Âm vang đại ngàn

ALĂNG NGƯỚC - HẠNH MÂY 01/07/2022 10:58

Hội tụ đủ đầy sắc màu truyền thống kết hợp nghệ thuật trình diễn, Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V - năm 2022 (diễn ra từ ngày 27 - 28.6) mang đến cho người xem một không gian văn hóa đậm đặc bản sắc và sự trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến vùng đất mây ngàn.

Rất nhiều hoạt động văn hóa được trình diễn, tái hiện phục vụ du khách tham quan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Rất nhiều hoạt động văn hóa được trình diễn, tái hiện phục vụ du khách tham quan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo nhịp trống chiêng

Thanh âm của nhịp chiêng trống kết hợp vũ điệu tân tung, da dá tại chương trình khai mạc Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang vẫn gợi lên trong câu chuyện của rất nhiều du khách và người dân địa phương.

Đêm trình diễn nhiều sắc màu, chủ đạo là nghệ thuật diễn tấu trống chiêng, đã tạo nên dấu ấn riêng biệt cho liên hoan lần thứ V được tổ chức.

Ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, với quy mô và sự chuẩn bị chu đáo của các đoàn, liên hoan quy tụ gần 700 nghệ nhân tham gia trình diễn các nội dung điêu khắc, dệt thổ cẩm, đan lát; tái hiện đủ đầy không gian đời sống văn hóa tâm linh, nét đẹp cộng đồng, phục vụ du khách.

Trong đó, ấn tượng nhất là chương trình khai mạc được dàn dựng công phu, với sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật biểu diễn trống chiêng với trình diễn trang phục truyền thống.

Theo ông Với, bằng kinh nghiệm vốn sống và tinh thần vực dậy trong việc chung tay bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, những cuộc trình diễn đã vượt xa khỏi quy mô của một liên hoan đơn thuần, trở thành ngày hội chung của cộng đồng miền núi.

Không gian văn hóa cồng chiêng được trình diễn xuyên suốt lễ hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Không gian văn hóa cồng chiêng được trình diễn xuyên suốt lễ hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ vũ điệu tân tung, da dá của người Cơ Tu; múa rê-rê kết hợp âm vang plung tút của người Ve, Tà Riềng…, tất cả như hòa quyện vào nhau, tạo nên không gian văn hóa đa màu sắc.

“Mỗi dân tộc mang đến một mảng màu riêng biệt về sắc thái trình diễn, biểu hiện các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng” - ông Với chia sẻ.

Không chỉ đồng bào Cơ Tu, ngay cả người Ve, Tà Riềng và một số dân tộc khác sinh sống ở Nam Giang đều chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng, xem đó là không gian sống độc đáo.

Ở nhiều bản làng, công việc truyền dạy được quan tâm, mang nhiều kỳ vọng cho công tác bảo tồn của địa phương.

Vì thế, ông Với nói, lễ hội như một dịp để các nghệ nhân tái hiện những nét đẹp trong văn hóa cộng đồng, nhằm giáo dục và truyền dạy cho thế hệ trẻ kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống.

Hướng mở cho du lịch

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, dù đã qua 5 lần tổ chức, nhưng Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, với hơn 7.000 lượt người tìm đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm.

Người trẻ tham gia trình diễn trang phục truyền thống trong đêm khai mạc liên hoan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Người trẻ tham gia trình diễn trang phục truyền thống trong đêm khai mạc liên hoan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thông qua các nghi thức văn hóa, ngành nghề đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng ẩm thực dân gian truyền thống… đã mang đến một không gian sinh hoạt gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, bày tỏ ước vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.

Trực tiếp chiêm ngưỡng sắc màu văn hóa vùng cao thông qua các lễ hội truyền thống và không gian trình diễn, nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khi đặt chân đến vùng đất Bến Giằng.

Chị Lê Nguyệt, một du khách ở Đà Nẵng không giấu được niềm vui khi lần đầu chứng khiến ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang. Không chỉ góp mặt ở không gian hội làng và ẩm thực truyền thống, chị Nguyệt nói mình còn được hòa vào dòng chảy rất đặc trưng của cộng đồng miền núi, xem đó như một kỷ niệm khó quên.

“Thật thú vị và ấn tượng khi được trải nghiệm với nhiều hoạt động truyền thống của người dân miền núi. Một lễ hội ý nghĩa giúp giới thiệu và quảng bá hình ảnh đẹp trong đời sống cộng đồng đến với du khách” - chị Nguyệt nói.

Đã khép lại một kỳ liên hoan nhưng dấu ấn và sự lan tỏa vẫn mải miết trong câu chuyện của người dân và du khách. Sự trải nghiệm thú vụ hẳn sẽ khiến du khách nhớ mãi, mở hướng cho hành trình tái khởi động du lịch của địa phương.

Nói như ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thông qua các hoạt động văn hóa truyền thống, du khách được hòa mình vào một phần nhỏ đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Những nét đẹp nghệ thuật dung dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa bao điều thú vị, mang màu sắc riêng biệt của vùng đất Nam Giang anh hùng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm vang đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO