An toàn cho di tích

XUÂN HIỀN 17/04/2022 08:56

Dù nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn di tích luôn được quan tâm nhưng các di tích cấp tỉnh ở Quảng Nam vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp.

Ngành văn hóa đang kỳ vọng vào Đề án hỗ trợ tu bổ di tích được thông qua góp phần cải thiện hiện trạng một số di tích trên địa bàn. Ảnh: V.L
Ngành văn hóa đang kỳ vọng vào Đề án hỗ trợ tu bổ di tích được thông qua góp phần cải thiện hiện trạng một số di tích trên địa bàn. Ảnh: V.L

Đưa di tích về trạng thái an toàn, tránh các nguy cơ xâm hại đang là điều cấp thiết. Đây cũng chính là mục tiêu để Quảng Nam tiếp tục kỳ vọng vào “Đề án hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025” sẽ được trình kỳ họp HĐND tỉnh tới đây.

Hiện trạng

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, năm 2016, Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 161 về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh cho giai đoạn 2016 - 2021. Cùng với đó là các nghị quyết, quyết định nhằm cụ thể hóa công tác bảo tồn các loại hình di tích trên địa bàn.

“Qua 6 năm thực hiện (2016 - 2021), công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, với 15 di tích quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và 73 di tích được dựng bia. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, bảo vệ nguyên vẹn hệ thống di tích hiện có và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ, gìn giữ di tích.

Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy được giá trị, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho học sinh, thanh thiếu niên, là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và nơi cố kết cộng đồng của dòng tộc, làng xã...” - ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.

Quảng Nam hiện có 441 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh. Ngoài các di tích được tu bổ theo danh mục của đề án trước đó, giai đoạn hiện nay, nhiều di tích đang xuống cấp, hư hại.

Các di tích liên quan kiến trúc nghệ thuật hoặc thuộc loại hình nhà cổ như: tháp, đình, miếu, dinh, nhà thờ tộc, nhà ở thường có niên đại ít nhất từ 100 năm trở lên, có kết cấu chủ yếu bằng gỗ nên hầu hết bộ phận như cột, kèo, xuyên, trính... của di tích bị mối mọt xâm hại, kết cấu bị xô lệch, dễ ngã đổ.

Các mảng tường được xây bằng gạch với chất kết dính truyền thống như vôi, bời lời nên khả năng liên kết yếu, tình trạng phổ biến là sụt móng, nứt tường, mái thấm dột, đe dọa sự bền vững của di tích.

Cũng theo khảo sát của Sở VH-TT&DL, tại các di tích khảo cổ học, sau khi hoàn tất việc khai quật và đưa hiện vật về nơi bảo quản chỉ còn lại tại hiện trường là hố khai quật. Qua thời gian, cỏ dại khiến cảnh quan và địa tầng tại khu vực khảo cổ thay đổi cũng như gây khó khăn cho công tác khảo sát, nghiên cứu.

Tại Quảng Nam, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích còn rất thấp cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Tổng mức đầu tư của các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành cùng với vốn đối ứng của các địa phương và nguồn xã hội hóa cho công tác tu bổ di tích giai đoạn 2016 - 2021 là 133,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 87,4 tỷ, kinh phí hỗ trợ từ Bộ VH-TT&DL là 2,1 tỷ, kinh phí hỗ trợ của TP.Đà Nẵng 8 tỷ, kinh phí đối ứng của các địa phương và xã hội hóa 36,1 tỷ.

Đưa di tích về trạng thái an toàn

Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, tại Đề án hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích giai đoạn 2022 - 2025, Sở VH-TT&DL thống kê trong 4 di tích quốc gia đặc biệt có 2 di tích đang xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo và xây dựng nhà bia, chiếm tỷ lệ 50%. Trong 63 di tích quốc gia có 8 di tích đang xuống cấp cần tu bổ và 3 di tích cần xây dựng nhà bia. Trong số 374 di tích cấp tỉnh có 28 di tích đang xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo và 39 di tích cần dựng nhà bia.

 Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trước thực tế nhu cầu của các địa phương khá lớn, trên cơ sở khả năng đảm bảo nguồn lực, Sở VH-TT&DL đã đề xuất tập trung hỗ trợ đối với các di tích bức thiết. Các di tích, hạng mục đề xuất đầu tư đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp với các hạng mục di tích đã được hỗ trợ đầu tư tại các nghị quyết trước đây của HĐND tỉnh.

Đồng thời danh mục đề xuất không bao gồm các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh có quy mô đầu tư tổng thể với kinh phí lớn cần được xây dựng và phê duyệt tại các dự án đầu tư riêng theo quy định của Luật Đầu tư công.

Báo cáo về nguồn lực thực hiện cơ chế hỗ trợ, Sở VH-TT&DL cho biết, sau khi cân nhắc về tính bức thiết và khả năng cân đối nguồn lực, sở đã hoàn thiện theo phương án tối ưu với kinh phí 90,9 tỷ đồng.

Đề án đặt mục tiêu đưa các di tích đang xuống cấp về trạng thái an toàn, phục hồi và bảo tồn nguyên vẹn hệ thống di tích hiện có. Tại những di tích là địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử, xây dựng nhà bia để ghi dấu sự kiện, qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng.

Lẽ dĩ nhiên, bảo tồn di tích là hành trình dài từ việc phục dựng, trùng tu đến câu chuyện sau đó là giá trị của di tích trong hiện tại. Riêng với Quảng Nam, dù chưa có những “biến cố” trong quá trình trùng tu di tích, nhưng việc phát huy di tích vẫn chưa thật sự được chú trọng.

Hẳn không chỉ đưa di tích vào các tour tuyến, điểm đến du lịch, cần nhiều hơn những hoạt động phối hợp giữa văn hóa và giáo dục cũng như các tổ chức xã hội thì mới mong các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản đi vào chiều sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn cho di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO