáng tác… nên số lượng trại viên được các địa phương cử về khá đông. Lần ấy, sau khi chấm chọn sáng tác thu hoạch được, nhà văn Nguyễn Bá Thâm - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, người rất chú tâm tạo điều kiện để tổ chức các sân chơi văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi xứ Quảng đã phấn khởi bảo rằng: "Rõ ràng, xứ Quảng chúng ta đang có một lực lượng không nhỏ các em học sinh có năng khiếu về văn học - nghệ thuật. Nếu có điều kiện tốt, tôi tin rằng trong tương lai, khu vườn văn nghệ của ta không thiếu những tài năng…".

Còn nhà thơ Phùng Tấn Đông, sau khi đọc bài thơ Bà ơi của cô bé “hạt tiêu” Trương Như Quỳnh, học sinh tiểu học huyện Quế Sơn sáng tác, nằm trong chùm thơ đoạt Giải A của em dịp đó, đã khẳng định: "Cô bé này nếu được chăm chút, bồi dưỡng thêm, tương lai sẽ là một cây bút thơ triển vọng…".         

Đến bây giờ, bài thơ Bà ơi ấy của “hạt tiêu” Như Quỳnh, tôi vẫn còn nhớ bởi những câu thơ rất đỗi hồn nhiên mà đáng yêu biết bao.

“Mùa đông năm ngoái/ Lạnh cóng thịt da/ Nằm trong lòng bà/ Ấm như lò sưởi/ Ơi chuyện cổ tích/ Chuyện gì cũng thích/ Cô tấm, Thạch Sanh/ Ở hiền gặp lành/ Ở ác gặp dữ/ Mùa đông năm nay/ Bà không còn nữa/ Dù trong bếp lửa/ Hay cuộn trong chăn/ Chẳng đâu ấm bằng/ Có bà bên cạnh”... Trương Như Quỳnh bây giờ đã là một bác sĩ sản khoa và giấc mơ văn chương được ấp ủ từ những ngày thơ bé ấy cũng đã xa ngái tầm tay…

Nhắc nhớ lại câu chuyện này tôi muốn khẳng định hai điều.

Thứ nhất, đâu đó trong các em nhỏ trên những miền quê xứ Quảng, luôn có những “hạt mầm” văn thơ rất lạ kiểu cô bé Trương Như Quỳnh ngày nào hay như nhiều gương mặt thơ, văn có tố chất được phát hiện từ hoạt động dạy và học văn ở nhà trường và đăng tải trên Tạp chí Đất Quảng. Như Văn Trần Nhã Trúc - trường THCS Quế Xuân, huyện Quế Sơn quyến rũ người đọc bằng truyện ngắn đoạt Giải A một cuộc thi truyện ngắn thiếu nhi “Cổ tích hoàng tử gió” với những đoạn văn như: “Mùa thu…Trời xanh trong, những đám mây xốp trắng lững lờ trôi nhè nhẹ, mặt nước không một gợn sóng, mùi hoa sữa nồng nàn, lá cây ngả màu vàng cuốn nhẹ theo làn gió... Gió. Cảm giác thật thân thuộc quá! Tôi đưa tay lên, gió luồn qua từng ngón tay, bất giác nắm tay lại, rồi nhìn vào lòng bàn tay… Không có gì cả… Luôn là vậy, không thể nhìn thấy, không thể nắm bắt, nhưng dễ dàng cảm nhận được, là gió!...”.

Lê Mai Nhật Uyên - trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Phú Ninh với tùy bút Giải A cũng tại cuộc thi lần đó: “Ước mơ từ những ngày mưa” hay Bnuoch Thị Nhung - trường THCS bán trú Nguyễn Bá Ngọc, huyện Tây Giang với chùm thơ “Tình yêu bao la”, “Giọt mồ hôi và nước mắt của mẹ” - có những câu thơ rất đỗi bình dị mà tràn đầy yêu thương “…Mồ hôi mẹ rơi xuống đất/ Như tưới cây Haroo/ Cho nên mỗi năm nào/ Haroo cũng tốt tươi…”. Rồi Nguyễn Thị Thúy An - trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Phú Ninh với truyện ngắn “Lời hứa”.

Và nhiều nhiều gương mặt khác nữa. Vì thế, chỉ cần tổ chức những cuộc thi hay trại sáng tác thơ văn… là có thể phát hiện ngay những “nhân tố” tích cực của khu vườn văn học tuổi thơ đất Quảng.

Thứ hai, khi phát hiện được rồi, biết khả năng văn học của các em rồi và đồng thời cũng ghi nhận bằng những giải thưởng mang tính động viên những nỗ lực sáng tác văn học ấy rồi… thì bước tiếp theo nên làm gì để “nuôi dưỡng” những “hạt mầm” này cho xanh tươi, căng tràn nhựa sống, gieo vào lòng các em niềm tin yêu đối với văn học, giúp các em đi tiếp với bầu trời đầy mộng mơ, khát vọng, dịu dàng đằm thắm mà chan chứa ý nghĩa nhân sinh cuộc đời.

Thật ra, để hướng các em toàn tâm, toàn ý theo đuổi ước mơ chữ nghĩa văn chương không hề đơn giản mà lắm nghiệt ngã chông gai thì rõ là khó. Cuộc sống đang từng ngày, từng giờ đặt các em và các bậc phụ huynh trước những lựa chọn chính xác cho tương lai, cho cuộc đời các em sau này, mà rõ ràng văn chương thơ phú chỉ là những chọn lựa cuối cùng hay đơn thuần chỉ thoáng qua trong suy nghĩ rồi rơi tụt đâu đó giữa vô vàn những dự định được đặt ra. Vì thế, đôi khi những điều ta muốn cũng đành gác qua, để lại, trước thực tế đang hiện hữu.

Vậy thì chỉ còn có cách hãy nương theo cơn gió nhẹ có mang chút hương hoa thoang thoảng “hơi hám” văn chương để vỗ về những giấc mơ ngọt ngào đang “manh nha” trong cuộc đời thơ trẻ các em.

Hầu như các vị trong ban giám khảo chấm tác phẩm văn học thiếu nhi ở bất cứ cuộc thi dành cho lứa tuổi này khi được hỏi, đều có chung cảm xúc: vui mừng, bất ngờ, thú vị trước các sáng tác của các em, nhất là những trang văn xuôi. Ít ai ngờ được, bằng tuổi ấy mà các em đã có những suy nghĩ chín chắn, sâu sắc, trí tưởng khá bay bổng, đầy màu sắc con trẻ được thể hiện bằng lối hành văn, cấu trúc văn mạch lạc, trôi chảy, cuốn hút người đọc như thế.

Nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam cũng hết sức trăn trở với điều này, anh cho rằng, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cần thiết nên mở những hướng đi nhằm “nuôi dưỡng” những hạt mầm văn chương xứ Quảng. Đó là, động viên các em viết bài và đăng trên mục “Văn học - Học văn” của Tạp chí Đất Quảng. Xem như các em là những “đứa con nuôi” của Hội và là yếu tố chủ thể của mục này. Cùng với đó, ở mỗi địa phương, hội chủ động gởi cho các hội viên tại chỗ có sự quan tâm, theo dõi, động viên và tiếp nhận, chỉnh sửa sáng tác của các em, giúp các em tự tin, chững chạc hơn trong sáng tạo văn học. Đồng thời, tăng cường mở trại sáng tác văn học thiếu nhi vào mùa hè hằng năm để các em có sân chơi thể hiện khả năng văn học của mình… Những hướng đi này có lẽ cũng là khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện tại và cả trong điều kiện thực tế của Hội Văn học - nghệ thuật.

Hy vọng rằng, những “hạt mầm” văn học xứ Quảng sẽ vượt lên khó khăn, trở ngại của bản thân, của môi trường xung quanh để có thể ấp ủ giấc mơ văn chương đang nảy mầm trong tâm hồn mình. Vâng, chúng ta sẽ vẫn phải hy vọng và chờ đợi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm gì cho sân chơi văn học thiếu nhi xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO