"Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt"

LÝ ĐỢI 09/01/2022 08:21

Đây cũng là tên bộ sách 3 cuốn phát hành ít lâu của nhà thơ Lê Minh Quốc, một người con xứ Quảng. Dựa vào lời ăn tiếng nói của ông bà, các phát tích chữ quốc ngữ, cũng như văn ngôn dẫn chứng từ sách vở, bộ sách mang lại cho người đọc cảm giác sảng khoái, ý vị.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái. Ảnh: LIÊN ANH
Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái. Ảnh: LIÊN ANH

Trong lời nói đầu, Lê Minh Quốc viết: “Chọn cách viết theo lối chữ nọ xọ chữ kia, chuyện kia tăm tia chuyện nớ, gặp đâu xâu đó như một cách trò chuyện thân tình, trao đổi thân mật đặng học hỏi lẫn nhau, không ngoài mục đích lôi cuốn người đọc”.

Có gì khác sách chuyên ngành?

“Bàn về tiếng Việt là chuyện không của riêng ai, vì bất kỳ ai cũng có thể góp phần giải thích và đóng góp thêm vốn từ cho kho tàng tiếng Việt” - Lê Minh Quốc nói.

Và anh nói thêm: “Không cớ gì khi người Việt bàn về tiếng Việt mà người nghe lại cảm thấy khô khan, thậm chí khó hiểu và không hào hứng góp thêm câu chuyện cho rôm rả? Mỗi người góp một tay thì vui hơn, thiết thực hơn.

Sân chơi này vốn dành cho mọi người, không khu biệt cho bất kỳ đối tượng nào, vì tiếng Việt, ngoài từ phổ thông vốn phổ biến từ Nam chí Bắc, thì còn là thổ âm, thổ ngữ địa phương nữa, nơi mà không một nhà ngôn ngữ nào, dù tài ba lỗi lạc đến đâu, cũng có thể biết hết/ hiểu hết.

Gần đây, trên truyền hình có chương trình “Vua tiếng Việt”, đối với tôi, cách đặt tên như thế rất phản cảm, vì nói như thế là không thấu đáo, không đúng với thực tế đời sống của tiếng Việt”.

Bộ sách có các tít phụ nghe rất bắt tai, ví dụ như “Dích dắc dập dìu dư dí dỏm”, “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”. Khi cầm sách lên tay, hẳn độc giả sẽ ấn tượng và thu hút vì các tít phụ này, nó hé lộ phần nào cách tiếp cận của tác giả.

Mà không chỉ cách đặt các tít phụ, thêm yếu tố nữa mà tác giả cố tình nhấn mạnh, đó là cách thể hiện, trình bày một từ nào đó. Thay vì đi vào các thuật ngữ, các trường phái nghiên cứu rồi ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa…, anh chọn cách viết cởi mở, tự do, nơi mà bất kỳ độc giả nào cũng có thể tham gia câu chuyện đó, cùng bàn về từ đó.

Đã có vô số từ thú vị, hoặc khó hiểu, hoặc “tử ngữ” (nay ít dùng) được bàn. Ví dụ như khi đọc câu thơ tương truyền của Hồ Xuân Hương, ta hiểu thế nào về từ “gùn ghè”? Để giải thích từ này, tác giả đưa người đọc quay ngược về thời gian của năm 1651.

Thật bất ngờ, khi tra “Từ điển Việt - Bồ - La”, ta thấy Alexandre de Rhodes giải thích: “Sui gia: Bố chồng, bố vợ, mẹ chồng vợ. Tốt hơn, sui gia. Có người nói: gùn ghè”. Và ông giải thích: “Ghè, ngồi ghè: Ngồi sát, ngồi ghé bên ai”. Còn gùn là gì? “Việt Nam tân từ từ điển” (1965) của Thanh Nghị cho biết: “Gùn: Đầu mối nổi lên của mặt hàng tơ lụa. Hàng nhiều gùn”. Sở dĩ, “gùn ghè” được sử dụng thay cho thông gia/ sui gia có phải do nghĩa của cả hai từ gùn và ghè ghép lại chăng?

Trải qua năm tháng, từ “gùn ghè” này đã được hiểu qua nghĩa khác. “Từ điển Việt - Pháp” của J.F.M Génibrel (1898) giải thích là nhìn chằm chằm. Thơ Chiêu Hổ đùa bà Hồ Xuân Hương: “Gùn ghè nhưng hãy còn e ấp/ E ấp cho nên phải rụt rè”.

Còn “Việt Nam tự điển” (1931) ở ngoài Bắc thì giải thích: “Gùn ghè: Mon men, ve vãn”. Trong khi đó, với người xứ Nghệ lại gọi “gập ghè”, dấu vết ấy còn ghi nhận trong “Từ điển tiếng Nghệ” qua câu vè: “Em đã có nơi rồi/ Đừng gập ghè chi nữa”. Cùng hàm nghĩa tương tự nhưng “Việt Nam từ điển” (1970) ở miền Nam lại ghi nhận “Gầm ghè: Gò, tán tỉnh, o bế”.

Hoặc như câu mà người Quảng hay nói: “Đi tới Quế (Huế) rồi”. Lê Minh Quốc kể một câu chuyện để giải thích: “Còn nhớ, ngày tôi còn bé, ông cậu ruột từ Quảng Ngãi thỉnh thoảng hay ra Đà Nẵng, ghé lại nhà tôi ở chơi dăm ba bữa rồi về. Sáng kia, thức dậy, không thấy cậu, tôi hỏi mẹ: Ủa, rứa cậu Bảo về rồi hả mẹ? Cậu đi lâu chưa?

Mẹ tôi trả lời: Cậu đi lâu léc, đi xa quen quéc, chắc đi tới Quế/ (Huế) rồi. Trời đất, cậu tôi về Quảng Ngãi, sao mẹ tôi lại nói đi tới Huế? Thì ra, cụm từ này cũng tựa như lúc bà má miền Nam nói ở xứ Huế, nghĩa là đã đi xa/rất xa, chứ không phải cụ thể là người đó đi tới Huế.

Nhớ lại câu chuyện này, tôi suy luận rằng ngày xưa phương tiện đi lại còn khó khăn, từ Nam ra Trung, từ Quảng Nam ra Huế phải nhọc nhằn vượt qua đệ nhất hùng quan là đèo Hải Vân, do đó, họ mới lấy đó làm cột mốc một khi đi đến Huế là đã đi xa lắm rồi”.

 Cái dễ và cái khó của tiếng Việt?

Quan điểm của Lê Minh Quốc như sau: “Dễ thế nào, tôi nghĩ là tùy cách cảm của mỗi người. Cái sự dễ này, người ngoại quốc trước nhất ghi nhận và có phân tích thấu tình đạt lý là nhà truyền giáo, nhà ngôn ngữ học cực kỳ tài ba, lỗi lạc - Alexandre de Rhodes, có phân tích trong “Từ điển Việt - Bồ  - La” (1651), xin không nhắc lại”.

“Còn cái khó nhất tôi nghĩ không riêng gì người nước ngoài mà ngay cả người Việt cũng lắm lúc trần ai khoai củ, theo tôi vẫn chính là: 1) Sự đồng âm trùng trùng điệp điệp, tầng tầng lớp lớp trong vốn từ tiếng Việt; 2) Có những từ/ hình ảnh đã thuộc về quy ước của cộng đồng, để khi muốn thay thế một cái gì đó có tính nhạy cảm như của, hĩm, chim, bướm, đồ…; 3) Cùng chỉ một sự vật/ sự việc nhưng lại có nhiều từ na ná, đồng nghĩa, điều này, cho thấy vốn từ tiếng Việt giàu đẹp, kỳ diệu và phong phú đến vô tận; 4) Các thanh dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… cũng không dễ dàng phân biệt thế nào cho đúng chính tả; 5) Trong tiếng Việt có từ láy hoặc có yếu tố từ láy, ta hiểu thế nào cho đúng?” - ông Quốc nói.

Theo Lê Minh Quốc, người Việt mình lấy từ những gì rất quen thuộc trong sinh hoạt đời thường dùng cho cách ám chỉ, nhờ thế mà nói công khai từ văn học bình dân đến văn chương bác học mà không phạm vào sự thô tục. Thậm chí, ngay cả việc sử dụng từ người ta cũng có thể miêu tả về chuyện ấy/ việc ấy/ cái sự ấy một cách tài hoa, siêu đẳng mà đỉnh cao vẫn là thơ Hồ Xuân Hương, chẳng hạn.

Nếu không hiểu, ta sẽ không thấy hết cách nói lắt léo, dích dắc, chơi chữ vốn đã có. Cách lựa chọn này, còn tìm thấy trong nhiều quan hệ khác nữa, tất cả đã chứng minh cho lời ăn tiếng nói của người Việt cực kỳ tinh tế, khéo léo và gợi cảm; phong phú, đa dạng và không đóng khung trong một công thức máy móc, cố định nào cả.

Còn nhớ, tại Hội thảo Cao Xuân Hạo với ngôn ngữ học Việt Nam (năm 2017) ở TP.Hồ Chí Minh, học giả An Chi đã “hoài nghi về sự tồn tại của hiện tượng từ láy”, bằng cách chứng minh “các thành tố trước hoặc sau của tổ hợp láy là hình vị gốc Hán, có nghĩa rõ ràng, cụ thể”.

Đây cũng là quan điểm mà trước đó, nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo đã khẳng định. Từ đó, theo An Chi, trong từ điển về từ láy hiện nay thì “có nhiều mục từ phải được bóc gỡ đi cái nhãn hiệu từ láy, nếu ta xét về phương tiện tạo từ”. Với người Việt mà tiếng Việt đã lắt léo như vậy, huống gì với người nước ngoài khi tiếp cận tiếng Việt.

“Thời gian thay đổi tất cả. Không có lý do gì để ngôn ngữ thoát khỏi quy luật phổ biến đó” - nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure (1857 - 1913) đã nói chí lý. Điều này ta càng thấy rất rõ khi đọc lại thành ngữ, tục ngữ, ca dao, vốn là trí tuệ xưa của dân tộc, nhưng theo năm tháng đã có thay đổi về ngữ nghĩa.

Đành rằng lời ăn tiếng nói là kết quả của quan sát qua phong tục, lễ nghi, tập quán, đất lề quê thói…, rồi trong quá trình đó, thêm các yếu tố, tình tiết vào một câu chuyện cụ thể. Qua năm tháng, người ta dần quên đi câu chuyện gốc, hoặc do ngữ nghĩa phai dần, vì thế, cũng câu nói đó, nhưng mỗi người hiểu mỗi phách, hoặc có thêm các dị bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO