Từ trang báo "hóa thân" thành sách

BẢO ANH 22/06/2023 10:54

(ĐS 21/6) - Công bố tác phẩm rải rác trên các báo, tạp chí, sau đó tập hợp, chỉnh sửa, bổ sung rồi in thành sách là cách thức làm sách được nhiều người cầm bút hiện nay áp dụng.

Có một tỷ lệ không nhỏ tác phẩm lẻ trong những tập sách này trước đó đã được công bố rải rác trên mặt báo. Ảnh: B.A
Có một tỷ lệ không nhỏ tác phẩm lẻ trong những tập sách này trước đó đã được công bố rải rác trên mặt báo. Ảnh: B.A

Của để dành

Không chỉ là nhạc sĩ nổi tiếng, Phan Văn Minh còn là cây bút văn xuôi khá đình đám của vùng đất văn học Quảng Nam - Đà Nẵng từ những năm 1980. Anh viết khá bền bỉ, gồm truyện ngắn và nhàn đàm; công bố đều đặn trên các báo, tạp chí ở Quảng Nam và Đà Nẵng; từng hai lần giành giải thưởng cao nhất của các cuộc thi truyện ngắn Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1989 và 1996; từng nhiều năm viết nhàn đàm độc quyền cho chuyên mục “Trà dư tửu hậu” trên Tạp chí Đất Quảng.

Vốn liếng văn chương có được không nhỏ, nhưng mãi đến năm 2012, Phan Văn Minh mới cho in tập truyện ngắn “Bản hợp xướng mùa đông”; năm 2015 in tập phiếm đàm “Người Quảng lo xa” và năm 2018 là tập tản văn “Nghĩ khác”.

Hỏi vì sao chậm ra sách, anh bảo gửi tác phẩm in rải rác trên các báo, tạp chí là một cách “để dành” và đó cũng chính là một kênh quan trọng để “kiểm nghiệm” giá trị tác phẩm của mình. Cả hai việc này đều cần có độ lùi thời gian, không thể vội vã được. Khi đã có được số lượng tác phẩm kha khá và “nghe ngóng” được ít nhiều từ dư luận thì mới chọn lựa những cái tinh túy nhất, phù hợp nhất đưa vào làm sách.

Cũng như nhà văn - nhạc sĩ Phan Văn Minh, nhiều tác giả văn học khác ở Quảng Nam cũng chọn cách làm sách theo “lộ trình” viết - đăng báo - in sách. Trong một số tập sách gần đây của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tam Mỹ, Lê Trâm, Nguyễn Tấn Ái, Nguyễn Chiến, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Bá Hòa, Đỗ Thượng Thế, Thái Bảo Dương Đỳnh... đều có chừng một phần ba đến trên dưới một nửa số tác phẩm lẻ từng được công bố trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cho biết, ngoài truyện ngắn, thỉnh thoảng còn anh gửi đăng trên các tạp chí chuyên về văn chương một số trích đoạn từ các bản thảo tiểu thuyết của mình. Với anh, đó là cách vừa để chia sẻ niềm vui sáng tạo, vừa xem thử “phản ứng” của bạn đọc về tác phẩm của mình thế nào để quyết định chọn “điểm rơi” phù hợp khi in sách.

Còn theo nhà văn Lê Trâm - người từng có một số đầu sách được ra đời theo phương thức “viết một cách âm thầm, xong đưa thẳng đến các nhà xuất bản”, thì việc viết truyện, tùy bút, tản văn gửi đăng báo là để thỏa mãn đam mê viết lách, đồng thời qua đó gián tiếp thông báo với bạn bè rằng tôi vẫn đang theo đuổi cuộc chơi.

Trong khi đó, một số nhà thơ, nhà văn khác... thì cho rằng việc truyện ngắn, thơ được đăng báo chính là một “bảo chứng” về chất lượng cho tác phẩm và đấy chính là nguồn năng lượng, sự khích lệ để họ “giữ lửa” sáng tác, chờ có dịp thì gom lại in thành tập. Một người trong số này cho rằng, “văn chương cần và nên được nuôi dưỡng, tiếp sức qua từng chặng đường ngắn và liên tục như thế”.

Chuyện in sách của cây bút trẻ Hồ Loan cũng khá thú vị. Bắt đầu viết và công bố tác phẩm cách đây gần 5 năm, càng ngày Hồ Loan càng trở nên quen thuộc với người yêu văn chương xứ Quảng và cả nước, khi truyện của chị liên tục xuất hiện trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương.

Hỏi sao không ra sách, Hồ Loan chia sẻ: “Tôi còn phải cố gắng nhiều. Thêm nữa, bỏ ra vài chục triệu đồng để in sách là điều không dễ dàng với một công nhân như tôi”. Và để hóa giải điều không dễ dàng kia, Hồ Loan đã âm thầm viết, gửi đăng báo, tiền nhuận bút do các báo, tạp chí chi trả được chị gom lại để dành.

Giữa năm 2022, khi đã dành dụm được một khoản tiền kha khá từ nhuận bút, Hồ Loan quyết định lấy ra in sách - tập “Như giọt chuông ngân” gồm 15 truyện ngắn, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Đôi điều băn khoăn

Thường xuyên dành dung lượng nhất định để đăng tải các tác phẩm văn học, nhiều cơ quan báo chí đã thể hiện sự “ưu ái” của mình đối với văn chương; đồng thời đó cũng là một cách để làm cho tờ báo của mình “mềm mại” hơn.

Văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Tây Giang. ảnh tư liệu
Văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Tây Giang. ảnh tư liệu

Riêng ở Quảng Nam, ngoài Tạp chí Đất Quảng chuyên về văn học, nghệ thuật thì tình yêu, sự “ưu ái” của báo chí dành cho văn học có thể nói là rất đáng kể khi mà ngoài việc thường xuyên đăng tải thơ, truyện, tản văn, tùy bút, thỉnh thoảng có cơ quan báo chí còn thực hiện chuyên đề riêng về văn học hay tổ chức thi truyện ngắn, tập hợp tác phẩm văn học từng đăng báo để in thành sách như Báo Quảng Nam từng làm. Bên cạnh đó, một số trang tin điện tử, bản tin chuyên ngành trong tỉnh cũng dành đất để in thơ, tùy bút...

Chính sự “ưu ái” này, nhiều tác giả văn học Quảng Nam đã giữ được lửa sáng tạo, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê viết lách, có thêm được nhiều tác phẩm, nhiều tập sách có chất lượng. Theo nhận định của một nhà văn nhiều năm cộng tác với các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, với những lợi ích rất rõ ràng nên việc viết - đăng báo - in sách vẫn sẽ là “lộ trình” mà nhiều người cầm bút tiếp tục theo đuổi.

Tuy nhiên, theo một số nhà văn, nhà thơ có kinh nghiệm, người cầm bút cũng cần phải tỉnh táo khi trông cậy sự “nuôi dưỡng” của báo chí trong quá trình sáng tác. Bởi lẽ, hầu hết tờ báo (trừ một ít tờ báo, tạp chí chuyên về văn chương) chỉ chọn đăng những tác phẩm văn học có dung lượng không quá dài, kết cấu không quá phức tạp và nội dung thì phải “tròn trịa” một chút.

Để tác phẩm của mình được đăng, các nhà văn nhà thơ buộc phải viết, sáng tác trong/ đúng theo hạn mức ấy. Dư địa sáng tạo của họ theo đó sẽ khó có cơ hội mở rộng, thậm chí còn có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp. Nếu mải miết bám theo tiêu chí của các tờ báo để viết thì người cầm bút có thể sẽ đánh mất không gian sáng tạo riêng và khác biệt của văn chương.

Khi ấy, nhất là khi tập hợp để in thành sách, tầm vóc của tác phẩm tất sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế đã từng xuất hiện những tập truyện ngắn mà tất cả tác phẩm trong đó có một dung lượng như nhau, cùng một “tạng” đều đều, tạo cảm giác nhàm.

Lại có một số tập bút ký, tản văn được gom in sau khi công bố trên báo, chất báo chí đôi chỗ có vẻ trội hơn chất văn chương... “Tất nhiên, trong việc này các tờ báo không có lỗi, vấn đề là ở sự tự ý thức của các nhà văn trong việc lựa chọn phương pháp, mục tiêu sáng tác cho riêng mình” - một nhà văn nói thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ trang báo "hóa thân" thành sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO