Âm vọng cầu ngư

THÀNH CÔNG 12/06/2022 05:36

(VHQN) -  Khắp miệt biển, từ những làng chài bãi ngang nhỏ bé đến những cảng cá lớn, đều có lễ hội cầu ngư, như một không gian văn hóa đặc biệt. Nơi đó, đời sống ngư dân hiện hữu theo cách rất riêng, thật gần gũi mà cũng không kém phần độc đáo…

Ngư dân làng chài An Lương (Duy Hải) rước Long Chu ra biển. Ảnh: T.C
Ngư dân làng chài An Lương (Duy Hải) rước Long Chu ra biển. Ảnh: T.C

Tôi may mắn được dự nhiều lễ hội cầu ngư của bà con ngư dân xứ Quảng, nhưng mỗi lần trở lại, vẫn vẹn nguyên cảm thức hào hứng. Sự thành kính của phần lễ, sự tưng bừng của phần hội, rồi những chuyến rước thần Nam Hải hay đưa Long Chu ra biển.

Với người dân miệt biển, đêm trước lễ hội đã lắm niềm vui, khi chung tay sửa soạn từng thứ lễ vật, chuẩn bị chu đáo nhất mâm lễ cúng. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi đã cao, vẫn nhờ cháu con chở tới tận đình, mang theo nắm gạo muối, vài xấp vàng mã góp cho làng. Họ tìm thấy niềm vui bằng việc dự phần vào lễ hội một cách nhiệt tâm nhất.

Có một mùa biển động, tôi về Sâm Riêng (Tam Quang, Núi Thành), nghe gió u u thổi qua những con thuyền, trời nước âm vọng tiếng của biển. Đoàn tàu rước thần Nam Hải từ từ xuất bến, trong tiếng trống vang vọng khắp cửa An Hòa.

Những nghi thức được tiến hành, lễ vật từ từ được thả xuống biển. Hình như, trong từng tiếng hò reo, trong từng động tác dâng lễ vật, họ mang theo cả thứ tín ngưỡng thiêng liêng mà từng người, từng nhà đã gắn niềm tin mình vào đó.

Họ nghiêm cẩn trong từng giờ, từng phút làm lễ, rồi cũng chính họ, hân hoan cổ vũ hết mình trong phần hội đua thuyền. Lễ đua thuyền, nhiều năm rồi, đã trở thành một “thương hiệu” của lễ cúng cầu ngư làng Sâm Riêng.

Thay vì ra cửa biển rước thần về đình, lễ cầu an ở làng An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) thì ngược lại, sau lễ cúng, ngư dân kính cẩn nghinh Long Chu ra Cửa Đại. Dịch Covid-19 cũng ít nhiều xáo động đến làng, nên lễ cầu an không có phần hội với bả trạo, với hát tuồng.

Tôi ngồi trên con thuyền nhỏ, át cả tiếng sóng, tiếng động cơ, người làng reo hò hân hoan trong suốt chặng đi. Những khuôn mặt mà nắng gió và muối biển đã tạc khắc nên sự rắn rỏi, can trường cùng hướng về phía Long Chu, đợi sóng từ từ đưa Long Chu trôi xa ra ngoài Cửa Đại mới dong thuyền quay trở về…

Có khá nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền diệu về tâm linh người đi biển. Ngư dân may mắn thoát gió bão, trúng lớn mẻ đánh bắt nhờ cá Ông “dựa”, hay việc kiêng trở/lật cá trong mâm cơm, nhặt từng mảnh chén bể gom lại, cất trên thuyền suốt chuyến đi 3-4 tháng trời đến khi vào bờ, không dám thả xuống biển…

Tôi nghe kể nhiều lần, đâu đó trong những dịp gặp họ trên bờ, hay lênh đênh một đêm cùng chuyến bãi ngang. Một niềm tin kỳ lạ gửi gắm vào mẹ biển. Không phải lúc nào biển cũng hiền từ, hẳn rồi, nhưng họ vẫn kính cẩn gửi mình vào niềm tin đó, đầy thành kính và chân thật.

Đó cũng là thứ sức mạnh để những lễ cầu ngư được duy trì và tiếp nối qua hàng trăm năm, qua bao đời ngư dân, để sống mãi một không gian văn hóa đặc biệt. Nơi đó, có đời sống khác, khoảng trời khác, chỗ những chấp niệm vụn vặt đời thường không tồn tại. Chỉ có niềm tin, sự ngưỡng vọng và tình yêu của người miệt biển, hướng về khơi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm vọng cầu ngư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO