Văn hóa vật thể miền núi: Bảo tồn dựa vào cộng đồng

Thực hiện chuyên đề: ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 04/02/2018 08:39

Trước những tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại, cộng với trách nhiệm của các cấp chính quyền và cộng đồng chưa cao, đang khiến nhiều giá trị văn hóa vật thể của đồng bào vùng cao ngày càng bị mất mát, lệch lạc. Làm thế nào để giữ được giá trị di sản trước dòng chảy thời đại, luôn là câu hỏi được đặt ra, như để tìm kiếm thêm những bước đi đúng đắn cho tương lai của văn hóa vật thể ở miền núi.

DƯỚI MÁI NHÀ LÀNG

Sẽ là một sự trống vắng u buồn, nếu dưới mái nhà của người vùng cao không còn hiện hữu những chiêng ché, thổ cẩm, điêu khắc, nhạc cụ... Văn hóa vật thể đã tồn tại mặc nhiên không thể tách rời với người vùng cao. Nhưng đi qua biến thiên lịch sử và phôi pha của thời đại, thấp thoáng thấy những mất mát, đã bắt đầu…

1. Một lần, ghé lại làng Aréc (xã A Vương, huyện Tây Giang), cuộc hạnh ngộ tình cờ đã cho chúng tôi được ghé thăm một “bảo tàng” độc đáo của dân làng. Dưới mái gươl, là cả một kho chiêng ché, nong nia, trống, gùi… đã ám khói, được gác trang trọng một góc nhà. Đó là phần tài sản chung của làng, được gom góp từ chính mỗi gia đình trong ngôi làng nhỏ, qua bao đời. Riêng chiếc trống lớn (k’thu), dân làng tự chế tác, bảo quản và sử dụng suốt gần 40 năm nay, vẫn vang vọng mỗi dịp lễ nghi quan trọng. Đã qua một lần dời làng, nhưng phần tài sản chung ấy vẫn được giữ gìn như “mảnh hồn làng” định danh cho sự tồn tại của Aréc trong sự ngưỡng vọng của nhiều ngôi làng khác. Bếp lửa chưa bao giờ tắt ở gươl. Khói bếp ám vào từng chiếc nong, nia, vào hàng trăm sọ thú giắt trên mái tranh, như cất giữ lịch sử của Aréc qua bao thăng trầm thời gian. Mỗi một đồ vật mang trong mình một câu chuyện. Tiếng trống, tiếng chiêng cũng đã theo hàng trăm cuộc đời, số phận của người làng, từ lúc nhìn thấy mặt trời, đến khi theo Giàng về bên kia thế giới. Già làng Ating Thân đã kể, về từng chiếc chiêng, từng cái tà-léc, cả những vòng mây đang còn treo trên giàn bếp. Đó là niềm tự hào, là văn hóa, một “Aréc vượt thời gian” ngay giữa Aréc hôm nay, cũng là sự hiện hữu của từng con người, kể cả những người đã khuất…

Nhiều hiện vật được dân làng đóng góp và giữ gìn tại gươl  làng Aréc (xã A Vương, huyện Tây Giang).Ảnh: CÔNG NGƯỚC
Nhiều hiện vật được dân làng đóng góp và giữ gìn tại gươl làng Aréc (xã A Vương, huyện Tây Giang).Ảnh: CÔNG NGƯỚC

Nhiều ngôi làng mà chúng tôi có dịp đi qua, đã chọn cách gìn giữ, nâng niu từng chút tài sản, “di sản” văn hóa, theo cách riêng của họ. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những ngôi làng của người Cơ Tu, nhất là ở Tây Giang, nơi đồng bào thiểu số chiếm 90% dân số. Với họ, mỗi mái gươl, mỗi cây nêu (x’nur), tấm thổ cẩm, hay chiếc cồng, chiếc chiêng, không chỉ đơn thuần mang giá trị biểu trưng của sự giàu có. Đó còn là truyền thống, là cội nguồn, thứ phải trân quý và gìn giữ. Sự thịnh vượng của một ngôi làng, hay vị thế của một gia đình, dòng tộc, là ở đó. Thật lạ, và còn mặc định như thế đến tận bây giờ. Như ngôi nhà của già C’lâu Blao ở thôn Voòng (xã Tr’Hy, Tây Giang). Một ngôi nhà sàn đơn sơ, một ông già có khuôn mặt rất hiền từ. Nhưng cái tên ông mỗi khi được nhắc đến, luôn gợi lên sự nể vì của người Cơ Tu trong vùng. Là vì, giữa hàng trăm, hàng nghìn người, ông biết cách chế tác được nhạc cụ, điêu khắc, rành rẽ về văn hóa, phong tục. Và hơn hết, từ hàng chục năm nay, ông cần mẫn góp nhặt cho mình, cho làng và lớp trẻ những thứ “của người Cơ Tu”, bằng chính đôi tay tài hoa và niềm tự hào về truyền thống.

Tiếng chiêng ngân lên của mỗi làng khác nhau. Trống k’thu cũng khác. Và đặc biệt là gươl. Sự đặc sắc của văn hóa, của từng cộng đồng làng, thể hiện qua những di sản vật thể, từ cả những thứ tưởng chừng nhỏ bé trong gươl. Đó là cách mà văn hóa vật thể sống trong làng, trong từng người dân bản địa, với vẹn nguyên giá trị của chính nó. Những giá trị không phải chỉ - để - nhìn.

2. Văn hóa vật thể, bên cạnh đời sống tinh thần của người vùng cao, hẳn là thứ dễ nhận biết nhất cho một tộc người. Kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo, tích lũy tri thức và quan niệm tâm linh, mỗi một vật thể còn phảng phất câu chuyện về sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Vật thể, chỉ “sống”, khi tồn tại bằng chính giá trị của nó, trong cộng đồng làng. Câu chuyện bảo tồn, trước hết, phải là bảo tồn giá trị của di sản trong đời sống thực. Tấm thổ cẩm có còn đẹp không, khi không được khoác lên mình người miền núi; nhà làng có còn vẹn nguyên ý nghĩa không khi không còn là nơi cho dân làng hội họp, không còn những dấu chân tâng tung da dá trước sân mỗi lễ mừng lúa mới. Chính sự tách biệt của lớp trẻ với những tài sản vật thể của cha ông, từ trang phục, lễ hội, từ nhạc cụ, vật dụng sản xuất… đã và đang làm hoai mục dần giá trị gốc, làm mất đi những tinh túy trong sản xuất và đời sống của tộc người. Thật buồn!

Trong ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh trên dãy Ngọc Linh ở xã Trà Cang (Nam Trà My), già Hồ Văn Thập, người nghệ nhân Xê Đăng độc nhất có tài chế tác đàn đá. Ông cũng là một trong số ít người biết chế tạo dàn nhạc nước, một “kẻ hát rong” kỳ lạ của làng. Nhưng bộ đàn đá không còn. Dàn nhạc nước, sau một lần được mời về tận Hội An để chế tác cho một khu resort sang trọng, ông bảo, sẽ không bao giờ làm nữa, vì cảm giác bị rẻ rúng bàn tay và sức lao động của chính mình. Vậy là mất dấu. Điều may mắn, là bộ đàn đá kỳ công và độc nhất ấy được nhạc sĩ Dương Trinh mua lại, và vẫn có dịp ngân lên trong một số lễ hội. Nhưng tiếng đàn đá, sau này, đã không còn thuộc về Ngọc Linh…

Mất mát của những giá trị văn hóa vật thể không chỉ từ giao thoa văn hóa hiện đại, mà còn xuất hiện trong chính tập tục của đồng bào. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL kể lại một câu chuyện từ hơn ba mươi năm trước ở miền núi Tây Giang. Trong một chuyến sưu tầm hiện vật, khi được dẫn đi thăm một khu nhà mồ của người Cơ Tu, ông và họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đặc biệt ấn tượng với những bức tượng khá độc đáo, tạc dáng hình người đang ngồi với vẻ mặt buồn rầu, u uất, có cả những tượng người đánh trống, người đi săn. Khi bày tỏ ý xin lại hai trong số những bức tượng trên mang về triển lãm, ông mới biết, người Cơ Tu có tục chia phần cho người đã mất. Những bức tượng, và cả thổ cẩm, đồ đạc được đặt ở nhà mồ là “phần” dành cho người chết. Chúng sẽ ở đó đến khi biến mất, không một ai dám động vào phần của người chết.

Những mất mát đến trong âm thầm. Mươi năm, vài chục năm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống của người vùng cao đã bắt đầu xuất hiện nhiều khoảng vắng. Ngay cả những mái nhà làng kia, nơi hiện diện đủ đầy và sinh động nhất, cũng đã ít nhiều biến dạng. Từ các già làng, từ những người làm công tác bảo tồn văn hóa, chúng tôi đã nghe chung những tiếng thở dài…

NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ THỂ

Chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa vật thể của đồng bào miền núi đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt đề án của các địa phương trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn đang hướng đến cách làm bền vững hơn: dựa vào cộng đồng.

Một số hiện vật văn hóa của đồng bào vùng cao được trưng bày tại lễ hội trình diễn cây nêu và Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2017.
Một số hiện vật văn hóa của đồng bào vùng cao được trưng bày tại lễ hội trình diễn cây nêu và Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2017.

Những năm qua, các cấp chính quyền rất quan tâm, đầu tư nhiều dự án nhằm từng bước bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao. Gần đây nhất, các hoạt động tại lễ hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tại huyện Tây Giang vào năm 2017, cũng đã tạo ra cơ hội để đồng bào các dân tộc thiểu số giao lưu, mở rộng quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, những tiềm năng của miền núi Quảng Nam đến với bạn bè mọi miền đất nước. Đây được xem là hoạt động nhằm khích lệ tinh thần, ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (nguyên cán bộ Ban Dân tộc tỉnh), quy luật phát triển của xã hội sẽ khiến văn hóa có sự thay đổi theo, buộc chúng ta phải chấp nhận như một sự tất yếu. Dù vậy, cũng không nên quá lạm dụng vào sự thay đổi đó của xu thế hiện đại, bởi điều đó sẽ làm méo mó văn hóa cổ truyền, dẫn đến tình trạng ở nhiều vùng, đồng bào chối bỏ cái cũ (truyền thống) để tiếp nhận cái mới (cách tân) quá đà. “Cán bộ lãnh đạo, những người làm công tác văn hóa phải nhìn nhận một cách cụ thể về sự mai một, sự biến dạng trong văn hóa truyền thống tại địa phương mình để tìm cách ngăn chặn, đồng thời khôi phục và bảo tồn. Cần phải tính toán rõ ràng giữa các loại hình một cách khoa học, cái nào cần giữ lại và cái nào không nên giữ, hoặc cách tân như thế nào cho đảm bảo tính truyền thống. Vì thế, cần phải có đề án theo từng giai đoạn 5 - 10 năm để nghiên cứu, tìm hướng bảo tồn và đặc biệt việc giữ gìn văn hóa cũng phải đảm bảo với xu thế hiện đại, chứ không nên bảo thủ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện vật trong đời sống sản xuất của đồng bào Cơ Tu.
Hiện vật trong đời sống sản xuất của đồng bào Cơ Tu.

Chúng tôi còn nhớ, tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 được tổ chức tại Tây Giang vào năm 2016, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho rằng, Quảng Nam cần chú trọng đặc biệt trong việc tìm kiếm các biện pháp bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào vùng cao. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sưu tầm và khôi phục những giá trị mang tính đặc trưng, nhất là văn hóa vật thể, phi vật thể đã được công nhận là di sản quốc gia. “Song song với việc loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong đời sống cộng đồng, cần có giải pháp để xây dựng nền tảng giá trị văn hóa vững chắc, tạo động lực để người dân vùng cao nhận thức rõ nét về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, để cùng chung tay gìn giữ, khôi phục. Để công tác bảo tồn văn hóa trong đồng bào miền núi đạt được hiệu quả, ngoài các chính sách đặc thù của địa phương, nhất thiết cần phải dựa vào cộng đồng, dựa vào tiếng nói của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đời sống của đồng bào vùng cao. Bởi chính họ là những chủ thể văn hóa có yếu tố quyết định trong việc khôi phục và gìn giữ bản sắc của đồng bào mình, từ lợi thế và sự góp sức của chính quyền địa phương” - ông Hải nói.

Khi tất cả địa phương miền núi đều đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch trong tương lai, thì văn hóa được nhắc đến như một nguồn tài nguyên để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa phát huy tính chủ thể của đồng bào trong công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị đặc trưng. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, khi người dân sống được bằng chính những giá trị văn hóa độc đáo của mình và biến nó thành một sản phẩm du lịch thực sự, thì việc họ tham gia bảo tồn không khó, như cách của nhiều địa phương phía Bắc đang làm. “Cái cần, là xây dựng, kết nối và quảng bá, để người dân thực sự hiểu rằng chính truyền thống văn hóa là một thứ vốn quý của họ trong đời sống hiện đại. Người dân hoàn toàn có quyền hưởng lợi từ các giá trị văn hóa, và chính những hoạt động dạng này sẽ là nguồn lực bền vững nhất để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa” - ông Blúi nói.

THÁCH THỨC BẢO TỒN

Những nỗ lực của chính quyền các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy di sản vật thể thời gian qua được xem là cơ hội để văn hóa cộng đồng miền núi “vực dậy”. Tuy nhiên, từ những câu chuyện thực tế, công tác bảo tồn giá trị văn hóa ở vùng cao vẫn còn đầy thách thức, cần tiếp tục được đặc biệt quan tâm từ các cấp, ngành và địa phương miền núi.

Các già làng người Co trang trí lại cây nêu cùng bộ Gu truyền thống.
Các già làng người Co trang trí lại cây nêu cùng bộ Gu truyền thống.

Những “khoảng trống” di sản

Không phải từ bây giờ, câu chuyện bảo tồn văn hóa vật thể ở miền núi mới được nhắc đến như một mối lo. Những “khoảng trống” cứ ngày một nhiều thêm, kéo theo đó là không ít những ngôi nhà làng, những bộ cồng chiêng… đang lần lượt bị biến dạng và mai một. Như gươl của người Cơ Tu, trong dòng chảy hiện đã không thể “giữ mình”. Sự cách tân nặng tay đang dẫn đến một hệ lụy khác, từ gươl, là sự biến dạng ở kiến trúc, vật liệu truyền thống vốn có. Thậm chí, ở nhiều vùng, đồng bào còn thay gươl bằng… nhà sinh hoạt cộng đồng bê tông cốt thép, như ở thôn Pà Nai 1 (xã Tà Lu, Đông Giang). Câu chuyện này xảy ra hơn 7 năm trước, khi đồng bào địa phương đề xuất nguyện vọng được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng để thay thế gươl làng bị hư hỏng. Nhưng với lý do khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu phục hồi gươl, như gỗ, lá cọ, tre nứa, mây rừng…, gươl biến mất trong đời sống của cộng đồng làng này, suốt từ đó đến nay.

Già làng Bh’riu Nga, ở thôn Aliêng (xã A Ting, Đông Giang) cho hay, không chỉ gươl, nhiều hiện vật khác như: ché chiêng, nhà mồ, moong truyền thống… cũng đều chung số phận. Nhà mồ là một ví dụ. Bây giờ không còn nữa, ngoài căn nhà mồ của ông Nga làm cho người bố vợ cách đây hơn chục năm và một ngôi nhà mồ được phục dựng tại Làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang. Bây giờ, đi dọc các bản làng vùng cao, nơi nào cũng thấy nhà mồ đang dần chuyển sang bê tông cốt thép. “Như ché, chiêng, xà lùng, thổ cẩm cổ xưa cũng đâu còn nhiều. Phần là do người ta bán đi, phần là do tập tục chia của cho người chết còn tái diễn, hoặc thiên tai, cưới xin, nên những thứ đó cứ mất dần. Chừ nói thiệt, nhiều gia đình đến cái chiêng để đánh, cái trống để gõ, cái xà lùng để mặc còn phải mượn từ cộng đồng làng, thì hỏi làm sao văn hóa không mất dần” - già làng Bh’riu Nga trăn trở.

 Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người có nhiều công trình nghiên cứu về kiến trúc văn hóa của đồng bào Cơ Tu tâm sự, chỉ trong vòng gần 20 năm, nhiều kiến trúc nhà làng của đồng bào ở vùng cao đã có sự thay đổi theo lối hiện đại, pha đặc kiến trúc của miền Bắc và có xu hướng đang ngày bị “Kinh hóa”. Điều đó thể hiện rất rõ ở từng bộ phận chóp mái, cửa và một số kiểu dáng của ngôi nhà. Bởi trước đây, người Cơ Tu thường làm nhà theo kiến trúc nhà sàn, mái cao, không cầu kỳ về kiến trúc và mang dáng dấp rất đặc trưng của miền núi. Theo ông Hỷ, để bảo tồn di sản của đồng bào, chính quyền và cả cộng đồng cần tính toán đến chiến lược lâu dài, từ khôi phục nét truyền thống, phát huy lợi thế vùng miền, cho đến xây dựng những kế sách mang tính đặc thù và khuyến khích bảo tồn giá trị văn hóa.

Tạo bước đệm hồi sinh

Quá trình mai một, biến dạng không ngừng của bản sắc văn hóa ở vùng cao đã từng khiến giới chuyên môn và chính quyền các địa phương “giật mình”. Một giải pháp căn cơ, phù hợp nhất trong công tác bảo tồn văn hóa cho đến thời điểm này vẫn đang dưới dạng “tầm nhìn”, còn thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền núi. Nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc Hội VHNT tỉnh) chia sẻ, khi còn đương chức Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My, ông cũng đã triển khai đề án sưu tầm, khôi phục các hiện vật về đàn đá, cồng chiêng và chủ trương khôi phục nhà làng truyền thống của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng. Từ đề án này, nhiều bản làng đồng bào vùng cao Nam Trà My đã tìm lại được một số bộ cồng chiêng, đàn đá… mà lâu nay ít ai để ý đến. Cá nhân ông Trinh cũng tự mình lặn lội các vùng người Xê Đăng sinh sống để sưu tầm thêm những viên đá, góp sức giúp hồi sinh một loại nhạc cụ độc đáo này. “Bây giờ, ở nhiều làng bản, số lượng cồng chiêng đã tăng dần so với thời điểm trước. Đó là điều đáng mừng. Nhưng nếu chỉ sưu tầm hiện vật thôi chưa đủ, mà cần phải có kế hoạch, đề án cụ thể giúp đồng bào nhận thức được tầm quan trọng, cũng như ý nghĩa của việc bảo tồn văn hóa bản địa trước nguy cơ mai một. Đó mới là kế sách hay, tạo bước đệm để di sản văn hóa vùng cao hồi sinh” - nhạc sĩ Dương Trinh nhấn mạnh.

Thực tế những năm qua, các địa phương miền núi cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa, thông qua các đề án, các nội dung trong nghị quyết của Đảng bộ huyện. Theo bà A Ting Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiệu quả bước đầu từ nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu trong các giai đoạn 2003 - 2016, địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai đề án giai đoạn 2017 - 2020. Đề án đưa các các mục tiêu về xây dựng gươl, moong truyền thống tại các thôn bản; khôi phục nhà mồ, nhà làng; bảo lưu trang sức, nhạc cụ, trống chiêng; văn hóa ẩm thực, cùng các dụng cụ trong lao động sản xuất… ở cộng đồng người Cơ Tu. “Để việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu đạt hiệu quả, ngoài việc mỗi thôn đều có gươl, moong và các bộ trống chiêng, chúng tôi chủ trương khuyến khích người dân tiếp tục duy trì và cải tiến các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, cũng như thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, xây dựng khu trưng bày hiện vật văn hóa vật thể ở điểm làng và cộng đồng dân cư” - bà Tươi nói.

Thực hiện chuyên đề: ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa vật thể miền núi: Bảo tồn dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO