Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2022: Đậm đà sắc Quảng

BẢO ANH 18/12/2022 07:28

Mỗi người một phong cách, một phương thức thể hiện, nhưng hầu hết tác phẩm dự xét Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2022 ở các loại hình lại dường như có chung điểm xuất phát trong cảm hứng sáng tạo: Từ Quảng Nam, về Quảng Nam, cho Quảng Nam... Sắc màu và hồn vía xứ Quảng, nhờ vậy mà đậm đà...

Nhà điêu khắc Trần Đức (giữa) giới thiệu tác phẩm “Kết nối” của mình với bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: B.A
Nhà điêu khắc Trần Đức (giữa) giới thiệu tác phẩm “Kết nối” của mình với bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: B.A

Giàu bản sắc

Trở thành hội viên Hội VHNT Quảng Nam chưa tròn một năm, nhưng khi nhận được thông báo xét Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2022, Zơrâm Danh (nghệ danh Danh Zoram), một ca sĩ - nhạc sĩ trẻ người Cơ Tu, liền gửi ngay mấy ca khúc đến dự thi. Trong số đó, ca khúc “Mừng gươl mới” của anh lọt vào vòng chung khảo và chung cuộc được xếp giải B.

Zơrâm Danh cho biết đây là kết quả rất bất ngờ, là niềm vui lớn đối với anh. Niềm vui càng nhân lên khi cũng ở tặng thưởng lần này, bộ phim ca nhạc “Bay đi cánh chim Ka-lang” (của nhóm tác giả Ngọc Kết và Thanh Bình) kể về niềm đam mê, sự dấn thân và những nỗ lực bền bỉ trên hành trình đến với âm nhạc của Zơrâm Danh, cũng được trao giải C.

“Cảm xúc đầu tiên của tôi là vui, rất vui. Tiếp đến là hạnh phúc và vinh dự, tự hào khi thông qua tác phẩm âm nhạc tôi đã giới thiệu được bản sắc dân tộc mình đến với mọi người...” - Zơrâm Danh chia sẻ.

Trong số hơn 60 tác phẩm gửi dự xét Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2022, rất nhiều tác phẩm đã thuyết phục hội đồng xét giải từ sơ khảo đến chung khảo nhờ chọn được “điểm rơi”, điểm khởi đầu là tình yêu quê hương sâu nặng, được chưng lọc qua rung cảm nghệ sĩ tinh tế. Và các tác phẩm được chọn trao giải đều tinh ròng, giàu bản sắc Quảng Nam, thấm đẫm tình quê, tình đất, tình người của vùng đất “chưa mưa đà thấm”.

Bức tranh sơn dầu “Xuân Hạ Thu Đông” của họa sĩ Lê Nguyên Chính là một trong 4 tác phẩm được trao giải A của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam 2022 không chỉ là một bức tranh có bố cục hoàn chỉnh, màu sắc hài hòa mà còn khắc họa được những đặc trưng, sắc màu riêng có của nghệ thuật tuồng truyền thống và qua đó gửi gắm những khao khát tha thiết về bảo tồn bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Đây cũng là tác phẩm từng được Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 27 năm 2022 đánh giá cao và được trao giải A duy nhất của liên hoan...

Trong khi đó, bằng những thao tác khoa học cẩn trọng và công phu, nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng đã bày ra được không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo và giàu bản sắc, cùng với đó là đề xuất về định hướng bảo tồn qua tập sách nghiên cứu - biên khảo “Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”. Tập sách này được trao giải B không chỉ vì những phát hiện, kiến giải mới mẻ trong đề tài mà còn vì tâm huyết của tác giả với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Cũng vậy, ca khúc “Những ánh sao tiên phong” của Hồ Xuân Hương được trao giải B không chỉ ở nghệ thuật phát triển, ở yếu tố tương phản mới lạ trong ca khúc, sự tươi đẹp và hào sảng của ca từ mà còn vì ở đó ngời ngợi niềm tự hào về những chiến công của quê hương cách mạng…

Ngoài ra, còn có thể tìm thấy “chất Quảng” ấm áp và đầy đặn trong nhiều tác phẩm khác, như “Nhớ A Dhi” (ca khúc của Huỳnh Ngọc Hải, giải B), “Ngẫu khúc chữ” (tập thơ của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, giải B), “Rơi một nốt trầm” (tập bút ký của Lê Trâm, giải C), “Đồng vọng Quảng Nam” (ca khúc của Phan Văn Hùng, giải C), “Về Quảng Nam quê anh” (ca khúc của Lê Xuân Bá, giải C), “Tình trong bút mực” (tập phê bình của Nguyễn Tấn Ái, giải C)...

Kết nối và lan tỏa

“Kết nối” là tên bức tượng bằng sắt hàn của nhà điêu khắc trẻ Trần Đức, được trao giải khuyến khích tại Tặng thưởng VHNT Quảng Nam 2022. Chất liệu không lạ, không mới, giải cũng không cao, song đây lại là tác phẩm được chú ý và bàn luận sôi nổi, nhận được nhiều đồng cảm đẹp, mà nói như nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, bởi đó là “một kết nối đầy gai góc những xô lệch trong một tâm thức cân bằng”. “Kết nối” của Trần Đức, cùng với nhiều tác phẩm khác được trao giải lần này, có thể tiếp tục tạo nên những kết nối và lan tỏa xa hơn cho VHNT xứ Quảng.

Trong chương trình biểu diễn đoạt giải A “Ngọc Linh mời gọi” của nhạc sĩ Hoàng Bích, cả 7 ca khúc đều là những lời ngợi ca, mời gọi hân hoan và tha thiết người từ muôn phương về với Nam Trà My - Ngọc Linh - Quảng Nam. Ở đó không chỉ có núi cao thâm u huyễn dụ, có quốc bảo sâm Ngọc Linh mà còn có những tin yêu, hy vọng tràn đầy về một ngày mai no ấm hơn, khởi sắc hơn.

Còn bộ phim tài liệu “Nơi tâm hồn neo đậu” của nhóm tác giả Ngọc Kết - Thanh Bình lại là một sự kết nối khác: Kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai thông qua dòng hồi ức đầy yêu thương, trân trọng của các văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy bi tráng.

Những cuộc tìm về của các văn nghệ sĩ - chiến sĩ trong phim không chỉ là sự trở về với quá khứ của chính họ, mà đó còn là nghĩa cử với đồng đội, với đồng bào Quảng Nam từng cưu mang, che chở họ; qua đó khéo léo gửi đi những thông điệp tinh tế về sống xử ở đời, của hôm nay và muôn sau...

Ngoài ra, một số tác phẩm đoạt giải C như “Bay đi cánh chim Ka-lang” (phim ca nhạc của Ngọc Kết - Thanh Bình), “Khám phá văn hóa” (ảnh đơn của Lê Trọng Khang), “Rơi một nốt trầm” (tập bút ký của Lê Trâm); đoạt giải khuyến khích như ca khúc “Mùa xuân trên đỉnh Ngọc Linh” (Huỳnh Đức Long)... cũng là những “mắt xích” khá hoàn hảo để tạo nên sự “kết nối” cần thiết: vừa tôn vinh, đặc tả những vẻ đẹp của cảnh sắc, của bề sâu văn hóa quê mình, vừa mời gọi, níu chân người muôn phương về với đất mẹ Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2022: Đậm đà sắc Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO