Nhiếp ảnh Quảng Nam: Vui từ các thế hệ kế cận

XUÂN HIỀN 15/03/2023 08:38

Nhiếp ảnh Quảng Nam đã định vị được chỗ đứng của mình với rất nhiều tác phẩm ảnh chất lượng, có tiếng vang tại các cuộc triển lãm quốc gia, quốc tế. Nhưng điều đáng mừng nhất, chính là sự kế thừa tinh thần sáng tạo hào sảng, tiếp thu và hội nhập với dòng chảy sáng tạo của nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế từ các thế hệ...

Các tác phẩm ảnh của NSNS Quảng Nam được trưng bày thu hút người xem. Ảnh: X.H
Các tác phẩm ảnh của NSNA Quảng Nam được trưng bày thu hút người xem. Ảnh: X.H

Bề dày truyền thống

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam được xem là một trong những địa phương có bề dày lịch sử nhiếp ảnh từ rất sớm trong cả nước.

Theo ghi nhận từ lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, cụ Phạm Phú Thứ (người phủ Điện Bàn) là người Việt đầu tiên đề cập về nhiếp ảnh. Khi cụ Phạm Phú Thứ được thăng chức Thượng thư bộ Hộ kiêm Cơ Mật viện đại thần, một người ủng hộ cải cách, ông đã 2 lần vận động triều đình cử Đặng Huy Trứ đi Quảng Đông để thực hiện mục đích “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây). Trong 2 chuyến đi năm 1865 và 1867 chính là dịp để cụ Đặng Huy Trứ học hỏi và mang nghề nhiếp ảnh về Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm “Nhiếp ảnh Quảng Nam - Kế thừa và phát triển” nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3), NSNA Trần Tấn Vịnh đề xuất thành lập Bảo tàng nhiếp ảnh xứ Quảng với việc trưng bày những hiện vật, giới thiệu các câu chuyện liên quan đến lịch sử nhiếp ảnh Quảng Nam cũng như tổ chức triển lãm ảnh của các NSNA thường kỳ...

Cùng với đó, cần thiết phải có tập sách ảnh “Quảng Nam xưa và nay”, tập trung các tác phẩm ảnh về quê hương cũng như những tác phẩm gây tiếng vang ở các sân chơi quốc gia, quốc tế được đặt ra.

Cụ Đặng Huy Trứ là người khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà - Hà Nội ngày 14/3/1869, đã từng đến và sinh sống tại Hội An từ năm 1849.

Cụ Đặng Huy Trứ đã dạy học suốt 3 năm tại trường tư thục Thanh Hương ở Hội An, ngôi trường do ông Lý Mậu Thụy, một bang trưởng người Hoa Quảng Đông khai lập.

Từ đầu năm 1864 đến tháng 7/1865, ông giữ chức Bố chánh Quảng Nam. Đến nay, tại Hội An vẫn còn nhà thờ Đặng Huy Trứ, có nhiều thế hệ con cháu sinh sống, lưu giữ và thờ phụng ông, hiện tọa lạc tại số 28/12 Trần Hưng Đạo, Hội An.

Đặc biệt, chuyến xuất dương đầu tiên vì công vụ cũng là dịp để tiếp cận với nhiếp ảnh của ông tổ nghề ảnh Việt Nam được xuất phát tại Hội An.

Mốc son của nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam ghi dấu từ việc cụ Trương Trừng (người làng Mông Lãnh - Quế Sơn, một môn sinh của hiệu ảnh Thiên Chơn Cát, sau mở ảnh viện Lệ Ảnh tại Hội An) đoạt giải Nhất toàn Đông Dương với bức ảnh “Tát nước gàu ba” được chụp vào một buổi sớm trên đồng lúa Cẩm Hà với 6 người nông dân tát nước gàu dai tạo nên một bố cục hoàn chỉnh.

Năm 1941, hình ảnh này được chọn in trên nền tờ giấy bạc Đông Dương có mệnh giá 500 đồng. Sau sự kiện này, nhiếp ảnh Hội An dần được gia công chất nghệ thuật cho mỗi khuôn hình.

Hội nhập và sáng tạo

NSNA Đặng Kế Đông nói, từng là “vùng trắng” khi không có hội viên trung ương, từ năm 2001, lực lượng nhiếp ảnh Quảng Nam lần lượt được công nhận NSNA Việt Nam phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, chiếm tỷ suất bình quân rất lớn trong công tác phát triển hội viên của chuyên ngành Nhiếp ảnh Trung ương. Đến nay, Quảng Nam đã có 15 NSNA Việt Nam.

NSNA Lê Trọng Khang giới thiệu về tác phẩm của mình cho người xem. Ảnh: X.H
NSNA Lê Trọng Khang giới thiệu về tác phẩm của mình cho người xem. Ảnh: X.H

Cùng với sự lớn mạnh về số lượng tác giả, chất lượng tác phẩm ảnh nghệ thuật và bảng vàng thành tích qua các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước không ngừng nâng cao theo từng năm.

Ngoài ra, hình ảnh quê hương còn được quảng bá ở các triển lãm và đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước thông qua tài năng và tay máy của những nhiếp ảnh gia Quảng Nam.

Với thế mạnh là những góc ảnh đời thường, các NSNA xứ Quảng đã dựng nên bản sắc cho bộ môn nghệ thuật này khi nhắc tới nhiếp ảnh Quảng Nam. Quê hương luôn là đề tài thường trực và cũng là những đề tài ăn nên làm ra của nhiếp ảnh Quảng Nam.

Hầu như những danh hiệu, giải thưởng các NSNA Quảng Nam có được đều sáng tác ảnh từ cảnh và người ở quê hương mà ra. Một khi ảnh có nguồn cơn từ cái tình thì giá trị của bức ảnh sẽ là vô giá. Đó cũng là tính nhân văn trong những tác phẩm ảnh nghệ thuật được công nhận của các NSNA Quảng Nam.

Cùng với dòng chảy đương đại, NSNA Dương Phú Tâm cho rằng, hiện nay, nhiếp ảnh được hỗ trợ mạnh mẽ của kỹ thuật, công nghệ với các tính năng ưu việt sẽ là công cụ để giúp các tác phẩm ảnh nghệ thuật thăng hoa. Đây cũng chính là cơ hội rộng mở để các NSNA tham gia những triển lãm, cuộc thi ảnh quốc tế.

“Việc giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh quốc tế chính là sự học tập bạn bè qua nhiếp ảnh,qua tác phẩm được chọn triển lãm và tác phẩm xuất sắc đoạt giải. Thông qua các cuộc thi quốc tế sẽ cung cấp cho các NSNA những phương pháp sáng tác mới, cách nhìn lạ mà những nhà nhiếp ảnh nước ngoài thể hiện.

Thế mạnh của nhiếp ảnh nước ngoài là ảnh phải phản ảnh chân thực, sinh động thực tiễn trong cuộc sống, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, nhiều nhà nhiếp ảnh lại thích dòng ảnh với những khuynh hướng sáng tác mới như dòng ảnh ý tưởng. Và nhiếp ảnh Quảng Nam cũng đã có nhiều tay máy thể hiện được thế mạnh ở dòng ảnh này” - NSNA Dương Phú Tâm chia sẻ.

Sự bứt phá, tìm tòi của lớp NSNA trẻ tại Quảng Nam như Mai Thành Chương, Lê Trọng Khang, Nguyễn Hữu Khiêm... đã góp phần tạo nên tên tuổi cho nhiếp ảnh Quảng Nam sau này với rất nhiều giải thưởng cũng như tác phẩm tham gia các triển lãm quốc gia, quốc tế. NSNA Đặng Kế Đông cho biết, đây chính là những thế hệ kế cận và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa nhiếp ảnh Quảng Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiếp ảnh Quảng Nam: Vui từ các thế hệ kế cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO