Ngẫm đôi chút về chữ lễ

NGUYÊN ĐỨC 07/08/2022 06:06

Dư luận những ngày qua bàn tán về hình ảnh một giáo chức lớn ăn mặc như bậc truyền giáo, với quyền trượng cầm tay uy nghi trong một buổi lễ tốt nghiệp đại học, với bình luận “thất lễ”. Nhiều người giật mình nhận ra, dáng dấp nghi lễ như vậy cũng đang và sẽ lan tỏa trong cuộc sống, nếu người ta không nhận thức đúng về lễ.

Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín thường được đưa vào tranh chữ - ảnh minh họa. Ảnh: internet
Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín thường được đưa vào tranh chữ - ảnh minh họa. Ảnh: internet

Những quy tắc

Nhiều người cho rằng khái niệm lễ thuộc về Đông phương, bởi quan niệm về nhân luân “tam cương ngũ thường” nằm trong triết lý Nho giáo. Ngũ thường của người xưa, là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, trong đó nhân là tiền đề, gốc gác cho nền tảng đạo đức xã hội con người, lễ là biểu hiện cho hành vi nhân, còn nghĩa, trí, tín là những hình thức thực hành của nhân. Lễ, vì thế đóng vai trò như sợi dây ràng buộc, khắc chế, phân phối những hoạt động của nghĩa, trí, tín trong quá trình thực hành đức nhân.

Chữ lễ, 禮, được chiết tự với hai hình thức nghĩa. Ban đầu, trong Giáp cốt văn, chữ lễ vẽ hình một cái bát đựng thức ăn, bên trên để hai chuỗi ngọc quý. Hành động đó miêu tả cách thức dâng cúng thần linh của các thầy cúng: dùng thức ăn ngon và vật dụng quý báu để dâng lên, hiến tặng và cầu xin thần linh. Lễ, nghĩa sơ khai chính là cung cách cúng bái. Về sau, chữ Hán thêm bộ kỳ (示, cầu cúng, thần linh) để làm rõ thêm chữ lễ.

Nghĩa thứ hai của chữ lễ, không còn là tượng hình mà là theo phép hội ý. Đó là chữ lễ gồm bộ kỳ bên trái, tổ hợp chữ khúc (曲, điệu nhạc) ở trên, bộ đậu    (豆, khuôn đậu, thức ăn) ở dưới, nghĩa là tấu nhạc và dâng thức ăn lên thần linh. Nghĩa chữ lễ, như thế càng rõ hơn: soạn nghi thức xong, tấu nhạc và dâng thức ăn lên thần thánh, ấy là thực hành lễ.

Với cách diễn tả này, mấu chốt của chữ lễ, là thái độ của người thực hành phải đúng với lễ nghi. Bộ kỳ diễn tả lối nhìn vào sự việc, chính là quy tắc để làm lễ. Phải đúng quy tắc thì mới là lễ. Mà quy tắc ấy, là “tấu nhạc mới dâng trà”, một cách thể hiện tuần tự rõ ràng. Nhạc phải đúng nhạc, thức ăn phải đúng thức ăn, và sự giám sát theo dõi ấy cũng phải tuân chuẩn theo mẫu mực, không thể phiên phiến cẩu thả và lại càng không thể “đi quá lễ”.

Khái niệm “đi quá lễ” này rất quan trọng. Bởi người ta thường nhìn nhận hành động của một ai đó là “vô lễ” (無 禮), nghĩa là không đúng với nghi thức lễ, vi phạm và làm sai lễ. Kẻ không biết lễ, là vô lễ. Nhưng, có những người vì quá chăm chút vào thực hành lễ, quên đi tiêu chí quan trọng của lễ là phải tuần tự đúng quy tắc, nhất là phải đúng lễ.

Phẩm trật thứ bậc của con người đến đâu thì lễ đến đó. Một người nông dân lại dùng lễ Tam Công của nhà quyền quý mà cúng bái, một người chồng mà bắt vợ phải cung kính nghiêm chỉnh với mình như với cha mẹ, đều là “đi quá lễ”, là “thất lễ” (失 禮). Thất là đánh mất, làm sai. Vô lễ là bởi thiếu hiểu biết, người ta có thể cười chê; nhưng thất lễ lại là hiểu biết sai, người ta khinh thường.

Thực hành sao cho đúng

Thực hành lễ, chính là phải soi xét cho kỹ, mình đang ở vị thế nào, tư cách gì, chuẩn mực của những hành vi theo đó ra sao, thì mới làm đúng lễ. Dân gian có câu, “phú quý sính lễ nghĩa”, là ứng với điều này. Sính (聘, học hỏi) ở đây được hiểu theo nghĩa chạy theo, bắt chước, thêu dệt nên vấn đề để thể hiện ra, hàm nghĩa hình thức, giả dối, thậm chí sai lệch nhầm lẫn vì hiểu sai, làm sai.

Ví dụ nhiều người từ bình thường nghèo khó, lễ sao cũng được, khi may mắn có được chút thành tựu giá trị, lập tức chạy theo những nghi thức lễ phô trương, vượt quá vị thế, biến thành sự trào lộng, rõ ràng bị chê trách “thất lễ”.

Bởi lẽ triết học phương Đông bàn nhiều về chữ lễ, nên phần lớn cộng đồng nghĩ chữ lễ chỉ tương quan với châu Á. Song nếu để tâm xem xét, người ta sẽ thấy, người phương Tây còn trọng lễ hơn. Đơn giản một lễ nghi phong tước Hiệp sĩ ở các tộc họ quý tộc Anh, Pháp có rất nhiều quy định, cách thức rất nhiêu khê, không hề đơn giản.

Cho nên, nói đến lễ và thực hành lễ, đều hết sức coi trọng cung cách, các quy tắc quy phạm sao cho đúng lễ, tránh sự “thất lễ”. Một người kém hiểu biết để có hành vi “vô lễ”, người ta có thể châm chước, nhượng bộ mà cho qua. Nhưng một trí thức có vị thế mà “thất lễ”, thì sẽ bị lên án rất nặng nề, cộng đồng dường như không chấp nhận được. Vì sự “thất lễ” ấy, nếu không được chỉ điểm ra rõ ràng, nhận diện lại chính xác, phê phán nghiêm túc, sẽ dễ dẫn đến ngộ nhận ở những người khác.

Lễ, vì thế phải giữ, nhưng giữ như thế nào, thực hành sao cho đúng, mới là mấu chốt để xã hội tiến bộ văn minh, hay thụt lùi hủ lậu và thiên biến sai lầm. Người thực hành lễ, nhất định không thể coi nhẹ lễ, nhưng cũng không thể biến tấu nặng nề về lễ, đi quá chức phận vai trò, lệch lạc hành vi, chỉ khiến lễ càng đi vào tối tăm nguy hại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngẫm đôi chút về chữ lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO