Ngày thơ nghĩ về những “chiếu thơ làng”...

ĐẶNG TRƯƠNG 04/02/2023 13:57

(QNO) - Sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19, Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng) năm nay lại được tổ chức ở hầu khắp các địa phương trên cả nước với chủ đề “Nhịp điệu mới”. Riêng tại Quảng Nam, không khí ngày hội thơ Nguyên tiêu đang rất rộn ràng với những hoạt động thơ - nhạc diễn ra ở TP.Tam Kỳ, Đại Lộc, Hiệp Đức… Những “chiếu thơ làng” trên khắp miền quê đã góp thêm tiếng lòng, tiếng nói làm phong phú món ăn tinh thần cho người dân xứ Quảng.

 
Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, nhiều hoạt động thơ - nhạc được tổ chức ở nhiều địa phương

Cứ đến Ngày thơ Việt Nam, tôi làm một chuyến xuôi về phố Hội cùng gia đình để cảm nhận nét đẹp của rằm xuân trong cái huyền ảo của phố cổ về đêm. Và, hẳn nhiên, trong không gian bàng bạc nguyên tiêu ấy, tôi lại có dịp dự khán bữa tiệc thơ luôn được các thi hữu của Câu lạc bộ (CLB) thơ Hoài phố bày biện để gọi mời, níu giữ bước chân du khách bốn phương...

Từng dự nhiều cuộc thơ có quy mô cấp tỉnh vào Ngày thơ Việt Nam hằng năm, nhưng không hiểu sao, mỗi lần có dịp thưởng thơ từ những “chiếu thơ làng” bình dị như Hoài phố hay bất cứ CLB thơ nào trên khắp những miền quê xứ Quảng..., lòng tôi luôn ấm áp, tuôn chảy một mạch ngầm của tình yêu quê xứ, đất nước, cuộc sống xung quanh mình.

Giữa bộn bề của cuộc sống vẫn còn nhiều người yêu thơ, thích làm thơ và sinh hoạt trong những CLB thơ do chính họ tự lập ra. Làm thơ, với nhiều người như thú vui, một cuộc chơi tao nhã để giãi bày cảm xúc.

Các CLB thơ như Vu Gia, Nam Trân, Hoài phố, Trường Giang, Sông Tranh hay Biển Rạn..., lần lượt ra đời đã góp phần mở rộng không gian cho những người yêu thơ. Mặc dù đến nay còn nhiều khó khăn, nhưng các thành viên trong CLB thơ, bằng niềm đam mê và hơn hết là bằng tâm thế của người biết chọn thơ làm cầu nối giữa tình yêu, trách nhiệm mỗi con người với quê hương, xứ sở. 

Tôi may mắn được dự khán các buổi sinh hoạt thơ của CLB thơ Sông Tranh, huyện Hiệp Đức. Được cầm trịch bởi anh Võ Văn Lâm - một người từng kinh qua nhiều chức vụ của huyện và có một tâm hồn thơ nồng hậu nên CLB thơ này đã quy tụ được khá nhiều cây bút thơ ở nhiều độ tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Họ có thể là bác nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như bác Huỳnh Xuân Đợi, Nguyễn Tấn Minh, là cán bộ ngành khí tượng thủy văn như chị Mai Thị Hà hay rất nhiều thầy cô giáo dạy ở các cấp học như Lê Tấn Hiền, Lê Nguyễn...

Những thành viên trong CLB thơ Sông Tranh (Hiệp Đức) đến với nhau không những bằng tâm hồn đồng điệu với thơ ca mà còn bằng tình cảm chân thành với quê hương Hiệp Đức, mong muốn đem chút khả năng của mình, góp phần làm đẹp  hình ảnh đất và người Hiệp Đức.

Tôi thật sự xúc động khi một lần cùng anh chị em trong CLB thơ Sông Tranh đến thăm nhà bác nông dân Huỳnh Xuân Đợi, trao món quà nhỏ được gom góp từ tấm lòng của anh chị em trong CLB, giúp đỡ bác Đợi vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Rồi cũng từng lắng lòng với nỗi niềm riêng của cô giáo Lê Nguyễn trong những vần thơ cô đọc: "Ước gì có thể/ xua mây vào vườn/ nén chặt/ xối một trận mưa/ cuốn phăng nỗi niềm cỏ rác...

Hay thấm thía với tình cảm chân thành của một cán bộ chiếu bóng miền rừng - nhà thơ Thái Bảo Dương Đình trong những câu thơ anh viết: "Tôi đi mãi như là con thú nhỏ/ Dãy Trường Sơn khắc khoải gọi tôi về/ Cả đời tôi chia ly và gặp gỡ/ Cả nghìn lần thấm đẫm nỗi đau tê..."

 
Tiếng thơ nhạc người xứ Quảng lần thứ nhất được tổ chức tại Tiên Phước năm 2022 

Một lần, theo chân nhà thơ Đinh Huyền, CLB thơ Nam Trân đến thăm các thi hữu của những CLB thơ cấp xã ở mảnh đất thơ ca này như Trăng Non - Đại Hồng, Hoàng Giang - Đại Hưng (Đại Lộc)…, chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu mà họ dành cho thơ. Các CLB thơ cấp xã nhưng lại quy tụ cả những người yêu thơ từ các xã lân cận, thậm chí ở TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...

Ngày 4/2/2023, Trung tâm VHTT-TTTH Đại Lộc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI.
Ngày 4/2/2023, Trung tâm VHTT-TTTH Đại Lộc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI.
Các CLB thơ ở Đại Lộc đều có thành phần hội viên khá phong phú như cán bộ đã nghỉ hưu, đương chức, thanh niên, học sinh, giáo viên... Đặc biệt, một số CLB còn có sự góp mặt của các hội viên Hội VH-NT tỉnh. Tập hợp trên tinh thần tự nguyện nhưng các CLB thơ ở Đại Lộc lại hoạt động khá bài bản; có ban chủ nhiệm, có quy chế hoạt động hẳn hoi. 

Đều đặn mỗi tháng, hoặc mỗi quý một lần, các thành viên trong CLB thơ ở Đại Lộc lại gặp nhau để giới thiệu cho nhau những sáng tác mới của mình, rồi cùng bình phẩm, ngâm vịnh thơ phú. Thỉnh thoảng, họ tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các CLB thơ trong huyện với nhau và cũng có khi tổ chức chương trình thơ - nhạc, giao lưu, giới thiệu tác phẩm với các CLB ngoài huyện...

Và, điều đặc biệt, từ những “chiếu thơ làng” lặng lẽ, khuất lấp nhưng hào sảng ấy ở Đại Lộc, nhiều cây bút mới với bút lực dồi dào, sung mãn đã xuất hiện. Trong đó, có thể kể đến những gương mặt ấn tượng như Đinh Huyền, Lê Đức Thịnh, Trần Vương, Nguyễn Thế Chất, Nguyễn Văn Nam, Sương Thu...

 
Nhiều hoạt động văn nghệ hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam 

Tôi vẫn còn nhớ năm 2008, CLB thơ Biển Rạn (Núi Thành) được thành lập đã quy tụ hơn 60 người tham gia. Có người  đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn âm thầm dệt tình yêu với thơ. Lại có thành viên tuổi đời rất trẻ, đang là học sinh THPT cũng xin được gia nhập. Dù CLB chỉ ra mắt được tập thơ đầu tiên “Lửa hạ” nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Núi Thành, nhưng họ vẫn luôn ấp ủ những vần thơ giàu cảm xúc.

Nhà thơ Phạm Phú Hưng tâm sự: “CLB sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện và có chung niềm đam mê thơ. Tạo được không gian để anh chị em có cơ hội đọc cho nhau nghe những cảm xúc thơ là hạnh phúc lắm rồi...”.

Có sự đồng hành và giúp đỡ của CLB thơ Biển Rạn, nhiều người làm thơ, yêu thơ ở các làng quê Núi Thành gần như tìm được sự đồng cảm. Tuy nhiên do nhiều lý do, vài năm trở lại đây, CLB thơ Biển Rạn đã không còn duy trì hoạt động, để lại sự nuối tiếc rất lớn trong lòng nhiều thành viên yêu thích thơ ở Núi Thành.

Lão nông Phạm Tập, thôn Đức Bố, xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) ngoài chuyện đồng áng cũng tích cực tham gia CLB với những vần thơ ca ngợi quê hương, đất nước. Các xã Tam Mỹ Đông, Tam Sơn, Tam Anh Bắc… nhận thấy phong trào làm thơ và sinh hoạt thơ ca đang trở thành hoạt động văn hóa thiết thực nên đã tích cực ủng hộ phong trào.

Một rằm xuân nữa đang về và rạo rực muôn nơi cùng với thơ, với lòng người mở hội. Trong cái hân hoan của mùa xuân và lễ hội thơ man mác tình xuân ấy, hẳn sẽ không thể thiếu hình ảnh thân thương, bình dị của những "chiếu thơ làng"…

.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày thơ nghĩ về những “chiếu thơ làng”...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO