Làm cách nào định danh văn hóa, bản sắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển, là điều khiến những người làm văn hóa lưu tâm. Những cơ hội lẫn thách thức để bảo tồn các giá trị lâu đời cũng như đưa vốn liếng này đến gần hơn với đại chúng, vẫn là một câu hỏi khó.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển” diễn ra mới đây đã đặt ra nhiều vấn đề không chỉ có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Nó cần sự vào cuộc của rất nhiều lớp thế hệ, với sự hiểu biết và tình yêu, tự hào với chính bản sắc của quê xứ mình.
Phát triển từ “tư tưởng mở”
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, nền tảng giá trị ban đầu để Quảng Nam, từ cả câu chuyện văn hóa đến sự phát triển kinh tế sau này, đều là “tư tưởng mở”. Quảng Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt so với các vùng đất khác. TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ, lợi thế trước nhất thuộc về địa kinh tế, với vị trí thuận lợi, cộng với việc có nhiều tài nguyên về biển, rừng, đất đai, khí hậu đa dạng...
“Quảng Nam có nhiều tiềm năng về văn hóa và truyền thống văn hóa mở. Có lợi thế về phong thủy... Cộng với những dự báo về xu hướng phát triển trong tương lai, Quảng Nam - Đà Nẵng có điều kiện để trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước” - TS. Vũ Ngọc Hoàng nói. Theo ông, từ việc phát triển giáo dục đào tạo theo hướng mở, thực học và khai sáng, phát triển văn hóa chiều sâu và chăm sóc sức khỏe con người nhằm tạo ra loại “sản phẩm” đặc biệt là con người. Với tư duy mới mẻ, Quảng Nam qua 20 năm phát triển đã minh chứng đúng đắn cho tư tưởng mở có từ quá khứ.
Chính từ tư duy mở có trong quá khứ, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, Quảng Nam tự thân đã là một tiểu vùng văn hóa hoặc ít nhất đã là hạt nhân của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng, Nam Trung Bộ. GS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, những giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam bắt đầu từ sự hiện diện và giao hòa của hầu hết các loại hình di sản văn hóa, thể hiện những đặc trưng khác nhau, niên đại khác nhau, những nội dung lịch sử khác nhau, nhưng đều gắn liền với những đặc điểm về địa lý tự nhiên và quá trình hình thành, phát triển của vùng đất.
Theo GS-TS. Trương Quốc Bình, Quảng Nam là một trong những địa phương có khối lượng di sản văn hóa phong phú nhất, đa dạng nhất và tiêu biểu nhất. Theo đó, hiện nay, Quảng Nam có đến 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới, 62 di tích quốc gia và 340 di tích cấp tỉnh. Dưới góc độ di sản văn hóa vật thể, các di chỉ khảo cổ học từ thời Tiền - Sơ sử với nền văn hóa tiền Sa Huỳnh đến văn hóa Sa Huỳnh... có niên đại cách dây khoảng 6.000 - 8.000 năm, là những chứng cứ vật chất sinh động về quá trình phát triển của cư dân đất Quảng. Song song đó, việc cùng lúc có 2 khu di sản văn hóa thế giới đã phần nào khẳng định những giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam. Các di sản văn hóa phi vật thể từ lễ hội, làng nghề truyền thống, đặc trưng ẩm thực các vùng miền đã cho thấy sự phong phú của nền văn hóa xứ Quảng.
Cơ hội và thách thức
Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, khá nhiều ý kiến của những người gắn bó với vùng đất, văn hóa Quảng Nam đưa ra ngõ hầu bảo tồn các giá trị đặc sắc của xứ Quảng. Ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở VH-TT Quảng Nam chia sẻ, Quảng Nam là địa phương rất quan tâm đến văn hóa, bởi đây cũng chính là thế mạnh của vùng đất. Theo ông, thời gian tới, chính quyền cần quan tâm hơn tới câu chuyện bảo tồn và phát triển văn hóa. “Đặc biệt là vấn đề phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa. Chúng ta cần một sự nhìn nhận xác đáng đến cán cân giữa khai thác để phát triển và nỗ lực bảo tồn” - ông Tuấn nói.
Việc khai thác du lịch tại Hội An cũng được một số đại biểu quan tâm. GS-TS. Trịnh Sinh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những năm qua, Hội An và Quảng Nam nói chung đã làm tốt công tác du lịch. Lượng du khách đổ về Hội An thuộc loại có mật độ đông nhất nước.
“Tuy nhiên, khai thác du lịch tại Hội An chưa xứng tầm. Du khách, nhất là khách nước ngoài đến Hội An để chiêm ngưỡng nhà cổ, phố cổ là chủ yếu bên cạnh việc nghỉ dưỡng. Nhưng sản phẩm du lịch chưa thật phong phú. Việc khai thác giá trị lịch sử văn hóa chưa nhiều. Ví dụ, du khách mới chỉ thấy kiến trúc của người Hoa nhưng chưa có những kiến trúc Nhật điển hình ngoài Chùa Cầu.Có thể phải phục chế, tôn tạo nhà Nhật Bản, mộ Nhật Bản chăng? Bên cạnh kiến trúc, cần phải có trung tâm giới thiệu văn hóa Nhật, từ đồ sứ, các văn bản trao đổi giữa hai nhà nước thời chúa Nguyễn” - GS-TS. Trịnh Sinh cho biết.
Cùng với gợi ý về sự nhìn nhận xác đáng cho việc phát triển du lịch, vấn đề bảo tồn làng nghề truyền thống hay các giá trị đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam cũng được quan tâm. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng các làng nghề truyền thống của Quảng Nam hiện nay chưa được đặt đúng vị trí của nó. Theo ông, sau khi có rất nhiều lễ hội, sự kiện liên quan đến làng nghề và sản phẩm làng nghề, thì việc duy trì, nuôi dưỡng các hoạt động này lại bị bỏ ngỏ. Đồng thời, câu chuyện về thiếu hụt nguồn nhân lực cho các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thậm chí người làm nghề cũng là thực trạng của Quảng Nam hiện nay. Có thể nhìn ra những hiện trạng rất khó chịu hiện nay như các làng nghề, cảnh quan làng quê thiếu quy hoạch theo hướng chuyên nghiệp, thiếu tính liên kết giữa các làng nghề, điểm đến du lịch và cả với các hãng lữ hành, công tác quảng bá sản phẩm ít được quan tâm...
Đối với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, từ phong tục tập quán, tri thức nghề nghiệp cho đến trang phục, văn hóa phi vật thể, đều đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn. TS. Võ Thị Phương Mai - Bảo tàng Dân tộc học cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải có sự tiếp cận tổng thể và đa dạng văn hóa.
“Đó có thể là tiếp cận đương đại bảo vệ di sản sống - là các di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng công nhận. Tiếp cận quyền chủ thể văn hóa, bao gồm người sáng tạo, người được kế thừa, người thực hành, người bảo vệ... Phải tạo được niềm tin và lòng tự hào, tránh gây tâm lý mặc cảm văn hóa; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong chính cộng đồng. Thêm nữa, Nhà nước và cộng đồng cần dành một khoản kinh phí để nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Chưa kể, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc học, văn hóa dân tộc cho chính những người đang làm văn hóa tại vùng cao” - TS. Võ Thị Phương Mai nói.
Với rất nhiều những gợi ý, đề xuất phương pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa xứ Quảng trong bối cảnh đời sống mới, hy vọng việc định vị văn hóa trong cuộc phát triển và hội nhập sẽ góp phần giúp sắc xứ Quảng trường tồn.